Lan tỏa một nét đẹp văn hóa

Nguyễn Mai| 25/09/2020 06:31

(HNM) - Từ giữa năm 2019 đến nay, xã Yên Sở (huyện Hoài Đức) đã ra mắt và duy trì hoạt động thư viện làng Yên Sở. Thư viện không chỉ góp phần phổ biến tri thức, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người đọc mà còn lan tỏa văn hóa đọc - nét đẹp văn hóa trong cộng đồng cư dân.

Người dân đọc sách tại thư viện làng Yên Sở (xã Yên Sở, huyện Hoài Đức).

Đọc sách để có thêm nhiều thông tin, kiến thức

Đến thư viện làng Yên Sở vào một ngày cuối tuần, điều đầu tiên chúng tôi nhận thấy là nhiều người tới mượn và đọc sách. Trong đó có cả những người cao tuổi, học sinh, sinh viên...

Ông Nguyễn Kim Việt, ở thôn 2, xã Yên Sở là bạn đọc thường xuyên ở thư viện chia sẻ: "Sách thì gia đình nào cũng có nhưng chỉ có thư viện mới tập hợp được nhiều đầu sách. Mỗi khi cần thông tin về một lĩnh vực nào đó trong đời sống xã hội, chúng tôi thường đến thư viện. Từ khi có thư viện, phong trào đọc sách trong cộng đồng được nâng cao, người dân trên địa bàn xã Yên Sở có thêm nhiều thông tin, tri thức...".

Cùng tới thư viện với ông Việt, em Trần Mai Hương, học sinh Trường Trung học phổ thông Hoài Đức A cho biết: “Từ khi thư viện khai trương, em là bạn đọc thường xuyên. Tuy là thư viện làng nhưng có hàng nghìn đầu sách, trong đó, nhiều sách phù hợp với lứa tuổi học sinh. Ngoài đọc tại chỗ, thư viện còn cho mượn sách về nhà nên rất thuận tiện”.

Giới thiệu về thư viện, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Yên Sở Nguyễn Trí Hồng Giang cho biết, xuất phát từ nhu cầu đọc sách của người dân; đồng thời khuyến khích văn hóa đọc trong cộng đồng, xã Yên Sở chủ trương thành lập thư viện và giao cho Đoàn Thanh niên xã triển khai thực hiện. Tháng 7-2019, thư viện chính thức đi vào hoạt động, đặt tại Nhà văn hóa xã Yên Sở. Với căn phòng rộng 40m2, thư viện được trang bị đầy đủ đèn, quạt, bàn, ghế... đặc biệt là tủ sách phong phú với hơn 3.000 đầu sách, bao gồm nhiều thể loại như: Sách lịch sử, chính trị, pháp luật, khoa học, sức khỏe; sách văn học, tiểu thuyết, văn hóa; sách hướng dẫn nội trợ, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt…

Theo Bí thư Đoàn Thanh niên xã Yên Sở Nguyễn Trí Hồng Giang, để có thư viện khang trang thu hút nhiều người đọc như ngày hôm nay, là cả một quá trình với nhiều nỗ lực: Từ thư viện đặt ở đâu, sách báo lấy từ nguồn nào đến làm cách nào để tuyên truyền, huy động được người dân đến thư viện đọc sách... “Để có các đầu sách, báo, ban đầu thư viện huy động từ các nguồn sách liên kết trong “Tủ sách pháp luật” của xã; các đầu báo từ Bưu điện văn hóa xã. Đặc biệt, để làm phong phú tủ sách, đoàn viên thanh niên đã tuyên truyền sâu rộng tới cá nhân và tập thể trong xã tặng sách, báo cho thư viện”, anh Nguyễn Trí Hồng Giang thông tin thêm.

Thông qua các hoạt động tuyên truyền, vận động, kêu gọi ủng hộ, thư viện làng Yên Sở đã được rất nhiều bạn đọc tặng sách, nhờ vậy, số đầu sách, báo ngày một tăng về cả số lượng và chủng loại. Tiêu biểu như anh Nguyễn Hữu Thành ở thôn 3 đã ủng hộ hơn 400 cuốn sách, truyện; Hội Doanh nghiệp của xã ủng hộ bộ sách khoa học trị giá 5 triệu đồng; các anh: Nguyễn Bá Đoan (thôn 6), Nguyễn Khắc Kiên (thôn 2)... tặng giá sách và bộ chữ tên thư viện...

Nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần

Để quản lý thư viện, Đoàn Thanh niên xã đã thành lập Ban Quản lý thư viện, vận động đoàn viên thanh niên đăng ký làm tình nguyện viên. Các tình nguyện viên được phân công tham gia công việc cụ thể: Mở cửa thư viện theo lịch đã đăng ký, vệ sinh thư viện, sắp xếp, phân loại sách và ghi chép nhật ký đọc sách của bạn đọc; đồng thời tuyên truyền văn hóa đọc đến người dân. Hiện nay, thư viện làng Yên Sở đã có hơn 30 tình nguyện viên. “Bản thân tôi là người đam mê đọc sách và mong muốn được truyền tải đam mê đó đến mọi người. Có sách, có tri thức sẽ giúp đời sống văn hóa, tinh thần của người dân trong làng phát triển hơn”, anh Nguyễn Hữu Thành, một tình nguyện viên làm việc tại thư viện cho biết.

Theo Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Yên Sở Nguyễn Đình Khoa, Yên Sở “nhất làng, nhất xã”, nghĩa là một xã nhưng chính là một làng cổ. Xã cũng là địa phương điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới của thành phố Hà Nội. Thư viện không chỉ là địa chỉ giải trí tích cực mà còn là nơi cung cấp cho người dân những kho tàng kiến thức bổ ích, khơi nguồn cảm hứng sáng tạo, có thể áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, lao động, công tác, học tập. Thư viện cũng góp phần nâng cao văn hóa đọc và dân trí cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ ở Yên Sở, từ đó phát huy tinh thần trách nhiệm, năng lực, trí tuệ của mỗi người trong công cuộc xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

Thư viện làng Yên Sở là một nét đẹp văn hóa làng quê, một mô hình cần được nhân rộng, giúp nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, lan tỏa phong trào đọc sách trong cộng đồng. Không chỉ vậy, nơi đây còn trở thành địa điểm tuyên truyền, giáo dục về truyền thống địa phương, qua đó góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa một nét đẹp văn hóa