Ngôi trường trẻ và cô giáo tận tâm với nghề

Mai Lâm| 16/11/2020 06:02

(HNNN) - Được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ năm học 2018-2019, rồi liên tiếp trong 2 năm học 2018-2019 và 2019-2020, Trường Trung học cơ sở (THCS) Đức Thắng (quận Bắc Từ Liêm) luôn nằm trong nhóm 4 trường dẫn đầu của quận về tỷ lệ học sinh thi đỗ vào lớp 10. Vì sao một ngôi trường với tuổi đời non trẻ lại đạt thành tích ấn tượng đó? Tới tận nơi tìm hiểu thì biết, thành tích đó có được nhờ đội ngũ giáo viên trẻ năng động, tận tâm với nghề, trong đó nổi bật là cô giáo Tô Thị Thùy Dung - một trong 179 cá nhân vừa được thành phố trao tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt năm 2020”.

Cô Tô Thị Thùy Dung phụ đạo cho học sinh vào một buổi chiều muộn (ảnh do phụ huynh đợi đón con chụp).

Ấn tượng về ngôi trường non trẻ

Theo giới thiệu của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tôi tìm về Trường THCS Đức Thắng (quận Bắc Từ Liêm) với mục đích tìm hiểu, viết về “Người tốt, việc tốt năm 2020” Tô Thị Thùy Dung. Dù đã sử dụng Google map nhưng khá khó khăn mới đến đích do phải đi qua một “vườn chuối”, với đoạn đường đất gồ ghề, đầy ổ gà. Trong lúc ngồi đợi cô giáo Tô Thị Thùy Dung kết thúc tiết dạy trên lớp, câu chuyện của cô Hiệu phó Phùng Thị Thu Huyền đã khiến tôi thực sự ấn tượng về ngôi trường mới đi vào hoạt động được 3 năm này.

Trường THCS Đức Thắng được xây dựng và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 15-8-2018 nhằm đáp ứng nhu cầu học hành của con em người dân địa phương, nhất là sau khi huyện Từ Liêm được tách thành quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm. Là ngôi trường được xây mới đầu tiên của quận nên cơ sở vật chất của trường rất hiện đại, khang trang với 32 phòng học đạt tiêu chuẩn, có 4 cấp độ bàn ghế dành cho 4 khối học (6, 7, 8, 9), mỗi lớp không quá 35 học sinh. Để đáp ứng nhu cầu học tập trong giai đoạn mới, đặc biệt là tiếp cận công nghệ hiện đại, các phòng học đều được trang bị đồng bộ máy tính, máy chiếu... Cùng với đó là các phòng chuyên biệt để dạy các môn năng khiếu như âm nhạc, mỹ thuật...

Những tưởng với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại như vậy, sức hút học sinh sẽ rất lớn, nhưng không! Cô Phùng Thị Thu Huyền cho biết, trong năm học đầu tiên (2018-2019), trường không phải tuyển học sinh mà nhận học sinh đang phải “học nhờ” ở các trường khác trở về. Vốn quen trường cũ, lớp cũ, không chỉ học sinh mà ngay cả phụ huynh cũng cảm thấy e ngại khi về trường mới, nhất là đội ngũ giáo viên phần lớn đều trẻ, được điều từ các trường khác về. Để xóa đi mặc cảm đó, tập thể nhà trường đã họp, thống nhất cùng nỗ lực phấn đấu, tận tâm, gắng sức “chinh phục” học sinh, phụ huynh và từng bước khẳng định thương hiệu của trường. Phần lớn là giáo viên trẻ, nhiệt huyết với nghề nên khi có ý tưởng kèm cặp, hỗ trợ các học sinh thuộc diện khó khăn, tất cả cùng ủng hộ, vào cuộc. Đặc biệt, cô giáo Tô Thị Thùy Dung, vốn có kinh nghiệm về vấn đề này từ khi còn dạy ở Trường THCS Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm) luôn hăng hái đi đầu.

Cô giáo tận tâm

Khi tôi liên lạc, đặt vấn đề viết về thành tích cá nhân, cô giáo Tô Thị Thùy Dung liên tục từ chối với lý do các thầy cô khác cũng nhiệt huyết, có thành tích tốt và chỉ nhận lời khi có sự “can thiệp” từ Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bắc Từ Liêm cùng Ban Giám hiệu nhà trường. Nói về đồng nghiệp, cô Hiệu phó Phùng Thị Thu Huyền cho biết, cô giáo Tô Thị Thùy Dung có chuyên môn vững và đặc biệt là luôn nhiệt tình, hết lòng với học trò.

Ban Giám hiệu nhà trường đánh giá cô luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của nhà trường, được đồng nghiệp tin tưởng, phụ huynh và học sinh quý mến. Xuất phát từ tấm lòng tận tụy của “người chèo đò”, cô đã mở lớp dạy phụ đạo miễn phí cho 18 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, qua đó lan tỏa phong trào “Nhà giáo Bắc Từ Liêm đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn”. Cô còn cùng 12 thầy cô khác trực tiếp đỡ đầu 11 học sinh có hoàn cảnh khó khăn...

