Một mùa hè lắng đọng nhiều cảm xúc

Minh Vũ| 28/06/2021 16:52

(NSHN) - Tháng hành động vì trẻ em năm 2021 (diễn ra từ ngày 1-6 đến hết ngày 30-6) là quãng thời gian đặc biệt, là một mùa hè lắng đọng nhiều cảm xúc. Bởi vì, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều học sinh nghỉ hè khi chưa hoàn thành chương trình học tập ở trường, phải ở nhà trong thời gian dài hoặc phải đi cách ly tập trung. Vượt lên mọi khó khăn, trẻ em luôn nhận được sự quan tâm, chia sẻ về nhiều mặt.

Các đại biểu tham gia tọa đàm trực tuyến chủ đề: “Nghỉ hè vui và an toàn cho mọi trẻ em”.

Động viên, trợ giúp kịp thời

Như thường niên, trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2021, nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn, trẻ em vùng xa trung tâm, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhận được nhiều sự động viên, chăm lo từ các cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội. Ngoài ra, năm nay, các cơ quan chức năng dành sự quan tâm đặc biệt đến trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.

Tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hoàng Thành Thái cho biết, Sở đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai Công văn số 1800/UBND-KGVX ngày 9-6-2021 của UBND thành phố về tăng cường bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch Covid-19 và phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em trong mùa hè.

Theo đó, các đơn vị chức năng đã, đang quan tâm đến trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bằng nhiều hình thức. Nổi bật là hoạt động thăm hỏi động viên, tặng quà cho gần 400 trẻ em ở 7 khu cách ly y tế trên địa bàn thành phố.

Với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, ngoài các chế độ, chính sách ưu tiên, dịp này, các cơ quan chức năng quan tâm huy động nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ trẻ em. Từ nguồn lực ủng hộ đạt gần 1,3 tỷ đồng, dịp này, Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) đã trao tặng 2 bộ thiết bị vui chơi ngoài trời cho trẻ em xã Vân Hòa (huyện Ba Vì) và xã Yên Trung (huyện Thạch Thất) cùng nhiều phần quà, xe đạp, học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Chẳng hạn, cháu Nguyễn Quang Minh (sinh năm 2010; ở xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức) có hoàn cảnh đặc biệt vừa được hỗ trợ kinh phí học tập 500.000 đồng/tháng cho tới khi Minh tốt nghiệp bậc trung học cơ sở, và số tiền này sẽ tăng 1 triệu đồng/tháng khi Minh học lên bậc trung học phổ thông.

Ở cấp cơ sở, các địa phương cũng ưu tiên nguồn lực để chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Bùi Xuân Hà cho hay, trong tháng 6-2021, toàn quận trao gần 4.000 suất quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Còn tại huyện Sóc Sơn, dịp này, hơn 200 trẻ em vượt khó vươn lên trên địa bàn huyện nhận được những phần quà ý nghĩa.

Tương tự Hà Nội, các tỉnh, thành phố khác cũng dành nhiều sự quan tâm đến trẻ em nghèo. Ở cấp vĩ mô, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, dù gặp nhiều khó khăn, trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2021, các cơ quan chức năng và cộng đồng vẫn luôn cố gắng dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em, nhất là với nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19.

Trao tặng thiết bị vui chơi ngoài trời cho trẻ em tại xã Yên Trung (huyện Thạch Thất).

Nâng mức bảo vệ trẻ em

Cùng với việc quan tâm trợ giúp cho nhóm trẻ em nghèo, trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, dịp này, các cơ quan chức năng đã nâng mức độ bảo vệ trẻ em, bảo đảm an toàn cho trẻ em bằng nhiều biện pháp khả thi.

Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam đánh giá, trẻ em cần được bảo đảm an toàn cả ở cuộc sống đời thực và trên mạng xã hội. Vì thế, ngoài Luật Trẻ em, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 1-6-2021 phê duyệt chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025” là một bước tiến mới trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nâng mức độ cảnh báo cần bảo vệ trẻ em đối với những người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ cũng như những người làm công tác trẻ em.

Hiện nay, Cục Trẻ em đang phối hợp với các bên liên quan triển khai Quyết định số 830/QĐ-TTg theo hướng linh hoạt, phù hợp với từng nhóm trẻ em, giúp trẻ có thêm kỹ năng bảo vệ bản thân trên môi trường mạng.

Để trẻ em được bảo vệ toàn diện hơn, Cục Trẻ em đang nghiên cứu xây dựng Chương trình quốc gia về bảo vệ trẻ em khỏi tai nạn thương tích, trình Chính phủ xem xét, ban hành trong thời gian sớm nhất. Các tỉnh, thành phố cũng xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch bảo đảm an toàn cho trẻ em.

Thấu hiểu những khó khăn khi trẻ em phải ở nhà dài ngày do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong tháng 6-2021, các cơ quan, đơn vị chức năng từ trung ương tới cơ sở đã tổ chức một số chương trình, hoạt động vui chơi cho trẻ em phù hợp với bối cảnh có dịch, tạo các diễn đàn trao đổi trực tuyến theo nhiều chủ đề để phụ huynh và trẻ em cùng tham gia với sự tư vấn của các chuyên gia tâm lý.

Sau khi tham gia tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Nghỉ hè vui và an toàn cho mọi trẻ em” do Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức vào ngày 13-6 vừa qua, anh Hoàng Lê Việt (ngõ 217, phố Mai Dịch, quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Tôi đã hiểu trẻ em thường có những suy nghĩ khác biệt, có những mối lo khó định hình, mà đôi khi người lớn không nghĩ đến. Do đó, từ giữa tháng 6 đến nay, vợ chồng tôi đã sắp xếp công việc để có thời gian ở bên các con nhiều hơn, không để con ở nhà một mình”.

Từ những dẫn chứng nêu trên, càng thấy rõ hơn, trẻ em trong hoàn cảnh nào, ở bất cứ đâu cũng cần nhận được sự quan tâm, chia sẻ về nhiều mặt, nhất là trong Tháng hành động vì trẻ em. Điều này tiếp tục được các cơ quan chức năng, gia đình, cộng đồng duy trì, bảo đảm không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một mùa hè lắng đọng nhiều cảm xúc