Nhân rộng nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn

Quỳnh Dung| 04/01/2021 07:39

(HNM) - Hiện nay, Hà Nội chủ trương mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn (VietGAP hoặc hữu cơ), không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hướng đi này cần được nhân rộng ở các địa phương để phát huy được tiềm năng, thế mạnh của nuôi trồng thủy sản.

Nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP mang lại hiệu quả kinh tế cao ở huyện Ứng Hòa. Ảnh: Quỳnh Ngọc

Đến nay, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong đó, chú trọng đối tượng nuôi và hình thức nuôi. Theo ông Lê Hữu Lập, xã Vạn Thắng (huyện Ba Vì), năm 2019, gia đình ông đã chuyển 5,5ha sang nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP. Sau 5 tháng nuôi, đàn cá tăng trưởng tốt, khỏe mạnh, đồng đều, không xảy ra dịch bệnh. Không những thế, nuôi cá theo hướng VietGAP mang lại hiệu quả kinh tế cao, tỷ lệ sống đạt hơn 80%, năng suất đạt 14 tấn/ha, cao hơn 15% so với ao nuôi cá thông thường. Còn ông Lê Văn Công ở xã Phương Tú (huyện Ứng Hòa) cho biết, trước đây gia đình ông nuôi cá theo hình thức truyền thống nên hay bị dịch bệnh. Từ khi chuyển sang nuôi theo quy trình VietGAP, cá lớn nhanh, ăn khỏe, kháng bệnh tốt mà giảm được chi phí trong phòng chống dịch bệnh.

Đánh giá hiệu quả của chương trình nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn, ông Vũ Văn Trung, Phó Trưởng phòng Quản lý nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Hà Nội) cho biết, toàn thành phố Hà Nội hiện có 30.840ha mặt nước, trong đó, 22.418ha nuôi trồng thủy sản với sản lượng đạt 115.000 tấn/năm; hơn 73ha diện tích mặt nước áp dụng mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP với các loại cá truyền thống (trắm, chép, rô phi...) và một số đối tượng thủy đặc sản như: Cá ngạnh, cá lăng, tôm càng xanh… mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với nuôi trồng thủy sản truyền thống. Tuy diện tích nuôi trồng theo hướng VietGAP trên địa bàn Hà Nội hiện còn khiêm tốn, chỉ chiếm 0,22% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn thành phố, song đây là bước khởi đầu cho người nuôi trồng thủy sản hướng tới nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn.

Để bảo đảm đầu ra thuận lợi cho các mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP gắn với chuỗi liên kết, theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi, huyện tiếp tục hỗ trợ về kinh phí cho các hộ dân thực hiện mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng này. Cùng với đó, huyện đẩy mạnh kết nối với các doanh nghiệp để tạo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; xây dựng thương hiệu; truy xuất nguồn gốc xuất xứ, đáp ứng yêu cầu nguồn cung cho các siêu thị, cửa hàng tiện ích...

Với mục đích mở rộng mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng cho biết: Trong định hướng của thành phố, sẽ tăng cường thúc đẩy nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hóa; tập trung phát triển sản xuất con giống thủy sản để giảm giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận cho người sản xuất. Mặt khác, ngành Nông nghiệp tiếp tục tham mưu thành phố có chính sách hỗ trợ cho các mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP. Theo đó, hỗ trợ 50% chi phí con giống, 50% chi phí thức ăn; nông dân được tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP, giúp các hộ chăn nuôi nắm bắt kỹ thuật cơ bản, từ đó có thể nhận biết một số bệnh thường gặp trên cá nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra trong quá trình nuôi.

Cũng theo ông Nguyễn Huy Đăng, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ người chăn nuôi thủy sản về xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ, tạo điều kiện thuận lợi để người sản xuất trực tiếp ký kết hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp nhằm nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân rộng nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn