Giữ sạch môi trường khu phong tỏa

Dạ Khánh| 28/09/2021 06:17

(HNM) - Nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan ra địa bàn khác, bên cạnh việc cách ly y tế tập trung đối với các trường hợp F0, F1, thành phố Hà Nội cũng thực hiện phong tỏa các khu vực xuất hiện ổ dịch. Tại các khu vực phong tỏa, nhiều công nhân vệ sinh môi trường, lực lượng xung kích đã tình nguyện vào tâm dịch, thực hiện “3 tại chỗ”, chung tay cùng địa phương phòng, chống dịch, bảo đảm thu dọn rác thải, giữ sạch vệ sinh môi trường...

Công nhân Công ty Urenco - Chi nhánh Đống Đa tuân thủ nghiêm quy định về thu gom rác thải trong khu vực phong tỏa ở phố Trần Quý Cáp, phường Văn Miếu.

Thực hiện “3 tại chỗ”

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư trên địa bàn quận Thanh Xuân có 44 điểm phải thực hiện phong tỏa, cách ly y tế và đến ngày 25-9, vẫn còn 8 điểm. Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân Đinh Văn Hải cho biết, UBND quận và các phường đã tổ chức lực lượng xung kích gồm công an, dân quân tự vệ, đoàn thanh niên... tham gia vận chuyển nhu yếu phẩm tới hộ dân trong khu vực phong tỏa, hướng dẫn người dân lấy mẫu xét nghiệm... Đặc biệt, tại điểm phong tỏa có nhiều ca F0, tổ xung kích thực hiện “3 tại chỗ” (ăn tại chỗ, làm tại chỗ, nghỉ tại chỗ), tham gia quét dọn vệ sinh ngõ xóm, hỗ trợ thu gom rác thải y tế, rác thải sinh hoạt từ các hộ dân nhằm tránh phát tán mầm bệnh. 

Tham gia lực lượng xung kích tại “điểm nóng” ngõ 328-330 Nguyễn Trãi (phường Thanh Xuân Trung), khu vực đã phát hiện hàng trăm ca Covid-19, anh Nguyễn Huy Kỳ, đoàn viên Đoàn Thanh niên phường Thanh Xuân Trung kể, từ ngày 26-8 đến nay, tổ xung kích hơn 10 người là công an, dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên phường Thanh Xuân Trung vẫn “trực chiến”, chưa về nhà. “Việc thu gom rác thải tại khu phong tỏa có nguy cơ lây nhiễm cao, nên cần làm thật cẩn thận. Ngoài trang bị đồ bảo hộ, tôi được tập huấn các kỹ năng phòng dịch...”, anh Kỳ nói.

Nhớ nhà, lo cho bố mẹ, vợ con ở nhà là tâm trạng chung của nhiều người, song cả đội đều bảo nhau cùng cố gắng, chung tay góp sức cùng thành phố ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh.

Giữa tháng 8-2021 với nhiều ca bệnh được phát hiện trong cộng đồng, quận Đống Đa đã quyết định phong tỏa toàn bộ hai phường Văn Chương, Văn Miếu. Từ ngày 22-8, 20 cán bộ, công nhân Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) - Chi nhánh Đống Đa đã tình nguyện tham gia “tổ vệ sinh áo xanh” vào sinh hoạt trong khu phong tỏa, duy trì công việc thu dọn rác thải hằng ngày.

Nguy cơ lây nhiễm dịch trong khu phong tỏa cao; chỗ ăn nghỉ của các công nhân chỉ là các phòng học mượn tạm, thế nhưng theo Tổ trưởng Tổ Môi trường số 1 (phụ trách địa bàn hai phường Văn Chương, Văn Miếu) Nguyễn Thị Thái Hà, tất cả công nhân môi trường đều động viên nhau vượt qua khó khăn, làm tốt công việc, bảo đảm thu gom, vận chuyển rác thải hằng ngày, không để tồn đọng.

Giữ sạch môi trường sống

Thông tin về công tác bảo đảm vệ sinh môi trường tại các khu vực phong tỏa, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Lê Hồng Thắng cho biết, Trung tâm Y tế quận đã hướng dẫn người dân cách ly y tế tại nhà thực hiện phân loại chất thải. Chất thải có nguy cơ lây nhiễm (khẩu trang, khăn giấy đã qua sử dụng...) được để riêng.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân Đinh Văn Hải thông tin thêm, tại các điểm phong tỏa, quận đều ký hợp đồng với đơn vị chuyên trách thu gom, xử lý rác thải nguy hại. Tổ xung kích phun khử khuẩn toàn bộ rác sau khi thu gom từ các hộ dân để ngăn ngừa phát tán dịch...

Tương tự, tại quận Đống Đa, việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải tại khu vực phong tỏa trên địa bàn cũng được thực hiện theo đúng hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế. Phó Giám đốc Urenco - Chi nhánh Đống Đa Mai Thanh Hằng cho biết, rác thải trong khu phong tỏa được phân thành hai loại. Rác thải có nguy cơ lây nhiễm do Công ty cổ phần Vật tư thiết bị môi trường 13 thu gom, vận chuyển và xử lý; rác thải sinh hoạt hằng ngày do Urenco - Chi nhánh Đống Đa đảm trách.

Nói về công việc trong những ngày “3 tại chỗ” trong khu vực cách ly, chị Đỗ Quỳnh Điệp, công nhân môi trường Urenco - Chi nhánh Đống Đa chia sẻ, công nhân phải đi lại nhiều hơn do người dân không được ra ngoài bỏ rác tại các điểm tập kết cố định. Ngoài ra, để bảo đảm an toàn phòng dịch, các công nhân phải trang bị đồ bảo hộ y tế, đeo bình phun thuốc khử khuẩn. Quá trình thu gom, công nhân thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất do phải phun khử khuẩn trước khi xúc rác lên xe gom, phủ bạt che kín; khi cẩu lên xe lớn lại phun khử khuẩn để bảo đảm an toàn...

“Khối lượng rác sinh hoạt trong khu vực cách ly hai phường Văn Chương, Văn Miếu là trên 20 tấn/ngày. Như vậy, mỗi công nhân vận chuyển hơn 1 tấn/ngày, công việc rất vất vả. Tuy vậy, chúng tôi đều quyết tâm không để rác thải tồn đọng, không để dịch bệnh lây lan, bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường cho người dân trong khu vực cách ly. Đáng mừng hơn là đến giờ phút này, tất cả anh chị em đều an toàn”, chị Nguyễn Thị Thái Hà, Tổ trưởng Tổ Môi trường số 1 (Urenco - Chi nhánh Đống Đa) tươi cười nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ sạch môi trường khu phong tỏa