Đổi thay ở xã miền núi Yên Bài

Minh Phú| 29/01/2021 06:40

(HNM) - Những ngày áp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Yên Bài - xã thuộc vùng dân tộc miền núi của huyện Ba Vì tràn ngập sắc xuân. Từ phong trào xây dựng nông thôn mới, miền sơn cước này đã "thay da, đổi thịt", làng trên, xóm dưới đâu đâu cũng khang trang, sạch đẹp hơn; đời sống của người dân ngày càng sung túc.

Các hộ dân thôn Phú Yên, xã Yên Bài (huyện Ba Vì) trồng chè kết hợp với bưởi Diễn cho thu nhập cao. Ảnh: mai nguyễn

Bước chuyển ở miền sơn cước

Đến thôn Phú Yên (xã Yên Bài) ngày áp Tết, trải dài các sườn đồi là những vườn bưởi Diễn vàng óng, trĩu quả, đan xen là những vườn chè. Ông Nguyễn Văn Ngân, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Phú Yên cho hay, thôn có 200 hộ dân, gia đình nào cũng có một vườn bưởi, ít thì vài ba sào, nhiều lên tới cả mẫu. Trên trồng bưởi, dưới trồng chè, thu nhập của mỗi hộ dân một năm lên tới hàng trăm triệu đồng. “Chúng tôi tự hào rằng, tuy là khu vực miền núi nhưng thu nhập bình quân của các gia đình trong thôn đã đạt tới 65 triệu đồng/người/năm”, ông Nguyễn Văn Ngân phấn khởi nói. Còn anh Bùi Văn Lập chủ vườn bưởi 7.000m2 với 300 cây sai trĩu quả cho biết, gia đình anh trồng bưởi theo quy trình VietGAP, toàn bộ được dán tem truy xuất nguồn gốc. Vụ bưởi năm nay, gia đình thu 2 vạn quả, bán giá 25.000 đồng/quả, thu nhập ước đạt 400-500 triệu đồng.

Ngoài trồng bưởi Diễn, trồng chè, người dân Yên Bài còn phát triển mạnh chăn nuôi. Cả xã hiện chăn nuôi 1.500 con bò sữa có liên kết với các doanh nghiệp trong thu mua, chế biến nên đầu ra ổn định; hàng chục hộ dân khác nuôi đà điểu, nuôi gà thả đồi cho thu nhập cao.

Từ những mô hình phát triển nông nghiệp bền vững, Yên Bài đang thay đổi từng ngày. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bài Nguyễn Đăng Bảy, xã có 8 thôn với hơn 9.000 nhân khẩu, trong đó 45% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Thời điểm bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (năm 2013), Yên Bài có tỷ lệ hộ nghèo cao, cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu đồng bộ; nhận thức, năng lực tiếp thu ứng dụng khoa học kỹ thuật của người dân còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như người dân tham gia xây dựng nông thôn mới, Yên Bài đã gặt hái nhiều thành công.

Hiện nay, hạ tầng điện, đường, trường, trạm ở Yên Bài đã được đầu tư tương đối hoàn chỉnh. Trong đó, đường trục xã, liên xã, đều được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; các tuyến đường trục thôn, trục xóm, liên thôn đã được cứng hóa, sạch sẽ; đường trục chính nội đồng được mở rộng... phục vụ sản xuất và dân sinh. Cuối năm 2020, Yên Bài đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Mở hướng phát triển

Xã Yên Bài có điều kiện tự nhiên thuận lợi, đất đai rộng, khí hậu trong lành và nằm trong quần thể các khu du lịch vùng núi của huyện Ba Vì nên hoàn toàn có thể gắn các mô hình phát triển nông nghiệp với hoạt động du lịch, từ đó tạo nền tảng mới làm thay đổi căn bản đời sống làng quê.

Ông Nguyễn Hoàng Vững, thôn Phú Yên có 6.000m2 trồng bưởi Diễn và chè chia sẻ, các công ty lữ hành đã đưa khách tới trải nghiệm nghề trồng, hái, sao chè và họ rất thích thú. Sau khi khách du lịch tham quan, trải nghiệm thường mua chè khô về làm quà, qua đó góp phần thúc đẩy sản xuất. Hiện chè búp khô bán tại vườn là 200 nghìn đồng/kg.

Các thôn Quýt, Chóng, Mít Mái... nằm dưới chân núi Ba Vì có cảnh quan thiên nhiên, giao thông thuận lợi đang hình thành một số điểm đón khách tham quan, nghỉ dưỡng, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương.

Nói về định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bài Nguyễn Đăng Bảy thông tin, để tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển du lịch, chính quyền xã đã vận động người dân tích cực tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường; bảo tồn nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Mường. Với những diện tích trồng chè và bưởi Diễn quy mô lớn, hình thành các vườn đồi đẹp, xã định hướng người dân sản xuất theo quy trình VietGAP để bảo đảm sản xuất theo hướng bền vững. Thời gian tới, xã sẽ thành lập Hợp tác xã chuyên ngành trồng và chế biến chè búp khô; phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) từ bưởi Diễn và chè để đưa nông sản trở thành sản phẩm du lịch. “Hiện nay, Yên Bài đã có một số mô hình trải nghiệm du lịch cộng đồng. Để các mô hình phát triển bài bản trong giai đoạn 2021-2025, rất cần có định hướng và kế hoạch cụ thể của các cấp”, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bài Nguyễn Đăng Bảy nói.

Cùng với xây dựng nông thôn mới, những mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch đã và đang góp phần làm cho xã dân tộc miền núi Yên Bài đổi thay từng ngày, khang trang, sạch đẹp, hiện đại hơn. Mô hình phát triển của Yên Bài rất cần được nhân rộng, trước hết với những xã miền núi, có điều kiện phù hợp. Từ đó, góp phần xây dựng vùng đồng bào dân tộc của Hà Nội thành những miền quê văn minh, giàu đẹp và đáng sống.

Xuân mới đang về cùng những đổi thay ở xã miền núi Yên Bài!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi thay ở xã miền núi Yên Bài