Nét duyên nón lá Phú Mỹ

Quảng Tân| 09/02/2021 16:05

(HNNN) - Theo truyền thuyết, nghề làm nón lá cổ truyền của làng Phú Mỹ (xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Hà Nội) do Thánh Mẫu (hiện thờ tại miếu Cốc) truyền dạy cho dân làng từ xa xưa. Còn theo các tư liệu thành văn thì người đem nghề làm nón, áo tơi lá về dạy cho dân làng là Tiên Nga Thánh Mẫu Huyền Dung ở thời Hậu Lê.

Bà Nguyễn Thị Chỉ, một người thợ giỏi của làng nón, mũ lá Phú Mỹ.Ảnh: Nguyễn Thắm

Bắt đầu từ “nón chảo rang”

Ở nước ta có nhiều làng làm nón lá, trong đó những thương hiệu nổi tiếng nhất là nón Chuông (huyện Thanh Oai, Hà Nội), nón quai thao (tỉnh Bắc Ninh) hay nón Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế). Nón lá Phú Mỹ tuy không vang danh bằng nhưng lại có lịch sử lâu dài và thị trường rộng lớn.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Doãn Đăng, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hóa Phủ Quốc, người làng Phú Mỹ, nón lá Phú Mỹ nguyên thủy là nón chảo rang, có kiểu dáng riêng, không lẫn với bất cứ loại nón nào khác. Có thể hình dung: Nếu đặt ngửa chiếc nón thì nó giống như chiếc chảo rang làm bằng đất sét trắng của các lò thủ công ngày trước. Loại nón này không quá rộng vành và thẳng ngang như nón quai thao, không quá cúp sâu như nón Chuông, không quá thanh mảnh như nón Huế. Khi đội đầu, vành nón lá Phú Mỹ chỉ trên mang tai mà nón vẫn rộng, vẫn mát vì che gần kín cả hai vai. Chi tiết đáng chú ý nhất là: Giữa lòng nón có một cái khua (vòng) hình tròn, làm bằng nứa, khi đội nón thì khua ôm khít đỉnh đầu, kết hợp với quai nón làm cho nón luôn chắc chắn trên đầu. Nguyên thủy, nón chảo rang được lợp chỉ bằng một tàu lá cọ còn nguyên cuống, người ta úp lá xuống rồi khâu bằng sợi móc nên rất bền. Tuy nhiên người làm nón trước kia rất vất vả. Cho đến những năm đầu thế kỷ XX, người Phú Mỹ phải đi lấy lá làm nón rất xa: Lên tận Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang..., có chuyến đi mất nửa tháng, cả tháng, chỉ có cách duy nhất là đi bộ, gánh bộ mà mỗi chuyến chỉ được vài chục bẹ móc hoặc một hộp lá (200 tàu lá).

Theo sách “Văn hóa làng Phú Mỹ” (NXB Lao Động, 2010), trong những năm 1960, một người làng là cụ Ba Viêm (Nguyễn Văn Viêm) đã đem cách làm nón Xuân Kiều - nón có chóp như ngày nay - về dạy cho dân làng. Từ đó, nón chảo rang cũng chấm dứt sứ mệnh. Từ chỗ là nghề phụ, nghề làm nón, mũ lá đã trở thành nghề chính của cả làng. Năm 1989, kiểu nón lá mới của Phú Mỹ theo chân 4 thương lái đầu tiên là người làng xuất hiện ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội). Trong năm 1992, thương lái Trung Quốc sang bắt mối và nón làng bắt đầu xuất ngoại, từ chỗ chỉ vài trăm, vài nghìn chiếc đã lên đến hàng vạn chiếc mỗi năm, chưa kể số nón xuất ngoại theo kênh của Công ty Xuất khẩu tỉnh Hà Tây. Đến cuối năm 1996, thương lái là người làng đã trực tiếp mang nón sang bán cho đầu mối bên Trung Quốc. Từ năm 1999, làng có thêm mặt hàng mũ lá “Lâm Sung” bán sang thị trường Đài Loan với số lượng hàng chục nghìn chiếc mỗi năm.

Ông Nguyễn Khắc Xưa, Trưởng thôn Phú Mỹ, cho biết: Tổng kết năm 2000, làng đạt kỷ lục xuất bán 1 triệu chiếc nón, mũ lá sang Trung Quốc và trên 100 nghìn chiếc sang Đài Loan. Tổng doanh thu từ nghề làm nón, mũ lá của cả làng những năm 2000 đã đạt 5 - 6 tỷ đồng, đem lại thu nhập ổn định cho các gia đình và góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Khi chất lượng đời sống ngày càng nâng cao thì nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng cũng thay đổi. Nhận thấy chiếc nón chóp kiểu nón làng Chuông được mọi người ưa dùng nhưng vì lợp lá non thì không bền nên người làng Phú Mỹ đã cải biên cho phù hợp và chọn lá già để lợp nón. Lá cọ tuy già nhưng không cứng, khô như lá làm nón chảo rang. Đem tàu lá phơi khô rồi xé ra thành từng lá nhỏ bằng ngón tay cái, đem là trên lưỡi cày gang nung nóng làm cho lá vừa thẳng vừa nhẵn lại vừa bóng. Mỗi chiếc nón được lợp hai lần lá, ở giữa hai lần lá lót một lượt mo nang (bẹ của cây măng tre) cho nón thêm dày, phẳng và cứng cáp. Mặt trong của nón còn cài những hình hoa, bướm chạy quanh.

