Mô hình Câu lạc bộ B93: Giải pháp hỗ trợ phòng, chống tái nghiện

Minh Vũ| 22/05/2021 07:05

(HNM) - Hoạt động với mục đích tạo môi trường thân thiện, lành mạnh cho những người sau cai nghiện ma túy tham gia sinh hoạt, mô hình quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy (Câu lạc bộ B93) trên địa bàn thành phố Hà Nội trở thành điểm tựa của những người từng lầm lỡ, qua đó giúp họ hình thành suy nghĩ tích cực, nỗ lực tái hòa nhập cộng đồng. Đây cũng là giải pháp hỗ trợ phòng, chống tái nghiện, nên rất cần được quan tâm để hoạt động hiệu quả.

Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tặng Giấy khen cho những tập thể, cá nhân điển hình trong công tác phòng, chống tái nghiện ma túy thông qua mô hình Câu lạc bộ B93, giai đoạn 2016-2020 (ảnh chụp tháng 12-2020)

Điểm tựa của những người từng lầm lỡ

Hiện, Hà Nội có 37 Câu lạc bộ B93 đang hoạt động tại các quận: Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên và huyện Gia Lâm. Mỗi câu lạc bộ gồm 5-7 thành viên, là những người nhiệt tình, tâm huyết, uy tín tại cộng đồng tham gia Ban Chủ nhiệm. Các thành viên Ban Chủ nhiệm thường xuyên tuyên truyền, vận động người sau cai nghiện ma túy tham gia sinh hoạt, tư vấn tâm lý, hỗ trợ hội viên học nghề, tìm kiếm việc làm để ổn định cuộc sống…

Ngoài ra, Ban Chủ nhiệm các Câu lạc bộ B93 còn tổ chức nhiều buổi sinh hoạt với gia đình hội viên, giúp các gia đình hiểu rõ về những vấn đề liên quan đến người sau cai nghiện ma túy, từ đó quản lý thời gian, quản lý chi tiêu và quan tâm nhiều hơn đến các mối quan hệ của người sau cai nghiện ma túy. Điều này giúp người sau cai nghiện thấy bản thân được cảm thông, chia sẻ, dần hình thành những suy nghĩ tích cực, chủ động tránh xa những người sử dụng ma túy, qua đó hạn chế nguy cơ tái nghiện.

Góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng về ma túy và những tác hại do ma túy gây ra, các Câu lạc bộ B93 thường xuyên phối hợp với các tổ chức, đoàn thể tại địa phương tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy; cách bảo vệ, chăm sóc sức khỏe để không bị mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tiêm chích không an toàn…

Nhờ phương pháp hoạt động đổi mới, sáng tạo, gần gũi, các Câu lạc bộ B93 thường xuyên thu hút hàng trăm hội viên tham gia sinh hoạt, trở thành điểm tựa cho những người từng lầm lỡ. Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Nguyễn Văn Lập cho biết, giai đoạn 2016-2020, các Câu lạc bộ B93 trên địa bàn Hà Nội vận động được gần 500 lượt người sau cai nghiện ma túy tham gia sinh hoạt; hỗ trợ học nghề cho gần 200 lượt hội viên và giúp 160 lượt hội viên có việc làm.

Nhận được sự hỗ trợ tích cực, một số hội viên đã tránh xa con đường lầm lỡ, nỗ lực làm lại cuộc đời. Chẳng hạn như hội viên P.V.U, Câu lạc bộ B93 phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) đã từ bỏ ma túy nhiều năm qua, hiện là chủ một cơ sở cắt tóc uy tín tại địa phương, tạo việc làm cho bản thân và một số người đồng cảnh. Hay, hội viên Đ.V.T, Câu lạc bộ B93 phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) đang tích cực điều trị thay thế bằng Methadone, chăm chỉ làm việc, sống tích cực hơn…

Từng bước nhân rộng, phát triển mô hình

Thời gian qua, hoạt động của Câu lạc bộ B93 ngày càng khẳng định hiệu quả, góp phần giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy không tái nghiện, tích cực tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, việc mở rộng, thu hút hội viên tham gia và nâng cao chất lượng hoạt động của mô hình này hiện vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội, để vận hành Câu lạc bộ B93 cần đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, đủ năng lực để thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ, từ khâu lập kế hoạch hoạt động, đến việc thiết kế nội dung, điều hành sinh hoạt…

Trong khi đó, thành viên Ban Chủ nhiệm chủ yếu là những người tham gia với tinh thần tự nguyện, làm nhiều công việc khác nhau, nên không phải ai cũng có kinh nghiệm, kỹ năng để hỗ trợ về nhiều mặt cho người sau cai nghiện ma túy. Mặt khác, một số địa phương chưa dành sự quan tâm đúng mức đến công tác phòng, chống ma túy cũng như việc hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy. Cần quan tâm hơn, đa số người sau cai nghiện ma túy và gia đình chưa tích cực, chủ động tham gia Câu lạc bộ B93, nên việc mở rộng hội viên không dễ thực hiện. Điều này lý giải vì sao, từ năm 2002 đến nay, Hà Nội có hơn 50 Câu lạc bộ B93 đã dừng hoạt động…

Nhằm tạo môi trường thân thiện, lành mạnh cho những người sau cai nghiện ma túy tham gia sinh hoạt, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội Phùng Quang Thức mong muốn Ban Chủ nhiệm các Câu lạc bộ B93, các tình nguyện viên tham gia phòng, chống ma túy tại cộng đồng tiếp tục quan tâm, chăm lo, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị chức năng cần tạo điều kiện để người sau cai nghiện ma túy tiếp cận với cơ hội việc làm thông qua chính sách cho vay vốn ưu đãi, học nghề, tạo việc làm…

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hoàng Thành Thái cho biết, năm 2021, Sở phối hợp với các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đưa nội dung hoạt động mô hình Câu lạc bộ B93 vào các chương trình, kế hoạch phòng, chống ma túy, cai nghiện và quản lý sau cai nghiện; đồng thời đề xuất cơ chế, chính sách dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ tín dụng cho hội viên. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị chức năng quan tâm nâng cao chất lượng, hoạt động của 37 Câu lạc bộ B93 hiện có, từng bước nhân rộng, phát triển mô hình này tại một số địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mô hình Câu lạc bộ B93: Giải pháp hỗ trợ phòng, chống tái nghiện