Giãn dân phố cổ: Hiểu rõ căn nguyên để tìm lời giải

Khánh Linh| 16/05/2021 06:07

(HNNN) - Trong quá trình tái thiết đô thị, Hà Nội từ lâu đã phải đối mặt với bài toán bảo tồn và cải tạo. Đặc biệt là khu phố cổ, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử quý giá. Hơn 20 năm qua, không ít lần những đề án giãn dân, cải tạo khu phố cổ được đưa ra nhằm bảo tồn và phát huy giá trị khu vực phố cổ, đồng thời chỉnh trang lại bộ mặt “vùng lõi” Thủ đô sao cho xứng tầm với dáng vóc của một đô thị văn minh. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, “giãn dân phố cổ” vẫn là một bài toán khó.

Những ngõ nhỏ nằm lọt thỏm giữa hào nhoáng phố phường. Ảnh: N.Hưng

Ngột ngạt nhưng vẫn bám trụ “đất vàng”

Bất cứ ai đặt chân đến Hà Nội, đặc biệt là khi đi bộ dạo quanh khu phố cổ cũng sẽ ấn tượng bởi “đặc sản” của Thủ đô: Những ngõ nhỏ ngoằn ngoèo, sâu hun hút. Thế nhưng, đi sâu vào những con ngõ được gắn với mỹ từ “cổ kính” ấy, cuộc sống của người dân nơi đây đa phần diễn ra trong cảnh bức bối, chật chội, tối tăm. Ngõ 44 Hàng Buồm, 33 Hàng Bạc, 47 Hàng Đường, 68 Hàng Bông, 73 Hàng Gai, 63 Thuốc Bắc... đều là những ngõ có chiều rộng chưa đầy một mét, sâu tít tắp, tối tăm.

Phố Ngõ Gạch, phố Hàng Bồ còn được nhiều người biết đến với những con ngõ siêu nhỏ, chiều rộng chỉ đủ cho một người đi. Và ngõ nào cũng vậy, hầu như không có ánh nắng mặt trời chiếu rọi, đèn chiếu sáng luôn được bật 24/24 giờ, có những ngõ dường như đã quá quen, nên không cần bật đèn thì người dân cũng có thể tự tìm đường trong bóng tối.

Vừa đi vừa luồn lách, sâu bên trong con ngõ nhỏ bé ấy là biết bao người sinh sống từ đời này sang đời khác; những ngôi nhà nằm chen chúc nhau, có cả cửa hàng tạp hóa, quán ăn và thậm chí là khách sạn, homestay, quán cà phê... 63 Thuốc Bắc là một trong số rất nhiều những con ngõ hẹp của khu “băm sáu phố phường”, chứa đựng trong nó nhiều căn nhà nhỏ nhưng là nơi che nắng che mưa của bao người.

Anh Lê Ngọc Dương, một người dân sống ở đây cho biết: “Trước đây, cả ngõ chỉ có hơn chục hộ nhưng khi một số nhà có con cái trưởng thành, lập gia đình thì số người ở tăng lên, cuộc sống ngày càng bí bách, chật chội, ô nhiễm. Sinh hoạt thường ngày vô cùng khó khăn. Chỉ cần một nhà đốt lò than tổ ong là cả ngõ bị ảnh hưởng. Mỗi lần muốn mua sắm vật dụng hay chuyển đồ gì đi đều phải tính toán xem có thể di chuyển qua ngõ được không, nếu không thì phải tháo rời, rất mất thời gian và công sức”.

Không chỉ mật độ dân cư quá cao mà điều kiện sinh hoạt của người dân phố cổ cũng vô cùng khó khăn do hạ tầng kỹ thuật đã xuống cấp nghiêm trọng. Bà Nguyễn Thị Tuyết (số 33 phố Lãn Ông) cho biết: “Hằng ngày chúng tôi luôn phải đối diện với sự bất tiện và thiếu thốn. Bao năm nay nhà vệ sinh vẫn phải sử dụng các thiết bị cũ vì không được sửa chữa; tường nhà ẩm thấp, nham nhở, mốc meo nhưng cũng chỉ dám sửa tạm, vá víu chứ nhà ở dưới mà đập đi xây lại hay sửa chữa lớn sẽ ảnh hưởng tới nền, tường của nhà ở trên... Thế nhưng tôi thấy vẫn còn may mắn hơn ngày trước khi hơn chục hộ dân phải chung nhau một nhà vệ sinh, khi có nhu cầu phải xếp hàng, giữ chỗ...”.

Sống khổ vậy thì sao không chuyển đi nơi khác? Đó là câu hỏi của bất kỳ ai khi chứng kiến cảnh sống chật hẹp bức bối của người dân nơi đây. Tuy nhiên, câu hỏi ấy lại dẫn tới nhiều câu hỏi khác: “Bán cho ai? Ai mua những căn nhà diện tích chưa quá 10m2, điều kiện sống tối thiểu cũng không đạt được”? Rồi là nếp sống, thói quen, những nghề mưu sinh nhờ bám vào mặt tiền, lề phố; khi tái định cư ở nơi khác sẽ kiếm sống bằng cách nào? Chưa kể nếp nghĩ “giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố” đã khiến nhiều người dân phố cổ không rời bỏ được nơi sinh sống chật hẹp, khổ sở của mình.

