Khi hoa chuối rừng xuống phố

Bài và ảnh: Nhật Minh| 27/02/2021 17:42

(HNMCT) - Dù dịch Covid-19 khiến chương trình “Hoa chuối rừng xuống phố - Tết ấm lên bản Dao” ở Hồ Văn, Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám không thể kéo dài đến Rằm tháng Giêng như dự kiến, nhưng dư âm về một hoạt động khởi nghiệp nhân văn dành cho các bạn sinh viên người Dao đang học tập tại Hà Nội vẫn còn đó. Từ đây, hy vọng có thêm những gợi mở đóng góp chung vào những nỗ lực của thành phố Hà Nội về phát triển sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Thủ đô.

Gian hàng sản phẩm của người Dao tại Hồ Văn dịp trước Tết khi dịch Covid-19 chưa diễn biến phức tạp.

Sự gặp gỡ của núi rừng và phố thị

Chương trình “Hoa chuối rừng xuống phố - Tết ấm lên bản Dao” do Ban đại diện nhóm "Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc" đứng ra tổ chức với ý nguyện rất đỗi chân phương: Hỗ trợ một phần nhỏ cho các sinh viên người Dao đang học tập tại Hà Nội mang Tết ấm về nhà. Bởi theo thống kê của nhóm này, trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 100 sinh viên người Dao (trong đó có 2/3 là sinh viên nữ) đang học tập, chủ yếu tại các trường như Học viện Phụ nữ Việt Nam, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Học viện Hành chính Quốc gia, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Đại học Văn hóa Hà Nội... Đa số đều xuất thân từ các hộ gia đình thuộc diện nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh sống đầy gian nan. Ví như em Đặng Thị Thương (20 tuổi) ở Hàm Yên, Tuyên Quang, gia đình nghèo phải chắt chiu, vất vả từng ngày để em được nuôi ước mơ làm sinh viên khoa Ngôn ngữ Anh, Đại học Văn hóa Hà Nội. Hay em Lý Dào Quyên (19 tuổi), ở Nguyên Bình, Cao Bằng, gia đình thuộc diện nghèo đã đành, một tay lại khuyết tật, chập chững trước cánh cửa khoa Luật, Đại học Mở Hà Nội còn phải luyện rèn để nói sõi tiếng Việt...

Cuộc sống chất phác, chân phương nơi bản làng nấp trong cây rừng và sương núi khiến các em không biết rằng, loài hoa chuối rừng nở bạt ngàn ven suối, trong rừng hay gần nhà mỗi độ xuân về, đang là lựa chọn ưa thích của người dân thành phố. Các em không hề biết mấy năm nay, nhiều người Hà Nội luôn kỳ công kiếm các bông chuối rừng để tạo thành một “bình hoa lửa” bày trong không gian riêng của mình khi Tết đến. Các em chỉ biết qua lời truyền miệng của cha mẹ và bà con dân bản, rằng hoa chuối rừng được dùng làm món ăn trong nhà, làm thức ăn cho gia súc, làm thuốc chữa bệnh giun sán; quả chuối rừng thì làm thuốc trị bệnh sỏi thận hoặc ngâm rượu... Thế nên, khi ý tưởng mang hoa chuối rừng xuống phố được Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng - Trưởng Ban đại diện nhóm "Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc" khơi nguồn, các em thực sự vui sướng và tâm huyết. 

Sự gặp gỡ của núi rừng và phố thị ấy đã kết nối người Dao trong hành trình mang hoa chuối từ rừng Cao Bằng, Hà Giang về Hà Nội, kết nối sinh viên Dao trong một gian hàng ở Hồ Văn mộc mạc như chính bản tính chất phác của người dân bản. Cạnh hoa chuối rừng còn có các đặc sản “chính hiệu” của bản Dao như: Lạp xưởng, măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương, đũa, bánh chưng, chè, xà phòng thủ công... Chị Minh Hoa, một khách mua sản phẩm, chia sẻ: “Không phải vất vả gì, chỉ cần ghé qua Hồ Văn là nhóm sinh viên Dao sẽ chỉ dẫn tận tình để mua được những món hàng đặc biệt của bản Dao trên núi. Món nào cũng thật, mộc, ngon và được bảo đảm bằng uy tín của cộng đồng”.   

Hoa chuối rừng đã theo chân người Hà Nội về phòng khách các gia đình, vào không gian quán ăn. Ai yêu sự hoang sơ của núi rừng thì càng mê mẩn vẻ đẹp độc đáo của những bông chuối rừng rực lửa ấy. “Năm nay vướng dịch bệnh Covid-19, nhà tôi đã tưởng không kiếm được chum hoa chuối như mọi năm, thật may quá! Những bông chuối rừng hội đủ đỏ, xanh, vàng tượng trưng cho sự may mắn, yêu thương mà hoa lại bền, đến giờ vẫn tươi màu” - chị Tuyết Nhung (ở quận Hà Đông) chia sẻ. Và hoa chuối rừng cũng thắp ngọn lửa trong lòng các bạn trẻ người Dao: “Một chương trình vừa thiết thực vừa ý nghĩa đối với sinh viên nghèo chúng em. Chúng em có thể mở mang thêm kiến thức và tự làm chủ được công việc đang đảm nhiệm và đặc biệt là qua đây, chúng em có thêm những suy nghĩ tích cực, chủ động hơn trong thời gian tới” - Đặng Thương, sinh viên người Dao đang học tại Đại học Văn hóa bày tỏ.

Câu chuyện khởi nghiệp

Câu chuyện nhỏ về khởi nghiệp của sinh viên dân tộc Dao tại Hà Nội đã được viết từ những bông chuối rừng và các đặc sản bản Dao. Bên cạnh gian hàng ở Hồ Văn, các bạn đã chia sẻ thông tin về chương trình qua facebook cá nhân và tiếp nhận các đơn đặt hàng. Hơn một tháng “trong vai” người tư vấn, bán hàng, shipper, các em học được thêm nhiều điều về kỹ năng bán hàng, kỹ năng ứng xử trước các tình huống thương mại. Đúng như Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng chia sẻ: “Ngoài việc hỗ trợ các bạn sinh viên có thêm chi phí để trang trải dịp Tết vừa qua, chương trình còn đặt mục đích gắn kết cộng đồng người Dao. Hơn hết, qua chương trình, các bạn sinh viên người Dao được đào tạo kỹ năng giao tiếp, ứng xử. Đó là những kỹ năng, tư duy cần thiết để giúp các bạn và gia đình thoát khỏi cái nghèo. Bên cạnh đó, những thay đổi và bài học thực tế và quá trình giới thiệu sản phẩm, bán hàng đã giúp các em thêm tự tin hòa nhập, tạo tâm lý tích cực trong quá trình học tập và làm việc tại Hà Nội”.

Những bước đi bỡ ngỡ làm quen với khởi nghiệp này cũng cho thấy rõ thực tế là sinh viên người Dao nói riêng, sinh viên người dân tộc thiểu số nói chung, và rộng hơn là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Hà Nội cần có thêm điều kiện để phát triển sinh kế trên cơ sở phát huy sản phẩm mang bản sắc dân tộc mình. Không nói đâu xa, những trăn trở của đồng bào Dao ở Ba Vì nhiều năm qua trong việc phát triển thương hiệu thuốc nam, rồi giới thiệu sản phẩm truyền thống như đồ thổ cẩm với hoa văn in bằng sáp ong... cũng là một ví dụ.

Quả thực, dịch bệnh Covid-19 đã làm cho tham vọng của những người tổ chức bị thu hẹp rất nhiều, nếu không, “Hoa chuối rừng xuống phố” đã được đón văn nhân, thi sĩ dập dìu trong Ngày thơ Việt Nam dịp Tết Nguyên Tiêu 2021. Song, những gì mà cộng đồng người Dao đã, đang và sẽ triển khai, với sự ủng hộ nhiệt tâm của bạn bè, đồng nghiệp yêu bản sắc núi rừng, sinh viên Dao đã có một cái Tết ấm áp hơn nữa giữa lòng Hà Nội. Được biết, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, gian hàng đặc sản của người Dao sẽ được tổ chức định kỳ mỗi cuối tuần tại khu vực Hồ Văn để các bạn người Dao tiếp tục được làm quen với các hoạt động thương mại. Chương trình thực sự đã góp thêm một tiếng nói, một cánh tay để hiện thực hóa các đề án, chính sách, chương trình nhằm hỗ trợ sinh kế cho đồng bào các dân tộc đang sinh sống và làm việc tại Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi hoa chuối rừng xuống phố