Để Hà Nội thêm xanh

15/06/2021 10:26

(HNNN) - Công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn Hà Nội luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ bức thiết, nhất là trong giai đoạn Hà Nội đang trên đà phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Tuy nhiên, do khối lượng công việc lớn, công tác bảo vệ môi trường của thành phố Hà Nội vẫn còn những hạn chế cần sớm khắc phục. Hà Nội Ngày nay đã ghi lại các ý kiến của đại diện các cơ quan quản lý về vấn đề này.

Bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội):
Triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả

Thực hiện Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 3-7-2017 của UBND Thành phố về triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31-5-2017 của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, quyết liệt nhằm bảo vệ môi trường.

Tiêu biểu như việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên nước; rà soát, kiểm tra, xác định cụ thể các “điểm đen” và các khu vực gây bức xúc về ô nhiễm môi trường; bảo vệ và chống cạn kiệt nguồn nước và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước; xử lý ô nhiễm và kiểm soát các nguồn xả nước thải vào nguồn nước; xử lý ô nhiễm, tạo cảnh quan các ao, hồ, sông, suối bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt kết hợp với bảo vệ kiến trúc, cảnh quan, môi trường của Thủ đô... Đặc biệt, Chi cục Bảo vệ môi trường rất chú trọng công tác quản lý và xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại; tăng cường phân loại tại nguồn và quy hoạch mạng lưới các điểm tập kết, thu gom rác thải sinh hoạt, thu gom, xử lý phế thải xây dựng...

Bên cạnh đó, Chi cục Bảo vệ môi trường luôn chú trọng phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy để lồng ghép các nội dung bảo vệ môi trường vào bản tin nội bộ, định hướng tuyên truyền tại địa phương về các nhiệm vụ trọng tâm theo chỉ đạo của Thành ủy và UBND thành phố. Đồng thời, Chi cục Bảo vệ môi trường còn phối hợp với các cơ quan báo chí - truyền hình xây dựng các phóng sự, bản tin, chuyên đề về bảo vệ môi trường để phổ biến đến nhân dân...

Trong thời gian tới, Chi cục Bảo vệ môi trường sẽ đẩy nhanh tiến độ các công trình xử lý nước thải sinh hoạt khu vực nội thành, các dự án xử lý nước thải làng nghề tập trung và xây dựng đồng bộ hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, đảm bảo 100% nước thải sinh hoạt được thu gom xử lý kết hợp với cải tạo cảnh quan các hồ, chống lấn chiếm. Đồng thời, Chi cục Bảo vệ môi trường sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt với công nghệ đốt phát điện theo các tiêu chí về lựa chọn nhà đầu tư và công nghệ hiện đại đã đề ra, phối hợp với UBND các quận, huyện và thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý ở khu vực đô thị đạt 100% và khu vực nông thôn đạt 95 - 100%...

Ông Nguyễn Tiến Minh - Bí thư Huyện ủy Thường Tín:
Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng môi trường

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, Huyện ủy Thường Tín đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/HU ngày 8-3-2019 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường trên địa bàn huyện giai đoạn 2019 - 2020 và giai đoạn 2020 - 2025; Kế hoạch số 38/KH-UBND ngày 6-2-2020 của UBND huyện Thường Tín về tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ và giải pháp cải tạo môi trường để phấn đấu đạt chuẩn tiêu chí môi trường trong xây dựng huyện nông thôn mới...

Để cụ thể hóa các nghị quyết, kế hoạch này, Huyện ủy, UBND huyện Thường Tín đã tập trung triển khai mội số giải pháp cơ bản như đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân về trách nhiệm bảo vệ môi trường làng nghề.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện xuống cơ sở tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước về môi trường; gắn thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường. UBND huyện còn tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt công tác thu gom, xử lý rác, chất thải làng nghề; phấn đấu 100% chất thải được thu gom, xử lý trong ngày. Đồng thời, huyện tiếp tục đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp để đưa các cơ sở sản xuất trong làng nghề gây ô nhiễm vào khu công nghiệp tập trung.

Ngoài ra, huyện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường... Trong thời gian tới, UBND huyện đề nghị Thành phố hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại làng nghề Thụy Ứng, Nhị Khê, Hà Vỹ; xây dựng điểm tập kết rác thải làng nghề Trát Cầu (xã Tiền Phong)... Khi đã triển khai đồng bộ các giải pháp kết hợp với sự hỗ trợ của Thành phố, huyện Thường Tín sẽ đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp.

Ông Nguyễn Đông Hiếu, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đan Phượng:
Cải tạo ao hồ thành khuôn viên đẹp

Đan Phượng là huyện ven đô có tốc độ đô thị hóa rất nhanh. Gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và phát triển huyện thành quận, huyện đã rất quan tâm đến việc quy hoạch, bảo vệ và cải tạo ao hồ để vừa làm đẹp nông thôn vừa điều hòa không khí, tiêu thoát nước; phục vụ cho việc phòng cháy, chữa cháy khi có sự cố xảy ra.

Việc cải tạo các ao hồ bắt đầu từ năm 2009. Trước đó, nhiều ao, hồ trên địa bàn huyện là những “ao tù nước đọng”. Không ít ao làng bị các hộ dân xung quanh lấn chiếm, đổ phế thải, nước thải... gây mất vệ sinh. Chủ trương giữ lại và cải tạo các ao làng thành ao môi trường của huyện Đan Phượng rất đúng và trúng, được nhân dân đồng lòng ủng hộ. Đến nay, ao làng tại tất cả các xã của Đan Phượng đã được kè cứng, tách nước thải sinh hoạt riêng không để chảy xuống ao; xung quanh ao có lan can bảo vệ, được trồng cây bóng mát, hoa, đặt ghế đá, có điện chiếu sáng và các thiết bị tập thể dục ngoài trời...

Để đạt được kết quả trên, bài học kinh nghiệm của huyện Đan Phượng là thực hiện tốt công tác quy hoạch, giữ lại các ao hiện có; tăng cường công tác tuyên truyền về ý nghĩa, hiệu quả của công tác kè ao môi trường, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Để cải tạo ao hồ, Đan Phượng đã dành nguồn ngân sách huyện, xã để tập trung đầu tư. Ngoài ra, địa phương tích cực vận động xã hội hóa trong nhân dân. Đặc biệt, đã có 3 ao môi trường được xã hội hóa 100% với tổng kinh phí 3,4 tỷ đồng. Sau khi ao môi trường được hình thành, chính quyền địa phương đã bàn giao cho các hội, đoàn thể, các thôn, xóm tự quản lý. Từ đây, hội viên các hội, đoàn thể và các gia đình sống gần ao, hồ đã tích cực vệ sinh môi trường, trồng hoa và cây xanh, biến ao, hồ trở thành khuôn viên đẹp cho khu dân cư...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để Hà Nội thêm xanh