Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Phao cứu sinh'' cho người nghèo

Đăng Khoa| 21/08/2021 06:52

(HNMCT) - Khi thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, việc mưu sinh của những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm) càng chật vật hơn. Thấu hiểu điều đó, Đoàn Thanh niên phường đã triển khai mô hình “Điểm cung cấp thực phẩm nguyên giá - Rau muống 0 đồng” để tặng một số loại rau, củ, quả được ủng hộ cũng như bán đúng giá các mặt hàng (nếu phải nhập từ bên ngoài) để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn.

“Điểm cung cấp thực phẩm nguyên giá - Rau muống 0 đồng” những ngày gần đây đã trở thành địa chỉ quen thuộc với người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường Mỹ Đình 1.

Ấm áp tình người

“Điểm cung cấp thực phẩm nguyên giá - Rau muống 0 đồng” với đủ các loại thực phẩm thiết yếu, như rau muống, trứng, cà chua, khoai tây, cà rốt, củ cải, hành...  những ngày gần đây trở thành địa chỉ quen thuộc với người dân trên địa bàn phường Mỹ Đình 1.

Có mặt tại đây, chúng tôi gặp nhiều lao động tự do, sinh viên ngoại tỉnh "mắc kẹt” ở Hà Nội, họ xúc động khi nhận được thực phẩm tươi ngon từ các đoàn viên, thanh niên. Bạn Nguyễn Tố Quyên (sinh viên năm thứ 2 Đại học Nội vụ Hà Nội, đoàn viên Chi đoàn Tổ dân phố 15 Tân Mỹ) cho biết, mô hình hoạt động từ ngày 9-8, ước tính mỗi ngày tiêu thụ khoảng 3 tạ rau, củ, quả, 600 quả trứng và hỗ trợ khoảng một tạ “rau muống 0 đồng”.

“Để đảm bảo giãn cách xã hội, mỗi buổi sẽ có 4 người trực, một ngày trực 4 giờ (trong đó 2 giờ bán tại cửa hàng, 1 giờ dọn dẹp và 1 giờ đi phát rau đến từng nhà). Sở dĩ chúng tôi phát rau tới từng nhà là vì sợ người dân ra quá đông sẽ khó giữ khoảng cách tối thiểu 2m như quy định. Rất mừng là nhiều người dân trên địa bàn phường đã chủ động hỗ trợ thêm những loại rau, củ, quả mà họ tự trồng được với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, Quyên cho biết.

Là “khách quen” của cửa hàng, bà Bùi Thị Thanh (50 tuổi, ngõ 1 Tân Mỹ, phường Mỹ Đình 1) cho biết, cả gia đình trông vào chiếc xe đẩy bán đồ ăn của bà nhưng khi giãn cách xã hội, việc kinh doanh phải tạm dừng, cuộc sống trở nên rất khó khăn. Bà Thanh nói: “Những mớ rau miễn phí, những mặt hàng được bán rẻ hơn vài nghìn đồng so với giá thị trường..., số tiền không lớn nhưng chan chứa tình yêu thương. Có những hôm các bạn mang rau vào tận nhà khiến tôi rất cảm động”.

Còn Nguyễn Văn Toàn (sinh viên năm thứ 3 Trường Cao đẳng Công nghệ Bách Khoa) thì cho biết, lúc này không thể đi làm thêm và cũng không thể về quê nên việc chi tiêu phải tính từng chút một, bữa ăn thường cầm cự bằng mỳ tôm. “Từ khi có chương trình này, em có thêm rau xanh, trứng cải thiện bữa ăn và thấy ở giữa thành phố xa lạ mà gần gũi, chân tình, ấm áp tình người như quê nhà của mình vậy”, Toàn chia sẻ.

Nhân rộng mô hình sáng tạo

Theo anh Lưu Hoài Nam, Bí thư Đoàn phường Mỹ Đình 1, giãn cách xã hội khiến việc vận chuyển hàng hóa khó khăn, nhiều mặt hàng thực phẩm, rau, củ, quả rục rịch tăng giá khiến những người lao động tự do và sinh viên ngoại tỉnh càng thêm khó khăn. Bởi vậy, mô hình “Điểm cung cấp thực phẩm nguyên giá - Rau muống 0 đồng” chẳng khác nào “phao cứu sinh” giúp người dân vơi đi sự nhọc nhằn. “Cũng qua đây, chúng tôi đã thấy được sự đồng lòng, đoàn kết, “nhường cơm sẻ áo” của người dân trên địa bàn phường. Họ tự nguyện đóng góp rau, củ, quả trồng được cho chúng tôi. Phát huy sự hiệu quả của chương trình này, chúng tôi đang tiến hành kết nối để nhập và trợ giá thêm các mặt hàng như thịt, cá..., đồng thời sẽ giao tận nhà để người dân hạn chế ra đường, đảm bảo công tác phòng dịch Covid-19”, anh Nam nhấn mạnh.

Ghi nhận, đánh giá cao mô hình này, ông Trịnh Văn Quế, Chủ tịch UBND phường Mỹ Đình 1 cho biết, thực hiện lời kêu gọi “Chống dịch như chống giặc”, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn phường đã tích cực vào cuộc, trong đó Đoàn Thanh niên đóng vai trò xung kích. “Mô hình “Điểm cung cấp thực phẩm nguyên giá - Rau muống 0 đồng” thể hiện sự nhanh nhạy, sáng tạo của đoàn viên, thanh niên phường trong việc ứng phó với đại dịch, góp phần cùng chính quyền phường trong việc ngăn chặn các hành vi lợi dụng giãn cách xã hội để tăng giá. Tuy nhiên, để tránh việc tập trung đông người do chỉ có một cửa hàng trên địa bàn, chi bộ, tổ dân phố, đoàn thanh niên đã phát phiếu đi chợ theo giờ và đưa thực phẩm đến từng hộ gia đình trong thời gian giãn cách. Tôi hy vọng thời gian tới đây, các tổ dân phố trên địa bàn phường đều có cửa hàng như vậy để tất cả người dân đều được hưởng lợi từ mô hình ý nghĩa này”, ông Trịnh Văn Quế chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Phao cứu sinh'' cho người nghèo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.