The lụa La Khê - "Tứ quý danh hương" bây giờ ra sao?

Bài và ảnh: Minh Bắc| 31/07/2020 15:05

(NSHN) - The La, lĩnh Bưởi, chổi Phùng/Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ Bôn... Lụa the La Khê từng được coi là "tư quý danh hương", với chất vải mong manh, mềm mại, mát rượi, không rạn, không nhăn... Để tìm hiểu về sản phẩm thủ công này hiện nay ra sao, chúng tôi tìm đến phường La Khê (quận Hà Đông).

Anh Lê Đăng Toản (tổ dân phố 3, phường La Khê, quận Hà Đông) với công đoạn chuốt sợi, chuẩn bị dệt sản phẩm sa.

Tiếp chúng tôi là một nam thợ dệt, anh giới thiệu tên là Lê Đăng Toản, sinh năm 1974, ở xóm Vườn Rõi, tổ dân phố 3, phường La Khê, quận Hà Đông. Anh Toản chia sẻ: “Chỉ tôi cùng 3 thợ còn gắn bó với nghề này. Chúng tôi làm nghề một phần vì sinh kế, phần vì nghề gắn bó sâu sắc với La Khê; hơn nữa, nghề này nhẹ nhàng, phù hợp với nhiều người, trước đây từng cho thu nhập khá hơn rất nhiều so với nghề nông”. 

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đợt này, hàng tiêu thụ rất chậm nên 3 thợ dệt tạm nghỉ, anh Toản cũng làm việc cầm chừng.

Theo anh Toản, đầu thế kỷ XVII, nghề dệt the, sa nhuộm đen và công nghệ dệt tiên tiến được du nhập vào La Khê. Hồi đó, người La Khê chủ yếu sống bằng nghề canh cửi với các sản phẩm: The, sa, vân, địa, quế, gấm, vóc... mang họa tiết tinh xảo. Ưu điểm của các loại vải này là mỏng, nhẹ nhưng bền đẹp, nên được lựa chọn may trang phục cho tầng lớp quý tộc trong xã hội phong kiến xưa…

Năm 1823, triều đình nhà Nguyễn cho phép lập La Khê thành xưởng dệt cho kinh thành Huế. Lúc này, sản phẩm the lụa cao cấp của La Khê không chỉ được tiêu thụ mạnh trong nước mà còn xuất khẩu sang châu Âu.

Anh Lê Đăng Toản vận hành máy dệt.

Qua nhiều giai đoạn thăng trầm, có lúc lụa the La Khê tưởng như đã biến mất. Cho tới năm 2002, nhờ chính sách khuyến khích khôi phục làng nghề truyền thống của Đảng và Nhà nước cùng quyết tâm gìn giữ làng nghề của nhân dân La Khê, được sự hướng dẫn tận tình của các nghệ nhân cao tuổi trong làng, nghề dệt tơ tằm La Khê từng bước được khôi phục và phát triển. Song, do nhiều yếu tố, nghề dệt the của La Khê vẫn theo chiều hướng “trầm” nhiều hơn “thăng”...

Anh Toản cho biết, thời điểm này, chỉ còn anh theo nghề. Anh thuê thêm 3 thợ dệt the; riêng sản phẩm sa khá khó dệt nên anh đích thân đảm nhận. Với giá bán 700-800 ngàn đồng/mét sa và 300-400 ngàn đồng/mét the, mức thu nhập thợ dệt đạt 200 ngàn đồng/người/ngày…

“Trước đây, mỗi tháng, tôi bán được gần 10 cây the và sa (mỗi cây khoảng 50m vải), lãi gần 1 triệu đồng/cây. Hiện nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên chỉ làm với lượng không nhiều. Sản phẩm chủ yếu tiêu thụ tại chợ làng nghề Vạn Phúc và được khách hàng tới mua tại xưởng”, anh Toản nói. Anh cho biết thêm, dù rất tự hào về nghề truyền thống, mong nghề được khôi phục, phát triển nhưng người dân làng nghề khó theo nghề. Rất nhiều thợ dệt trẻ đã được các nghệ nhân truyền nghề, song vì cuộc sống, họ tạm gác nghề dệt để buôn bán nhỏ hoặc làm nghề khác.

Mong muốn của anh Toản là the lụa La Khê được nhiều khách hàng biết đến để những tâm huyết trong duy trì, phát triển nghề thủ công dệt the lụa ở làng của lớp người như anh Lê Đăng Toản không chỉ tạo thu nhập phục vụ đời sống bản thân và gia đình, mà còn là những nhân tố quan trọng trong nhân cấy nghề ở địa phương.

Trước bối cảnh đô thị hóa mạnh mẽ, La Khê không còn đất đai để canh tác, người dân trong làng xoay đủ nghề làm sinh kế thì dệt the là “gợi ý” khá hay để địa phương cùng các cấp, các ngành chức năng xây dựng chiến lược phục hồi nghề truyền thống. Qua đó, vừa bảo tồn nghề quý, vừa giúp nhiều lao động địa phương có nguồn thu nhập từ nghề khá “nhẹ nhàng” này. Đặc biệt, bên cạnh sự đa dạng loại vải phục vụ ngành may mặc thì chất liệu the, lụa, sa… có nét độc đáo riêng. Đây chính là lợi thế của nghề thủ công truyền thống của La Khê.

Tuy nhiên, để nghề dệt the ở La Khê phát triển, rất cần sự vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành; trong đó, công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người làng nghề yêu nghề, “sống” được với nghề đóng vai trò vô cùng quan trọng. Cùng với đó, việc quảng bá, xây dựng thương hiệu, nâng tầm sản phẩm, giúp the lụa La Khê đạt “sao” trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố Hà Nội cũng là vấn đề rất đáng lưu tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
The lụa La Khê - "Tứ quý danh hương" bây giờ ra sao?