Di sản công nghiệp Hà Nội: Nguồn lực cho Thành phố sáng tạo

Linh Tâm| 15/10/2020 20:33

(NSHN) - Hà Nội có không ít nhà máy chứa đựng những giá trị văn hóa - lịch sử và được xem như những di sản công nghiệp. Nếu được bảo tồn đúng cách, đây sẽ là nguồn lực để Hà Nội phát triển Thành phố sáng tạo sau khi được công nhận là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Đó là nội dung tọa đàm “Từ nhà máy cũ đến không gian sáng tạo - Kinh nghiệm quốc tế và hướng đi cho Hà Nội” do Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống và Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG) tổ chức ngày 15-10-2020.

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Linh Tâm

Những “dấu chân” thời đại 

Di sản công nghiệp được hiểu là những gì còn lại của “văn hóa công nghiệp” như các giá trị lịch sử, công nghệ, xã hội, kiến trúc hay khoa học... Di sản công nghiệp bao gồm các tòa nhà, máy móc, phân xưởng, nhà máy, mỏ, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và những địa điểm dùng cho các hoạt động xã hội liên quan đến ngành công nghiệp như nhà ở, nơi thờ phụng, thực hành nghi lễ tôn giáo, cơ sở đào tạo... cho công nhân - lực lượng lao động trong các cơ sở công nghiệp đó. 

Theo PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng): “Di sản công nghiệp là một phần không thể tách rời của di sản văn hóa nói chung, phản ánh sự tiến bộ vượt bậc trong lịch sử văn minh nhân loại, một sự thông thái được kế thừa và là một tiến trình phát triển của xã hội hiện đại. Các giá trị của một di sản công nghiệp có thể được nhận diện trong tình trạng hiện tại của địa điểm, trong các tài liệu và trong ký ức của con người gắn với địa điểm sản xuất đó...”.

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Linh Tâm

Hà Nội hiện có 90 cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch phải di dời ra khỏi khu vực nội thành. Trong số những cơ sở công nghiệp này, có một số nhà máy mang những giá trị kiến trúc, văn hóa - lịch sử đặc trưng, được xem là những di sản công nghiệp có giá trị. 

Theo TS.KTS Trương Ngọc Lân, Phó Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng, những nhà máy cũ của Hà Nội mang nhiều giá trị như: Là những di sản đại diện cho sự phát triển của xã hội và đô thị trong một giai đoạn lịch sử; đánh dấu những mốc quan trọng trong lịch sử hiện đại hóa, đô thị hóa, công nghiệp hóa ở Việt Nam và Hà Nội. Một số nhà máy còn đóng vai trò khai sinh cho một ngành công nghiệp, là những công trình kiến trúc hiện đại, đẹp nhất ở Hà Nội và miền Bắc trong thời điểm được xây dựng như Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Nhà máy Bia Hà Nội. Không ít nhà máy đã trở thành những dấu ấn về ký ức và hình ảnh đô thị Hà Nội một thời như khu Cao - Xà - Lá (Nhà máy Cao su Sao Vàng, Nhà máy Xà phòng Hà Nội, Nhà máy Thuốc lá Thăng Long), Nhà máy Giày vải Thượng Đình, Nhà máy Bánh kẹo Hải Hà...

“Những nhà máy này giống như “dấu chân” của thời đại, gắn với các thế hệ làm việc trong các nhà máy ở Hà Nội, để lại những dấu ấn lịch sử, xã hội mạnh mẽ”, KTS Trương Ngọc Lân chia sẻ.

Bảo tồn linh hoạt 

Việc di dời các cơ sở công nghiệp ra khỏi khu vực 12 quận của thành phố Hà Nội là phù hợp với xu hướng phát triển, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và môi trường đô thị. 

“Đó là một chủ trương đúng của Hà Nội và thành phố đang làm cơ bản rất tốt vấn đề này. Những khu đô thị mới thay thế các nhà máy cũ ở nội đô đã góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người dân, nhưng cần có cái nhìn dài hạn để cân bằng lợi ích của các chủ đầu tư với lợi ích của cộng đồng. Việc di dời ở đây là sự di dời nguồn gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, áp lực giao thông và dây chuyền sản xuất ra khỏi khu vực nội đô, còn lại phần “vỏ” của nhà máy có thể bảo tồn một phần với những công trình mang tính biểu tượng để giữ lại những dấu ấn, giá trị về lịch sử, văn hóa. Đó chính là giá trị phi vật thể của di sản công nghiệp để tạo ra những không gian sáng tạo có giá trị”, KTS Lê Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích chia sẻ.

