Giải pháp hữu ích cho cuộc sống xanh

Thu Hằng| 17/06/2021 06:18

(HNM) - Việc nghiên cứu và chế tạo thành công màng nano sinh học từ rơm rạ, ứng dụng vào sản xuất khẩu trang của nhóm sinh viên Khoa Hóa và Môi trường (Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội) cho thấy khả năng sáng tạo, quyết tâm đưa khoa học, kỹ thuật vào cuộc sống của tuổi trẻ. Sáng chế hữu ích này vừa giúp bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch Covid-19, vừa góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường.

Sinh viên Hoàng Bảo Linh (ở giữa), Trưởng nhóm B-Plastic thuyết trình tại cuộc thi Sáng tạo trẻ Bách khoa 2020, tổ chức tháng 3-2021.

Sáng tạo làm màng nano sinh học từ rơm rạ

Với mong muốn giải quyết mối lo ngại về sức khỏe do ô nhiễm không khí và chung tay phòng, chống dịch Covid-19, nhóm 3 nữ sinh viên (nhóm B-Plastic): Hoàng Bảo Linh, Phạm Tùng Dương và Hoàng Thị Anh Thư, thuộc Khoa Hóa và Môi trường (Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội) đã nghiên cứu đề tài “Chế tạo tấm màng nano sinh học từ rơm rạ, ứng dụng vào sản xuất khẩu trang thông minh B-Mask”.

Theo sinh viên Hoàng Bảo Linh, Trưởng nhóm B-Plastic, mỗi năm sản xuất lúa gạo ở Việt Nam thải ra khoảng 50 triệu tấn rơm. Cách xử lý phụ phẩm này hiện nay còn rất thô sơ, chủ yếu là đốt bỏ, gây ô nhiễm môi trường. "Xuất phát từ mong muốn giải bài toán ô nhiễm ở nhiều làng quê Việt Nam, chúng tôi đã dùng công nghệ để tách chiết, chế tạo thành công tấm màng nano sinh học từ rơm rạ, có thể ứng dụng vào sản xuất khẩu trang, vừa giúp bảo vệ sức khỏe, có tác dụng phòng, chống dịch Covid-19, vừa thân thiện với môi trường”, Trưởng nhóm B-Plastic cho biết.

Còn sinh viên Phạm Tùng Dương, thành viên của nhóm B-Plastic tiết lộ, bí quyết của khẩu trang vải B-Mask nằm ở tấm màng lọc bụi nano và kháng vi khuẩn. Tấm màng lọc nhựa sinh học này có khả năng phân hủy tự nhiên, không gây độc hại cho người sử dụng. Lớp vải bên ngoài sau khi giặt có thể tái sử dụng, giúp giảm rác thải y tế. Các tính năng của khẩu trang như hiệu suất lọc bụi, hàm lượng kim loại nặng, vi sinh đã được kiểm tra theo đúng tiêu chuẩn cho phép. Ngoài ra, B-Mask còn có loại đặc biệt dành cho người khiếm thính, trong suốt để họ có thể nhìn thấy khẩu hình của nhau khi giao tiếp.

Chia sẻ thêm, Hoàng Bảo Linh nói: "Từ rơm rạ, chúng tôi chiết tách chất cellulose, sau đó tạo thành màng nano, rồi ứng dụng vào việc sản xuất khẩu trang. Lớp màng lọc này cũng có thể lắp cho các máy lọc không khí mini cầm tay hoặc cả những máy công suất lớn như điều hòa. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn, nhất là về chi phí đầu tư cho công nghệ sản xuất, do công nghệ này ở Việt Nam chưa có".

Nhận xét về đề tài nghiên cứu khoa học này, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sỹ, Trưởng khoa Hóa và Môi trường (Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội) cho rằng, đây là đề tài mang tính sáng tạo, được đánh giá cao về tính ứng dụng thực tiễn cũng như hướng phát triển trong tương lai. Nhờ đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong nhà trường, các sinh viên được nuôi dưỡng niềm đam mê khoa học, sáng tạo ra những sản phẩm hữu ích cho đời sống.

Đẩy mạnh nghiên cứu để thương mại hóa

Trưởng nhóm B-Plastic Hoàng Bảo Linh thông tin, sản phẩm đang được thử nghiệm trên quy mô phòng thí nghiệm và đã giới thiệu tại Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội. Thời gian tới, nhóm sẽ tìm kiếm nguồn đầu tư để nghiên cứu hoàn thiện, tiến tới có thể sản xuất hàng loạt và thương mại hóa sản phẩm. Xa hơn, nhờ sự giúp đỡ của các thầy, cô giáo chuyên ngành kỹ thuật môi trường, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm về các giải pháp xanh, giúp ích cho môi trường.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Đăng Chính, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, với những ưu điểm là tận dụng được nguồn rơm rạ, giúp giảm ô nhiễm môi trường, hỗ trợ cho phòng, chống dịch Covid-19..., đề tài “Chế tạo tấm màng nano sinh học từ rơm rạ, ứng dụng vào sản xuất khẩu trang thông minh B-Mask” đã đoạt giải Khuyến khích cuộc thi Sáng tạo trẻ Bách khoa năm 2020 dành cho sinh viên khối các trường kỹ thuật trong cả nước. "Đề tài của nhóm B-Plastic đã hướng tới các sản phẩm ứng dụng, đổi mới sáng tạo, có tiềm năng khởi nghiệp, phục vụ cuộc sống. Chúng tôi kỳ vọng đề tài sẽ được phát triển, nghiên cứu chuyên sâu để ứng dụng trong thực tế và có thể thương mại hóa", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Đăng Chính mong muốn.

Có thể thấy rằng, sáng chế của nhóm sinh viên Khoa Hóa và Môi trường (Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội) là hết sức hữu ích và thiết thực, thể hiện khả năng sáng tạo của tuổi trẻ, vận dụng tri thức và công nghệ mới để tạo ra sản phẩm hướng đến phục vụ cộng đồng. Nếu được hỗ trợ, định hướng tốt, những sáng chế như thế có thể phát triển thành những dự án, lan tỏa thành xu hướng “Công nghệ xanh vì cuộc sống xanh” trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tuổi trẻ Thủ đô, đóng góp vào “Chương trình hỗ trợ thanh niên Thủ đô khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” do Thành đoàn Hà Nội tổ chức, nhằm triển khai thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp hữu ích cho cuộc sống xanh