Ấm áp tình thân trong gia đình lớn

Minh Ngọc| 24/04/2021 05:48

(HNM) - “Trung tâm là một gia đình lớn, ấm áp tình thân. Người được chăm sóc ở đây đều cao tuổi, sức khỏe yếu nhưng luôn nhận được sự quan tâm đầy đủ cả về vật chất, tinh thần, có những người con lễ phép, hiếu kính. Điều này góp phần xoa dịu những nỗi đau, làm lành những vết thương do chiến tranh để lại”. Đó là lời chia sẻ của những người có công đang được chăm sóc, phụng dưỡng tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2, thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội (xã Viên An, huyện Ứng Hòa).

Cán bộ y tế khám sức khỏe cho thương binh 2/4 Vương Thị Là đang được chăm sóc, phụng dưỡng tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 (xã Viên An, huyện Ứng Hòa).

Vượt lên nỗi đau

Phóng viên Báo Hànộimới đến Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2, nằm bên triền đê sông Đáy hiền hòa vào ngày 20-4-2021. Khuôn viên trung tâm rực rỡ sắc đỏ cờ Tổ quốc xen lẫn màu xanh của những tán cây cổ thụ tỏa bóng mát, khiến bất kỳ ai đến đây cũng thấy bình an, ấm lòng. Tại nhà D - dãy nhà hai tầng khang trang - nơi nuôi dưỡng thường xuyên người có công, hiện có 43 phụ nữ là thương binh, vợ liệt sĩ, mẹ liệt sĩ, con liệt sĩ đang sinh sống. Mỗi người một hoàn cảnh, một miền quê, nhưng đều có điểm chung là phải gánh chịu đau thương, mất mát do chiến tranh.

Tại phòng D08, thương binh 2/4 Vương Thị Là (70 tuổi), đến từ thôn Bằng Sở, xã Ninh Sở (huyện Thường Tín) được sắp xếp sống cùng bà Trần Thị Mí (85 tuổi), là vợ liệt sĩ, cũng đến từ huyện Thường Tín. Do bà Trần Thị Mí tuổi đã cao, sức yếu, nên mỗi khi có người đến thăm, bà Vương Thị Là thường là người tiếp chuyện.

Vén những sợi tóc cho gọn gàng, bà Là ngước nhìn tấm ảnh cô thanh niên xung phong trẻ trung treo trên tường và nói: “Tôi đó, khi ấy mới ngoài 20 tuổi”. Cách đây đúng nửa thế kỷ, năm 1971, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cô thôn nữ Vương Thị Là rời làng quê, trở thành thanh niên xung phong phục vụ trên tuyến đường khu vực miền Trung bão lửa trong những năm tháng chống Mỹ. “Từ mảnh đất Nam sông Gianh, phà Long Đại (tỉnh Quảng Bình) đến khu vực bãi biển Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị), chỗ nào bị bom, đạn đánh nhiều, đường đi bị chia cắt thì lực lượng thanh niên xung phong tập trung sửa chữa, để các đoàn xe tiến ra chiến trường. Giữa bom rơi, đạn lửa, cuộc sống của lực lượng dân công hỏa tuyến vô cùng khó khăn, gian khổ, có những lúc cả đoàn, cả đội chia nhau từng ngụm nước, nhưng tất cả đều vững niềm tin vào ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, hai miền Bắc - Nam sum họp”, bà Là nhớ lại.

Tiếp dòng hồi ức, bà Là cho biết, bà bị thương vào tháng 12-1972, khi đang làm nhiệm vụ tại một cung đường thuộc huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình). Hòa bình lập lại, nữ thanh niên xung phong Vương Thị Là trở về quê hương sống cùng mẹ già. Sau khi mẹ bà qua đời, bà Là được đón về chăm sóc tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2. “Sống tại trung tâm từ năm 1999 đến nay, nơi đây đã trở thành ngôi nhà thứ hai của tôi”, bà Là cho hay.