Chị Nguyễn Lan Anh, chủ cửa hàng bia hơi số 2 Đường Thành cho biết: “Cuộc sống tại phố cổ có nhiều bất tiện, nhưng người dân sống ở đây chủ yếu là các gia đình đã bám trụ hàng chục năm, thậm chí nhiều gia đình có 4 - 5 thế hệ đã sinh sống nên thành thói quen. Thêm vào đó, phố cổ nằm giữa trung tâm Hà Nội, việc kinh doanh, buôn bán cũng thuận tiện. Ở phố cổ, khách du lịch nườm nượp, phố phường sầm uất, người dân tranh thủ bán nước, chạy xe ôm, mở hàng ăn sáng... cũng có đủ tiền trang trải cuộc sống, nuôi con học hành. Sang bên khu định cư mới, chúng tôi biết xoay xở thế nào?”.

Còn chị Lương Ngọc Dung (số nhà 29 Hàng Than) chia sẻ, nhà có chật chội thật, ngõ ngách tối tăm, ẩm thấp, điều kiện vệ sinh không đảm bảo nhưng gia đình ở đây đã nhiều thế hệ rồi, con cái cũng học hành ngay tại khu trung tâm của Thủ đô nên môi trường học tập rất tốt, muốn mua gì hay ăn gì cũng ngon, cũng tiện. “Cho nên từ lâu tôi đã nghe đến kế hoạch di dân phố cổ sang quận Long Biên nhưng tôi cũng như nhiều người ở đây không thấy mặn mà cho lắm”, chị Dung nói.

Những con ngõ chỉ vừa một người đi. Ảnh: N.H

Mong một cái kết thỏa đáng

Trước thực trạng ngày càng xuống cấp, mục nát, chắp vá của các căn nhà tại khu phố cổ, từ lâu thành phố Hà Nội đã nhiều lần đưa ra phương án bảo tồn, cải tạo khu phố cổ. Cụ thể, Đề án giãn dân phố cổ được nghiên cứu từ những năm 1998 và đến tháng 1-2013 thành phố Hà Nội đã phê duyệt và được phép triển khai 2 dự án thành phần: Dự án tổ chức di dời các hộ dân ra khỏi khu phố cổ Hà Nội (do Ban Quản lý phố cổ trước đây và nay là Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội triển khai), và Dự án xây dựng khu nhà ở giãn dân tại khu đô thị Việt Hưng - quận Long Biên (do Ban Quản lý đầu tư xây dựng quận Hoàn Kiếm triển khai).

Theo ông Đặng Đình Bằng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, khi triển khai Dự án tổ chức di dời các hộ dân ra khỏi khu phố cổ Hà Nội, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội đã phối hợp với các phường để tổ chức rà soát, thống kê các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án. Qua rà soát, thống kê, tổng số hộ dân thuộc đối tượng giãn dân bắt buộc vào khoảng 478 hộ - tương đương với 1.613 nhân khẩu.

Tổng số hộ dân thuộc diện giãn dân tự nguyện (các hộ có diện tích ở dưới 5m2/người) khoảng 3.998 hộ - tương đương với 11.396 nhân khẩu. Tuy nhiên, tính cho đến thời điểm hiện tại, Đề án đang gặp phải những rào cản lớn như việc xác định rõ ranh giới khoanh vùng bảo vệ, nhất là với các đối tượng thuộc diện giãn dân bắt buộc, là những hộ đang sống trong các di tích đình, đền, chùa, trong công sở hoặc trong trường học. Tiếp đó, là vấn đề sinh kế bởi hiện nay tại phố cổ, số người dân sống “bám vỉa hè” rất nhiều...

Chính vì thế, ông Bằng khẳng định: Để Đề án triển khai đạt hiệu quả, cần sớm khoanh vùng bảo vệ di tích, làm cơ sở pháp lý để xác định các hộ dân phải di dời. Thêm vào đó, ông Bằng cho rằng, khi khu phố cổ Hà Nội đã được công nhận là di tích cấp quốc gia thì những hộ có diện tích ở dưới 5m2/người phải nằm trong diện bắt buộc di chuyển. Đặc biệt, thành phố cần quan tâm giải quyết sinh kế cho người dân khi đến nơi ở mới...

Chật chội và bức bối là tình cảnh chung của những ngôi nhà nơi phố cổ. Ảnh: Nguyễn Hưng

Với việc ban hành quy hoạch phân khu đô thị ở 4 quận nội đô gần đây, Hà Nội một lần nữa đi tìm lời giải cho bài toán giãn dân phố cổ, một bài toán đã kéo dài nhiều năm mà chưa tìm ra cái kết thỏa đáng. Với những thách thức đã tồn tại dai dẳng hàng thập niên qua, ở lần trở lại này, bài toán “giãn dân phố cổ” chỉ có thể tìm ra lời giải khi các bên hiểu rõ căn nguyên và giải quyết nó một cách triệt để.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giãn dân phố cổ: Hiểu rõ căn nguyên để tìm lời giải