''Nhân văn Xanh'' - một dự án thật xanh

Hà Linh| 22/05/2021 06:05

(HNMCT) - Với mong muốn thay đổi ý thức, hành vi ứng xử của sinh viên với môi trường, Hội Sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã lên ý tưởng thành lập dự án “Nhân văn Xanh”. Hoạt động mạnh mẽ từ năm 2018 đến nay, dự án đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa như: Các workshop (hoạt động trao đổi kiến thức, kỹ năng) về bảo vệ môi trường, tái chế rác thải nhựa; các chương trình thu gom vỏ mì tôm, vỏ chai nhựa để tái chế thành những sản phẩm hữu ích; các chiến dịch kêu gọi chung tay làm đẹp môi trường...

Hoạt động “Trao Vỏ, Tỏ Tình” cuối tháng 4 vừa qua khi dịch Covid-19 chưa bùng phát trở lại.

Tình nguyện tại chỗ

Tuy “sinh sau đẻ muộn” so với nhiều dự án và phong trào tình nguyện ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), thế nhưng “Nhân văn Xanh” đã dần khẳng định chỗ đứng và đang trở thành một hoạt động trọng điểm trong Hội Sinh viên nhà trường. Những ngày cuối tháng 4-2021, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát nặng nề, chương trình “Trao Vỏ, Tỏ Tình” (triển khai từ ngày 24-4 đến 30-4) đã thu về 3.993 vỏ chai nhựa, 758 bạn sinh viên tham gia cùng 402 lời “tỏ” được giãi bày (những suy nghĩ, nguyện vọng, thắc mắc và cả những góp ý về hoạt động của dự án).

Bạn Bùi Hải Ly, sinh viên năm thứ 2 ngành Báo chí, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), phụ trách truyền thông dự án nhấn mạnh: Ngoài “Trao Vỏ, Tỏ Tình”, dự án còn triển khai nhiều chương trình như: “Trang trí thùng rác”, “Xin chào, tôi là thùng đựng pin”, workshop “Nhân văn Xanh với rác thải điện tử”, “Vỏ hay Bỏ?”... Sau mỗi chiến dịch, sự kiện, chúng tôi sẽ cấp giấy chứng nhận “Tình nguyện Tốt” cho các bạn sinh viên có nhu cầu trở thành “Sinh viên 5 Tốt” hoặc chỉ đơn giản là nói lời cảm ơn trước những đóng góp của các bạn tại “Nhân văn Xanh”. Thông qua đó, chúng tôi hy vọng có thể lan tỏa và truyền động lực cho các bạn trẻ về lối sống “xanh”.

Bạn Nguyễn Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên nhà trường cho biết, một trong những điểm nhấn của dự án này là các buổi workshop về các vấn đề môi trường, về cách để bảo vệ môi trường, tái chế rác thải nhựa, được tổ chức định kỳ mỗi tháng một lần. Tuy nhiên, trong thời gian này, tình hình dịch bệnh phức tạp nên công tác tổ chức các chương trình có phần bị hạn chế, và các workshop thường được tổ chức xen kẽ với các chiến dịch thu gom và các chương trình khác trong chuỗi hoạt động của “Nhân văn Xanh”.

Các buổi workshop đều mời được các diễn giả uy tín như diễn giả người Thụy Điển Pal Martensson, cố vấn của Liên minh Quốc tế Không thải ZWIA và tổ chức Let’s Do It; diễn giả người Indonesia Andi Tenri Abeng Manga Barani - CEO, Giám đốc điều hành của Nusantara... Thông thường, mỗi workshop sẽ thu hút hơn 100 sinh viên tham gia và chắc chắn họ sẽ là tuyên truyền viên tích cực cho mọi người xung quanh.

Thay đổi nhận thức

Tham gia dự án “Nhân văn Xanh” từ tháng 9-2019 ngay khi bước chân vào trường, bạn Trương Nguyễn Anh Thư, sinh viên năm thứ 2 khoa Quốc tế học cho biết, với Thư, “Nhân văn Xanh” thực sự là một dự án “xanh thật xanh”. Chuỗi hoạt động thiết thực và rất ý nghĩa của “Nhân văn Xanh” ít nhiều đã tác động tới nhận thức, hành động cũng như nâng cao ý thức trách nhiệm của các sinh viên đến môi trường. 

Là đơn vị phối hợp với chương trình “Trao Vỏ, Tỏ Tình”, anh Trần Văn Hiếu, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Lagom Việt Nam cho biết, chỉ trong một thời gian ngắn hợp tác nhưng phía công ty luôn nhận thấy sự năng nổ, khát khao được sống “xanh” của các bạn sinh viên. Thực tế, “Nhân văn Xanh” đã hợp tác với khá nhiều dự án như “Let’s Do It”, “Dũng sĩ tái chế Việt Nam”, “Aiesec Hà Nội”... để tổ chức những workshop cũng như những chiến dịch nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.

Khẳng định những giá trị mà “Nhân văn Xanh” mang đến trong suốt gần 3 năm qua, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên nhà trường Nguyễn Thị Hồng Hà cho biết, dự án đã thu hút và nhận được sự ủng hộ không chỉ của các thầy cô, của các bạn sinh viên trong trường mà còn lan tỏa rộng rãi tới các bạn sinh viên ngoài trường và các tổ chức xã hội.

Điều đó một lần nữa đã khẳng định, thế hệ trẻ hiện nay không hề quay lưng mà luôn trăn trở về vấn đề môi trường. Và “Nhân văn Xanh” chính là con đường để thông qua đó, các bạn thể hiện tình yêu với ngôi trường của mình, với môi trường, đóng góp xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Nhân văn Xanh'' - một dự án thật xanh