Thiết thực hướng đến đồng bào khó khăn

An Khánh| 05/03/2021 06:23

(HNMCT) - Suốt 6 năm qua, Câu lạc bộ (CLB) Ong Chăm, đã có nhiều hoạt động thiết thực hướng đến đồng bào gặp khó khăn ở vùng sâu, vùng xa như: Nhận đỡ đầu trẻ mồ côi, xây ký túc xá, thành lập “ngân hàng lợn”, đan mũ đa năng... Việc tốt trao đi, nét đẹp nhân ái của người Hà Nội thêm một lần được bồi đắp, giữ gìn. Sức lan tỏa từ hoạt động này cũng rộng hơn khi mới đây CLB được Trung ương Đoàn trao tặng Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2020.

Các thành viên trong CLB Ong Chăm đóng quà gửi lên vùng cao. (ảnh chụp tại thời điểm an toàn dịch Covid-19).

Giúp người là phúc báu

Đã thành thói quen, sáng nào cũng vậy, các hội viên CLB Ong Chăm lại tập trung tại căn nhà nhỏ ở ngõ 186 Đội Cấn (Hà Nội), cùng nhau đan những chiếc mũ đa năng. Đây là ngôi nhà của bà Phan Vũ Diễm Hằng, người sáng lập và hiện là Chủ nhiệm CLB. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức sống nhiều đời ở Hà Nội, ông nội là nhà cách mạng Phan Kế Toại, bà thừa hưởng nếp sống, cách nghĩ của người Hà Nội xưa mà đặc trưng nhất là đạo lý “thương người như thể thương thân”.

Bằng chất giọng trầm ấm, bà Hằng kể, năm 1996, khi tham gia công tác tại các dự án phi chính phủ và dự án hỗ trợ phát triển cộng đồng của Liên hợp quốc, bà gặp gỡ và chứng kiến những mảnh đời éo le của những đứa trẻ ở mọi miền Tổ quốc. Ánh mắt và nụ cười của các con đã thôi thúc bà phải làm một điều gì đó có ích để giúp các con bớt vất vả. Đó cũng là lý do mà CLB Ong Chăm ra đời năm 2015. Thấm thoát đã 6 năm trôi qua, CLB hiện đã và đang đỡ đầu cho trên 420 trẻ mồ côi với số tiền 150 nghìn đồng/em/tháng, xây 8 ký túc xá tại vùng cao, miền núi, đan 17.000 chiếc mũ đa năng tặng trẻ em vùng cao và chiến sĩ biên phòng, tặng 9.000 áo ấm đồng phục, chăn cho điểm trường nội trú... “Nếu nhìn vào những con số này nhiều người sẽ thắc mắc: Tiền đâu ra khi CLB chỉ có hơn 100 hội viên. Chúng tôi rất vui và tự hào khẳng định, số tiền ấy không chỉ do các hội viên đóng góp mà còn do nhiều nhà hảo tâm chung tay ủng hộ”, bà Hằng nhấn mạnh.

Khi đang sung sức với những công việc thiện nguyện thì năm 2017, tin dữ ập đến, bà Hằng phát hiện mình mắc bệnh ung thư. Dẫu vậy bà vẫn gắng sức chống chọi với bệnh tật để tiếp tục thực hiện ước mơ mà mình đang ấp ủ. Hiện nay, sức khỏe của bà đã khá hơn nhiều. Bà chia sẻ, một trong những động lực để bà chiến thắng bệnh tật trong thời gian điều trị ở Bệnh viện K cơ sở 3 Tân Triều là những bức thư của các em nhỏ gửi về, trong đó bà nhớ nhất lá thư của em Đào Thị Lệ (học sinh lớp 8A Trường THCS Mường Tè, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu). Trong thư, Lệ viết: “Nhờ có chiếc khăn len của các bà mà chúng cháu đỡ rét hơn và cảm nhận được tình yêu thương của bà đối với chúng cháu. Dù trời lạnh giá, các bạn và cháu vẫn đạp xe đi học”. Khi kể lại với tôi câu chuyện ấy, bà xúc động cho biết: “Có cơ hội được giúp người khác là phúc báu mà chúng ta được hưởng”.

Nhân lên thông điệp yêu thương

Không chỉ hướng đến trẻ em vùng biên, CLB đang phối hợp với một số cá nhân, đơn vị của lực lượng Bộ đội Biên phòng để chuyển mũ đa năng, áo ấm... cho các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương, ngăn chặn dịch Covid-19 xâm nhập qua biên giới. Thiếu tá, nhà văn Phạm Vân Anh, Phó Giám đốc Điện ảnh - Truyền hình Bộ đội Biên phòng cho biết: “CLB Ong Chăm đã làm thiện nguyện một cách hết sức tận tâm, dựa trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng đặc điểm, tình hình của từng vùng, từng đối tượng, từng dân tộc. Các hội viên cao tuổi nhưng tràn đầy tình yêu cuộc sống và trách nhiệm với cộng đồng. Có mọi người chung tay, những người lính biên phòng, giáo viên “cắm bản” và các em nhỏ vơi bớt nhọc nhằn, khó khăn trong cuộc sống... Những món quà của họ còn lan tỏa tình nhân ái trong cộng đồng để các em nhỏ có thể học tập, noi gương rồi sau này trở thành những công dân có ích”.

Bà Đặng Thị Lan Phương, một thành viên tích cực của CLB cho biết, nhiều lần lên vùng cao, tận mắt chứng kiến cuộc sống của các cháu còn nhiều khó khăn nên bà đã điều chỉnh mức chi tiêu để làm từ thiện. “Chúng tôi muốn thông qua tên gọi của CLB để truyền cảm hứng đến những học sinh vùng cao về sự nỗ lực, chăm chỉ học tập, làm việc. Chúng tôi mong muốn xây thêm nhiều công trình khang trang, có ý nghĩa thiết thực cho vùng cao. Về lâu dài, chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ, giúp sức của các nhà hảo tâm để nhân lên thông điệp “lá lành đùm lá rách” của người Việt”, bà Phương nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiết thực hướng đến đồng bào khó khăn