Trước đây, nón được khâu bằng sợi móc đen (lấy từ thân cây móc), bền chắc nhưng thô, ngắn nên phải nối sợi; về sau, người ta khâu bằng cước nilon sợi dài, ít phải nối, lại bền đẹp. Khâu xong, nón được tháo ra khỏi dàng (khuôn) rồi cắt bỏ lá thừa, cạp vành cái, gắn mầu (nhỏ bằng ngón chân cái, hình chóp nón) trên chóp nón để che kín đầu lá và chống dột. Nếu một người phải làm tất cả các khâu thì một ngày chỉ được vài thành phẩm; còn nếu chỉ chuyên khâu (thắt) nón thì một ngày có thể hoàn thành trên dưới 10 chiếc. Mỗi chiếc nón lá già có giá từ 30.000 đồng - 40.000 đồng tùy mức độ ken lá dày hay mỏng, khâu mau hay thưa mũi.

Theo ông Nguyễn Khắc Xưa, chi phí vành, lá, cước chưa đến một nửa giá bán; như vậy, một chiếc nón người làm được lãi 15.000 đồng - 20.000 đồng. Nếu làm nón lá non và trắng đẹp dành cho các thanh nữ thì giá bán là 120.000 đồng - 150.000 đồng/chiếc, mức lãi hơn một nửa, tất nhiên là chưa tính công lao động. Vì thế, nếu tính công thì việc làm nón chỉ là “lấy công làm lãi”; cái được chính là tạo việc làm và thu nhập thường xuyên cho nhiều người.

Mở rộng thị trường

Từ năm 1995, nón lá Phú Mỹ tiếp tục được tiêu dùng nhiều trong nội địa và được xuất khẩu sang Trung Quốc, Lào, Campuchia là những nước mà nông dân, người lao động thu nhập thấp vẫn còn chiếm số đông và ưa thích nón, mũ lá đội đầu.

Ngày 9-7-2003, UBND tỉnh Hà Tây ban hành Quyết định số 938/QĐ-UB công nhận Phú Mỹ là làng nghề nón, mũ lá và trao chứng nhận “Làng nghề công nghiệp, thủ công nghiệp tỉnh Hà Tây”. Đó cũng chính là mốc thời gian mà tại xã Ngọc Mỹ, nghề nón lá, mũ lá từ làng Phú Mỹ đã chính thức mở rộng sang làng Ngọc Than. Toàn xã có hơn 3.500 hộ thì có gần 3.000 hộ biết làm nón, mũ lá. Bình quân mỗi hộ một ngày làm được 3 - 5 chiếc nón hoặc mũ, một ngày cả xã làm được từ 8.000 đến 10.000 chiếc, bình quân mỗi tháng đạt trên dưới 250.000 sản phẩm. Do mở rộng thị trường nên nón lá, mũ lá làm ra đều được tiêu thụ hết. Một năm, cả xã đã làm và tiêu thụ trên dưới 3 triệu sản phẩm, doanh thu những năm gần đây đạt bình quân trên 15 tỷ đồng/năm, chiếm hơn 45% tổng giá trị nông nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ của toàn xã.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Doãn Đăng, bước chuyển quan trọng nhất trong khoảng mười năm trở lại đây ở làng nón, mũ lá Phú Mỹ là thực hiện sự phân công lao động hợp lý, chuyên môn hóa các công đoạn. Với công cụ chính là dàng (khung) nón, trước kia các hộ đều tự làm nhưng về sau và hiện nay, đều mua dàng nón sản xuất sẵn với khuôn mẫu đẹp, giá cả hợp lý. Mỗi gia đình mua 4 - 5 chiếc để có thể cùng lúc làm nhiều sản phẩm, không phải chờ tháo cái trước ra mới làm cái sau. Cước nilon, kim khâu cũng có người bán tại làng. Lá cọ thì có người làng lên các tỉnh miền núi và trung du khai thác hoặc mua rồi thuê xe chở về bán. Hoa văn trang trí cài bên trong nón thì cũng có những hộ chuyên doanh gửi mẫu mã đến tận nhà. Mầu khâu vào chóp nón cũng có hộ làm sẵn hàng loạt, đủ đáp ứng nhu cầu. Chỉ còn hai khâu làm vành nón và khâu nón thì nhiều hộ vẫn thích tự làm. Một số hộ đã áp dụng phương thức tổ chức giao khoán vật liệu (không tổ chức sản xuất tập trung) và trả công theo thỏa thuận. Cũng có một số hộ chuyên doanh, sau khi mua nón, mũ mang về nhà thì thuê lao động chỉnh sửa, hấp sấy rồi đóng vào bao tải dứa thành từng “cây” nón dài, đủ xe thì chở đi bán cho đầu mối lớn hơn...

Nói về triển vọng phát triển của làng nghề, Trưởng thôn Phú Mỹ Nguyễn Khắc Xưa khẳng định: Nghề làm nón, mũ lá tuy không cần mặt bằng sản xuất tập trung nhưng nhịp độ sản xuất lại khẩn trương, liên tục với từng gia đình và khối lượng sản phẩm làm ra hằng năm rất lớn. Dù trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn có xuất hiện thêm nhiều vật dụng mới thì nón, mũ lá vẫn sẽ tồn tại lâu dài và nghề nón, mũ lá vẫn sẽ đem lại nhiều việc làm và nhiều lợi ích thiết thực.   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nét duyên nón lá Phú Mỹ