Nhà máy Cao su Sao Vàng. Ảnh: Việt Linh

Nhà máy Dệt kim Đông Xuân. Ảnh: Việt Linh

Đồng tình với quan điểm trên, KTS Trương Ngọc Lân cho rằng: “Bên cạnh việc xây dựng các khu nhà ở đơn thuần, chủ đầu tư của các khu đô thị đã bắt đầu đi tìm dấu ấn riêng để tạo nên giá trị gia tăng cho công trình của mình. Các không gian sáng tạo sẽ trở thành “hạt nhân”, là điểm nhấn làm nên nét khác biệt, ngoài những giá trị về văn hóa còn mang lại những giá trị gia tăng về kinh tế cho các khu đô thị bởi những lợi ích về văn hóa mà cộng đồng được thụ hưởng”. 

Mặc dù di sản công nghiệp còn là khái niệm khá mới mẻ, nhưng nếu không có cái nhìn đúng đắn về loại hình di sản này để có các biện pháp bảo vệ kịp thời, tương lai không xa, các di sản công nghiệp sẽ chỉ còn trong ký ức của người Hà Nội. Theo KTS Lê Thành Vinh, việc bảo tồn di sản công nghiệp đã có hành lang pháp lý là Luật Di sản, mặc dù trong Luật Di sản không nói cụ thể về di sản công nghiệp nhưng loại hình di sản này vẫn được bảo vệ theo luật với tiêu chí là “công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, thẩm mỹ, khoa học”.

Bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cho rằng: Hà Nội có nhiều điểm sáng và cơ hội sau khi được UNESCO công nhận là Thành phố sáng tạo. “Hà Nội có nguồn lực con người và năng lượng sáng tạo rất lớn. Tuy nhiên, để phát triển Thành phố sáng tạo hơn nữa, Hà Nội cần đẩy mạnh việc tư vấn chính sách, định hình kế hoạch hành động, tăng cường đối thoại với lãnh đạo thành phố để thành lập những tổ tư vấn về chính sách, chiến lược. Chúng tôi cũng kêu gọi các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư hãy công bố những trường hợp điển hình của các di sản công nghiệp để cộng đồng hiểu hơn về việc bảo tồn di sản công nghiệp. Bên cạnh đó, các trường đại học trên địa bàn thành phố cần chú trọng đến việc giáo dục sáng tạo, tạo ra các sân chơi cho các bạn trẻ thông qua các festival sáng tạo để kết nối các trường đại học với các bên liên quan trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Cuối cùng, Hà Nội cần có những mô hình điểm, có sự thử nghiệm và những dự án tiên phong, đặt nó vào dòng chính để tận hưởng các chính sách nhằm khuyến khích sự sáng tạo trong cộng đồng”.

Nhà máy Thuốc lá Thăng Long. Ảnh: Việt Linh

Cũng theo bà Phạm Thị Thanh Hường, việc tiếp cận di sản công nghiệp đòi hỏi cách tiếp cận khác với các loại hình di sản khác, đó là bảo tồn thích nghi mà yếu tố chính là thiết kế sáng tạo. “So với các nước khác, Hà Nội có mật độ dân cư cao, đó là điểm mạnh mà các nước phát triển mơ ước bởi sau khi phát triển không gian sáng tạo tại các di sản công nghiệp cần có người thụ hưởng. Thực tế cho thấy, công năng sử dụng của các không gian sáng tạo tại Hà Nội đã được tận dụng triệt để. Điều đó cho thấy di sản công nghiệp là nền tảng và nguồn lực để Hà Nội phát triển các không gian sáng tạo và trở thành Thành phố sáng tạo hấp dẫn, thú vị trong tương lai”, bà Phạm Thị Thanh Hường nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Di sản công nghiệp Hà Nội: Nguồn lực cho Thành phố sáng tạo