Đem những nhận xét trên về cô Dung hỏi một số cựu học sinh Trường THCS Đức Thắng về thăm trường nhân dịp 20-11, các em lập tức tán đồng. Phạm Đức Anh, hiện là học sinh lớp 10D3 Trường THPT Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, không bao giờ quên được tình cảm, sự quan tâm mà cô Dung dành cho. Bạn nào không hiểu bài, ngoài giờ phụ đạo, cô còn gặp riêng để hướng dẫn thêm. Tình cảm, sự quan tâm của cô Dung đã giúp Đức Anh tiến bộ mỗi ngày, tự tin bước vào kỳ thi vào lớp 10. Đức Anh thể hiện tình cảm quý mến đối với cô giáo chủ nhiệm Tô Thị Thùy Dung theo một cách rất đặc biệt. Đó là tự gặp, quay và làm một clip với những lời nhận xét, đánh giá rất ấn tượng, thân thương, trìu mến từ các anh chị đã từng học cô Dung cũng như đồng nghiệp của cô khi cô còn đang dạy ở Trường THCS Thượng Cát để tặng cô nhân ngày sinh nhật.

Cũng giống như Đức Anh, em Phạm Yến Nhi, học sinh lớp 10D4 Trường THPT Xuân Đỉnh vẫn nhớ như in những hình thức phạt nhẹ nhàng nhưng nghiêm khắc của cô giáo chủ nhiệm khi mắc lỗi. Yến Nhi cho biết: “Cô không quát mắng mà mời riêng từng bạn mắc lỗi đến phòng tư vấn tâm lý học đường để nói chuyện và cho tự lựa chọn hình thức phạt, thường thì phải chép lại, làm lại bài. Bạn nào không thực hiện nghiêm túc, cô “dọa” sẽ mời phụ huynh đến trường thực hiện cùng. Những lời thủ thỉ tâm sự của cô đã giúp học sinh nhận thức đúng về hành vi và luôn phấn đấu vươn lên để không phụ lòng thầy cô, cha mẹ”. Yến Nhi cũng rất ấn tượng về hình ảnh cô giáo cần mẫn lo liệu cho học sinh từng ly từng tí trong các buổi hội trại, sinh hoạt lớp dù còn phải đảm đương vai trò dẫn chương trình của trường. “Dù mệt nhưng cô không nói hay bảo học sinh làm giúp. Giờ đã chuyển cấp, nghĩ lại chúng cháu mới thấy mình vô tâm” - Yến Nhi bộc bạch.

“Ý tưởng dạy thêm miễn phí cho học sinh khó khăn đến với em như một lẽ tự nhiên, là trách nhiệm, nghĩa vụ của mình khi bắt đầu nghề dạy học và trong quá trình công tác hơn 10 năm tại Trường THCS Thượng Cát” - cô giáo Tô Thị Thùy Dung vui vẻ trả lời khi tôi hỏi sao lại làm như vậy trong khi nhiều người tranh thủ kiếm thêm thu nhập. Nhớ lại những buổi phụ đạo ngoài giờ cho học sinh, nhất là khi khóa đầu tiên của Trường THCS Đức Thắng chuẩn bị dự kỳ thi tuyển vào lớp 10, cả cô Huyền và cô Dung đều không giấu được xúc động. Có hôm, có lớp học đến hơn 18h, gần 19h, phụ huynh đến đón con vẫn đứng đợi con chứ không vội vã giục về. Có phụ huynh còn mua cả bánh, sữa đến lớp “tiếp sức” cho cô và trò.

“Dành nhiều thời gian trên lớp cho học sinh như vậy, “ông xã” có “ý kiến” gì không?” - “Có chứ ạ!”, cô Dung đáp lời, rồi nói thêm: “Chồng em làm Thanh tra giao thông đường thủy nên cũng bận, thời gian đầu cũng khó chịu, nhưng sau hiểu, thông cảm, chủ động bố trí thời gian giúp đỡ em rất nhiều. Thế nhưng, vẫn có những hôm em phải nhờ bà ngoại ở Xuân Đỉnh đón hai cháu về tắm rửa, cho ăn xong mới về đón được”.

Có lẽ, đó chính là câu trả lời cho câu hỏi: Vì sao trường mới thành lập mà tỷ lệ học sinh của trường đỗ vào lớp 10 luôn nằm trong top 4 của quận. Cụ thể, năm học 2018-2019, tỷ lệ học sinh đỗ vào lớp 10 của trường xếp thứ 4/11 trường của quận, năm học 2019-2020 tiến thêm một bậc - xếp thứ 3/11 trường của quận. Được biết, năm học 2018-2019, trường còn có 2 học sinh đạt giải Ba nghiên cứu khoa học cấp thành phố, 1 học sinh đạt giải Nhất toán cấp quận, 1 học sinh đạt giải Ba khoa học cấp quận. Năm học 2019-2020, trường có 2 học sinh đạt giải Ba môn toán và hóa cấp quận, 2 học sinh đạt giải Ba nghiên cứu khoa học cấp quận. Học kỳ 1 năm học 2020-2021, học sinh của trường giành 1 giải Vàng, 1 giải Bạc kỳ thi Olympic Toán quốc tế HKIMO; 2 giải Vàng, 3 giải Bạc, 3 giải Đồng kỳ thi Olympic tin học quốc tế HKICO...

Có lẽ chính sự quan tâm, tận tụy, hết lòng của các thầy cô là chìa khóa dẫn tới thành công của trường, giúp mỗi học sinh dễ dàng mở ra cánh cửa vào đời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngôi trường trẻ và cô giáo tận tâm với nghề