Lan tỏa mô hình “Cầu thang văn hóa”

Nguyễn Thanh| 18/02/2021 06:34

(HNM) - Từ địa chỉ đầu tiên tại tổ dân phố 17, đến nay, mô hình “Cầu thang văn hóa” đã lan tỏa trên khắp địa bàn phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy. Mô hình này không chỉ góp phần gắn kết cộng đồng, mà còn giúp ngăn ngừa tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự trong khu vực.

“Cầu thang văn hóa” nhà A3 là điểm đến yêu thích của người dân tổ dân phố 17, phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy).

Nơi kết nối cộng đồng

Đến nhà A3, tổ dân phố 17, phường Nghĩa Tân - nơi khởi xướng mô hình “Cầu thang văn hóa”, nhiều người có cảm giác như bước vào một thư viện thu nhỏ với đủ loại sách, báo được bày biện ngăn nắp cùng bảng thông tin, bàn ghế được treo, đặt gọn gàng. Nhiều năm nay, nơi đây là điểm sinh hoạt văn hóa hấp dẫn, không chỉ thu hút người cao tuổi, mà cả những người trẻ cũng tìm đến vui chơi sau giờ học, giờ làm. Trong không gian giao lưu văn hóa, những thông tin bổ ích, những lời thăm hỏi, chuyện trò được chia sẻ chân tình, giúp cư dân khu tập thể thêm gần gũi, gắn kết. Cũng từ đây, những công việc chung, cần ý kiến tập thể dễ dàng tìm được tiếng nói chung.

Bà Đào Thị Anh Tuấn, người trông coi mô hình “Cầu thang văn hóa” nhà A3 cho biết, năm 1999, xuất phát từ sáng kiến của một nhóm cư dân nhằm giữ gìn không gian chung sạch đẹp, không bị chiếm dụng cho mục đích cá nhân, cư dân nhà A3 đã thống nhất xây dựng điểm đọc sách, báo, tìm hiểu chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và là nơi sinh hoạt văn hóa cho toàn cư dân tại sảnh chính tòa nhà. “Người xung phong đóng bàn ghế, người bỏ sức dọn dẹp, sắp xếp, người ủng hộ kinh phí mua sách báo…, chẳng mấy chốc, mô hình “Cầu thang văn hóa” của nhà A3 đã hoàn thiện, nhanh chóng đi vào hoạt động”, bà Đào Thị Anh Tuấn chia sẻ.

Để duy trì mô hình “Cầu thang văn hóa” được lâu dài, một bản nội quy đi kèm cũng được niêm yết, với đầy đủ các quy định, như: Luân phiên dọn dẹp vệ sinh; ngăn chặn quảng cáo, rao vặt trái phép; không tận dụng cầu thang làm điểm kinh doanh, đặt để đồ cá nhân; có ý thức đi nhẹ, nói khẽ… Theo ông Đỗ Trung Mịnh, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 17, do nhà A3 có cầu thang và sảnh vào khá rộng, nên trước đây thường bị lạm dụng làm nơi để xe, tập kết rác thải lộn xộn, mất mỹ quan, chưa kể kẻ gian thường xuyên rình mò, trộm cắp. Tuy nhiên, hiện tượng này không còn xuất hiện, kể từ khi mô hình “Cầu thang văn hóa” ra đời. Cùng với đó, đời sống văn hóa tinh thần của người dân cũng có những thay đổi đáng kể. Mọi người gắn bó, đoàn kết hơn sau những buổi sinh hoạt văn hóa tại đây.

Còn theo bà Nguyễn Thị Lan, cư dân nhà A3, mỗi khi rảnh rỗi, bà thường đến “Cầu thang văn hóa” để đọc sách, báo, gặp gỡ mọi người. “Cứ đêm 30 Tết, bà con trong khu cũng thường vui tất niên với nhau ở chính cầu thang này. Mọi người cùng hát hò, chia sẻ chuyện năm cũ, chúc nhau những điều tốt đẹp trong năm mới”, bà Nguyễn Thị Lan cho hay.

Nhân lên những mô hình văn hóa

Từ những hiệu quả thiết thực, mô hình “Cầu thang văn hóa” của tổ dân phố 17 nhanh chóng được nhiều khu tập thể, chung cư trên địa bàn phường Nghĩa Tân cũng như quận Cầu Giấy biết tới, tìm đến học tập kinh nghiệm để áp dụng.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Khánh, Tổ trưởng tổ dân phố 19 (phường Nghĩa Tân) chia sẻ: “Hiện tại, cả 11 dãy nhà ở tổ dân phố đều có “Cầu thang văn hóa”, trong đó nhiều nơi hoạt động rất hiệu quả, như: Nhà A12, A14, A15, A20… Cũng từ những mô hình này, nhiều hoạt động vì cộng đồng đã trở thành nếp với cư dân, như: Việc tổng vệ sinh môi trường vào thứ bảy hằng tuần, việc quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiên tai, phong trào thi đua phụ nữ đảm, khéo…”.

Còn theo ông Nguyễn Vinh Quang, tổ dân phố 20 (phường Nghĩa Tân), với việc tận dụng không gian cầu thang nhà tập thể để làm nơi sinh hoạt chung, mỗi khu nhà ở của tổ dân phố đã tìm được mô hình phù hợp để xây dựng nếp sống văn minh. “Những mô hình như thế nên được duy trì lâu dài để mọi người cùng đến giao lưu, sống vui, sống khỏe hơn”, ông Nguyễn Vinh Quang nói.

Từ mô hình “Cầu thang văn hóa” đầu tiên, đến nay, trên địa bàn phường Nghĩa Tân đã có hơn 80 mô hình tương tự ra đời, duy trì hoạt động hiệu quả. Phó Chủ tịch UBND phường Nghĩa Tân Lâm Văn Thảo cho biết, mô hình “Cầu thang văn hóa” đã và đang trở thành phong trào đẹp, góp phần củng cố tình đoàn kết, nâng cao chất lượng đời sống người dân. Đáng mừng hơn, nhiều cán bộ, nhân dân đã tích cực, tình nguyện tham gia thực hiện, góp phần nhân rộng các mô hình, chung tay xây dựng môi trường sống nền nếp, văn minh…

“Cầu thang văn hóa” - mô hình nhỏ, nhưng có ý nghĩa lớn, góp phần xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa cho người dân phường Nghĩa Tân nói riêng. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trịnh Thị Dung, cùng với “Cầu thang văn hóa”, nhiều mô hình ý nghĩa khác đã và đang được triển khai rộng khắp ở nhiều tổ dân phố, cụm dân cư trên địa bàn quận, đem lại hiệu quả thiết thực, như mô hình: “Thư viện gia đình”, “Nhóm hộ gia đình tự quản”, “Cầu thang vệ sinh môi trường”…, tạo điểm nhấn cho phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa mô hình “Cầu thang văn hóa”