Rời phòng D08, chúng tôi đến phòng D24 thăm bà Đỗ Thị Bức (83 tuổi), vợ liệt sĩ, đến từ thôn 3, xã Thạch Đà (huyện Mê Linh). Lúc này, bà Bức đang cùng "người em tâm giao" Nguyễn Thị Văn (77 tuổi) cũng là vợ liệt sĩ, đến từ thôn Hạ, xã Phù Lưu (huyện Ứng Hòa) ngồi ở hành lang hóng mát, tranh thủ khâu những chiếc quạt cầm tay, phòng khi mất điện. Vừa làm, bà Bức vừa kể, năm 1967, chồng bà là ông Nguyễn Kiến Truyền tạm biệt vợ trẻ, con thơ lên đường vào miền Nam chiến đấu. Ở nhà, bà vượt lên nỗi nhớ thương chồng, một mình nuôi nấng, chăm sóc con gái, phụng dưỡng cha mẹ và chờ đợi ngày đoàn viên. Do chiến tranh, mong ước của người vợ hiền không thành hiện thực. Chồng bà Bức hy sinh vào ngày 29-2-1968. “Nén lại nỗi đau để nuôi con, nhưng con gái tôi không may mắc bệnh trọng, qua đời năm 2004. Để sống vui những năm tháng tuổi già, năm 2015, tôi đã chuyển về sống tại ngôi nhà chung dành cho người có công”, bà Bức chia sẻ.

Tiếp lời, bà Nguyễn Thị Văn nói: “Ở đây, chúng tôi tìm thấy sự đồng cảm, thấu hiểu, động viên nhau vượt lên nỗi đau, sống an vui những năm tháng tuổi già”.

Lắng đọng tình thân

Thông qua các sinh hoạt thường nhật, câu chuyện chung, chuyện riêng, những người có công đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 hiểu nhau, gắn kết với nhau như người thân. Họ cũng được đội ngũ cán bộ, nhân viên quan tâm, chăm sóc tận tình như chăm sóc ông bà, bố mẹ. Bà Vương Thị Mùi, thôn Bằng Sở, xã Ninh Sở (huyện Thường Tín) - em gái của thương binh Vương Thị Là bày tỏ: “Chị tôi cùng nhiều người có công khác được Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 chăm sóc rất chu đáo. Nhiều lần tôi chứng kiến các cán bộ, nhân viên bón từng thìa cháo, xoa bóp chân tay, ân cần lắng nghe, tâm tình trò chuyện với người có công đang sống tại đây”.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Trưởng phòng Y tế (Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2) Phùng Xuân Phiến chia sẻ: “Đa số người có công được nuôi dưỡng thường xuyên tại trung tâm tuổi đã cao, sức khỏe yếu, tình trạng bệnh tật phức tạp, đòi hỏi phải có chế độ chăm sóc đặc biệt. Tri ân người có công, chúng tôi thay nhau trực 24/24 giờ, để bất cứ lúc nào các bà, các mẹ cần đều có mặt kịp thời. Trong trường hợp người có công phải đi điều trị tại bệnh viện, chúng tôi túc trực ngày đêm chăm sóc như với người thân trong gia đình”. Còn nhân viên Phòng Điều dưỡng Nguyễn Thị Ngà cho biết: “Chúng tôi sắp xếp người khỏe hơn ở cùng người yếu để có thể giúp đỡ nhau khi cần thiết. Về chế độ dinh dưỡng, các món ăn được thay đổi liên tục, phù hợp với tình trạng sức khỏe của từng người”.

Trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng người có công, chúng tôi còn được nghe và thấy nhiều chuyện cảm động khác. Chẳng hạn như việc trung tâm đứng ra gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng giúp các bà, các mẹ không còn minh mẫn. Khi người có công “khuất núi”, cán bộ, nhân viên trung tâm đứng ra lo tang lễ chu toàn như con cái lo cho bố mẹ theo phong tục địa phương. Với các trường hợp không có người thờ tự, trung tâm thực hiện việc cúng giỗ.

Ngoài nhiệm vụ nuôi dưỡng thường xuyên người có công, hằng năm, Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 còn tổ chức điều dưỡng luân phiên cho hơn 2.000 lượt người có công trên địa bàn Hà Nội và một số địa phương khác. Hiện tại, trung tâm đang cải tạo, chỉnh trang cơ sở vật chất cho sạch sẽ, hiện đại hơn, chuẩn bị đón các đoàn người có công về điều dưỡng trong năm 2021. “Trung tâm luôn tâm niệm lấy niềm vui, sự hài lòng của người có công làm tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động”, Giám đốc Trung tâm Vũ Văn Trung khẳng định.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh, tinh thần hết lòng phục vụ đối tượng người có công của đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 là hành động, việc làm thiết thực nhằm tri ân người có công, góp phần bù đắp phần nào đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra. Tinh thần này đã được Sở quán triệt, yêu cầu tất cả các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công trên địa bàn thành phố thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ấm áp tình thân trong gia đình lớn