Làm giàu rừng từ trồng cây gỗ lớn

Sơn Tùng| 10/03/2021 07:22

(HNM) - Rừng của Hà Nội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường... Việc làm giàu rừng từ phát triển cây gỗ lớn là hướng đi khả quan...

Mô hình trồng cây hông - một loại cây gỗ lớn tại huyện Ba Vì.

Giám đốc Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển dược liệu Sóc Sơn Nguyễn Thanh Tuyền chia sẻ, việc làm giàu rừng từ trồng cây gỗ lớn có nhiều tác dụng như: Phòng hộ rừng, phòng chống cháy rừng, chống xói mòn đất; phát triển cây dược liệu quý dưới tán rừng... Hợp tác xã đã đầu tư trồng hàng chục héc ta cây gỗ lớn gắn với cây dược liệu, góp phần tạo môi trường sinh thái đa dạng... Tuy nhiên, cây gỗ lớn cần thời gian dài, vốn nhiều mà thu hồi chậm nên huyện Sóc Sơn và thành phố nên có chính sách hỗ trợ vốn, giao rừng gắn với giao đất; khuyến khích bảo vệ rừng, làm giàu rừng gắn với phát triển dược liệu, du lịch sinh thái...

Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) Nguyễn Văn Thắng cho biết, hơn 500ha đất rừng và đất lâm nghiệp tại địa phương đã góp phần hạn chế thiệt hại do lũ rừng ngang từ Hòa Bình đổ về. Tuy nhiên, hiện nay, ở Nam Phương Tiến chủ yếu vẫn trồng cây truyền thống (keo, bạch đàn…) khả năng phòng hộ kém, giá trị rừng và trữ lượng rừng chưa cao. Để cải thiện, địa phương tích cực hỗ trợ người dân trồng một số cây gỗ lớn và được người dân đồng tình. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến, huyện tạo điều kiện để người dân trồng đan xen, dần thay thế bằng các loại gỗ lớn (sấu, sao đen, lim xanh...) có giá trị cao tại khu vực rừng phòng hộ.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng, rừng trên vùng đồi gò Sóc Sơn cùng nhiều hồ đập và các di tích văn hóa, tâm linh... tạo cảnh quan hấp dẫn du khách. Đây là lợi thế của Sóc Sơn, nếu được quy hoạch trồng cây gỗ lớn, tạo môi trường sinh thái đặc biệt... sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho toàn huyện và vùng lân cận. Mục tiêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Sóc Sơn là đẩy mạnh trồng mới rừng với cây gỗ lớn tại đất trống và diện tích rừng cháy không có khả năng phục hồi; nâng cấp, làm giàu rừng, dần thay thế loài cây phòng hộ kém bằng loài cây bản địa. Trước mắt, huyện huy động nguồn lực để trồng mới 150ha rừng gỗ lớn gắn với trồng rừng hiệu quả. Trong năm 2021, Sóc Sơn đặt kế hoạch trồng 12.000 cây xanh cỡ lớn.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên khẳng định: Lợi ích từ việc trồng cây gỗ lớn để làm giàu rừng đã được chứng minh trên thực tế. Qua thí điểm một số mô hình trồng gỗ lớn quy mô 2-5ha trên địa bàn Hà Nội, bước đầu cho thấy chất lượng rừng tăng đáng kể. Tuy nhiên, để nhân rộng, mong rằng thành phố có chính sách hỗ trợ người trồng rừng về vốn, giống... nhằm giảm áp lực phụ thuộc khoảng 10 năm đầu khi rừng trồng chưa cho khai thác.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin: Hà Nội không đặt vấn đề lấy trữ lượng phục vụ phát triển công nghiệp chế biến gỗ mà hướng tới trồng gỗ lâu năm nhằm bảo vệ môi trường sinh thái. Hiện nay, trong hơn 27.000ha rừng, ngoài hơn 7.500ha rừng tự nhiên có trữ lượng tốt, diện tích còn lại cần kế hoạch dài hơi. Thực tế, rừng gỗ lớn có chu kỳ kinh doanh dài; rủi ro cao với thiên tai, sâu bệnh và biến động giá cả... Muốn bền vững, đi đôi với tổ chức trồng, Hà Nội cần đẩy mạnh thu hút lao động lâm nghiệp phụ thuộc rừng sang loại hình dịch vụ khác thông qua chương trình hỗ trợ lồng ghép đào tạo nghề. Mỗi năm, nên xây dựng, nhân rộng 1-2 mô hình; nâng tỷ lệ cây xanh 2-3m2/người (hiện nay), đến năm 2025 đạt 8-10m2/người và năm 2030 đạt 10-15m2/người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm giàu rừng từ trồng cây gỗ lớn