Khi những đoạn đường, góc phố thành họa, thành thơ

Minh Hà| 19/03/2021 14:21

(NSHN) - Dưới bàn tay tài hoa của những nghệ sĩ tình nguyện, đặc biệt là sự đồng lòng và ủng hộ hết mình của người dân, nhiều ngõ, phố tại Hà Nội đã được khoác lên mình những “bộ cánh” mới. Để giữ cho tổ dân phố tại địa bàn cư trú luôn đáp ứng các tiêu chí: Xanh - sạch - đẹp, nhiều mô hình hay, sáng tạo đã được phát triển và duy trì tại khắp các khu dân cư.

Làm đẹp cho ngõ phố bằng… phế liệu

Nhắc tới phế liệu là nghĩ tới hai chữ “bỏ đi”. Thế nhưng, người dân tại làng Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội lại nỗ lực tìm kiếm và thu gom những chai, lọ, mảnh sành, sứ và nhiều đồ đã được coi là phế phẩm để sáng tạo nên dấu ấn riêng cho làng Liên Mạc. 

Người khởi xướng cho ý tưởng độc đáo này là chị Ngô Quỳnh Liên (Giám đốc Công ty mỹ thuật Liên Vũ, tại làng Liên Mạc). Trước thực trạng rác thải bị vứt nhiều trên đường làng, gây mất mỹ quan và ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, chị Liên cùng 4 thành viên khác trong nhóm dự án đã đứng lên vận động người dân thu gom rác thải và cùng nhau tạo nên những bức tranh hấp dẫn, sinh động trải dài khắp đường làng. 

Bà Nguyễn Thị Nhiên, hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ làng Liên Mạc, một trong 5 thành viên ban đầu của nhóm dự án, chia sẻ: "Tôi là một người con của mảnh đất Liên Mạc. Càng yêu quê hương, tôi càng trăn trở về thực trạng vứt rác thải bừa bãi, nhưng chưa nghĩ ra cách vận động người dân xử lý. Nhờ gặp được những người cùng chung lý tưởng và có khả năng sáng tạo, chúng tôi đã quyết định chọn một cách mới để làm đẹp cho đường làng. Đó là sử dụng phế phẩm và xi măng để tạo nên các bức tranh khác nhau".

 Những bức tranh từ vật liệu bỏ đi có chủ đề thân thuộc về thiên nhiên, làng quê...

Ban đầu, nhóm gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm, phân loại phế phẩm. Tuy nhiên, nhờ sự kiên nhẫn, chăm chỉ vận động của cả nhóm, tới nay, người dân trong làng, từ trẻ nhỏ tới người lớn tuổi đều rất hào hứng với công việc tìm, thu gom, phân loại phế phẩm, cùng chung sức để làm nên những bức tranh với nội dung đơn giản mà sinh động. 

Anh Nguyễn Danh Hảo, một người dân làng Liên Mạc cho hay, mỗi bức tranh khác nhau thể hiện được sự sáng tạo của người dân, đồng thời dự án cũng mang ý nghĩa giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường nên dần dần được tất cả đồng lòng ủng hộ.  

Đường làng đã trở nên sạch đẹp, bắt mắt hơn kể từ khi có những bức tranh đặc biệt.

Cũng là các tác phẩm từ phế liệu, 16 tác phẩm nghệ thuật sắp đặt khác nhau của 16 nghệ sĩ tình nguyện từ Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã góp phần làm đẹp con đường ven sông Hồng (thuộc phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm), vốn được biết đến với cái tên: “Bãi rác Phúc Tân” hay “mặt sau của thành phố”.

Các tác phẩm được tạo nên từ nhiều loại phế thải khác nhau, như chai nhựa, những mảnh đĩa vỡ, sắt phế thải, thùng phuy… Kể từ khi các tác phẩm được trưng bày, nơi tập kết rác thải năm nào đã trở thành con đường rộng rãi, thoáng mát. Đoạn đường màu sắc này giờ đây đã là địa điểm quen thuộc cho các hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời của nhân dân phường Phúc Tân.  

Một số tác phẩm tại dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân - sông Hồng.

Ông Nguyễn Văn Phiêu (phường Phúc Tân, Hoàn Kiếm) cho biết, đoạn đường đã trở thành “sân tập miễn phí” của gia đình ông. Cứ mỗi buổi chiều, ông và vợ đều thích đi dạo dọc đoạn đường, vừa để hóng gió, vừa để nâng cao sức khỏe. “Kể từ khi có các tác phẩm nghệ thuật này, cuộc sống của người dân được cải thiện rất nhiều”, ông Phiêu cho hay.

Không chỉ có bàn tay của nghệ sĩ, chính quyền phường Phúc Tân và người dân khu phố cũng tích cực bảo vệ cảnh quan nơi đây. “Sau khi bãi rác Phúc Tân trở thành điểm đến nghệ thuật, chúng tôi rất vui mừng. Chúng tôi đóng tiền dọn dẹp khu phố theo quý. Hội Liên hiệp phụ nữ phường còn đưa ra phương án trồng vườn hoa bên đường nhằm xóa điểm chân rác. Mỗi người có ý thức một chút thì mọi người đều được hưởng một môi trường sống sạch đẹp”, ông Nguyễn Văn Minh, một cư dân trên địa bàn phường bày tỏ.

Mô hình nghiệm thu vườn hoa bên đường tại phường Phúc Tân.

Lạc bước trong những con ngõ bích họa sắc màu

Ngoài việc tận dụng nhiều nguyên liệu độc đáo để trang trí những con ngõ, người dân Hà Nội còn biến những bức tường có phần đơn điệu trở nên màu sắc, ý nghĩa bằng các tác phẩm bích họa sáng tạo. 

Tại tổ dân phố số 11, phường Hàng Bột, quận Đống Đa, người dân từ lâu đã quen với cảnh con ngõ bị tận dụng để họp chợ. Tường ngõ bị dán nham nhở các loại thông tin quảng cáo. Tuy nhiên, từ khi trên mặt bức tường xuất hiện các bức bích họa với vần thơ ý nghĩa, dễ thuộc, thực trạng trên đã được giảm thiểu, đưa môi trường sống trở lại vẻ yên bình vốn có.

Bà Vũ Thị Thanh Nga (phường Hàng Bột) phấn khởi cho biết, kể từ khi có các bức tranh này, con đường đi lại mỗi ngày của bà thêm phần vui tươi. Như bao người dân trong ngõ, giờ đây bà có thể vừa đi bộ vừa có thể ngắm tranh, miệng nhẩm đọc những vần thơ vui, ý nghĩa.

Con đường bích họa với những vần thơ tại tổ dân phố số 11, phường Hàng Bột, quận Đống Đa.

Tương tự, tại ngõ Ao Dài, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, những bức tranh bích họa đầy màu sắc đã được sáng tạo để thay thế màu tường cũ kĩ, đơn điệu, nhằm làm đẹp phố phường. 

Ngõ Ao Dài được mệnh danh là con ngõ bích họa tại Hà Nội.

Xuất phát từ tình yêu với nơi mình sinh sống và góp sức bằng sự tâm huyết, sáng tạo, nhiều người dân Hà Nội đang biến những bức tường, con ngõ, khu phố còn chưa bảo đảm vệ sinh thành nơi sạch đẹp, nên thơ. Nhờ thế, cuộc sống của chính họ đang vui lên mỗi ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi những đoạn đường, góc phố thành họa, thành thơ