Làng hoa - một cảm hứng Vùng Thủ đô

Hà An| 27/08/2020 12:45

(HNMCT) - Tỉnh Hưng Yên nhìn trên bản đồ ở vị trí trung tâm Vùng Đồng bằng sông Hồng, tiếp giáp với Thủ đô ở phía Tây Bắc. Trong đó, làng hoa Xuân Quan, huyện Văn Giang nằm bên con sông Hồng mềm mại và liền sông, liền thổ với Bát Tràng, Kim Lan, Văn Đức, Đa Tốn của Gia Lâm, Hà Nội. Làng nối làng, sông tiếp sông, câu chuyện về làng hoa mới Xuân Quan đã mở ra cảm hứng sống động về Hà Nội trong mối tương tác với các địa phương của Vùng Thủ đô.

Người dân Xuân Quan chăm sóc hoa tại vườn.

1. Kể từ năm 2012, đất trồng rau màu được chuyển dần sang trồng hoa, Xuân Quan dần được định danh bởi cái tên mới là làng nghề hoa - cây cảnh (gọi tắt là làng hoa).

Với hơn 530ha đất tự nhiên, tương đương với quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Xuân Quan có đến một nửa diện tích dành cho canh tác nông nghiệp, trong đó phần lớn (80%) là đất... nở hoa. Chính quyền địa phương xác định rõ thế mạnh về vị trí địa lý của Xuân Quan là thuộc khu vực trung tâm Vùng Đồng bằng sông Hồng và tiếp giáp với Hà Nội. Người làng hoa vẫn nói sang Hà Nội nhanh hơn vào thành phố Hưng Yên.

Hoa Xuân Quan mang về cho người nông dân từ 55 - 60 triệu đồng/sào/năm. Người lao động từ các nơi về làng hoa làm thuê cũng có thu nhập 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Tầm tháng 10, 11 âm lịch, con đường mới đổ bê tông rộng 7m giữa hai dãy vườn hoa lại tấp nập xe ra vào chở hoa đi Hà Nội và các tỉnh, thành miền Bắc, tấp nập người đi chơi, thăm và mua hoa tại vườn mà đa phần là cư dân từ Hà Nội sang.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Quan Lê Quý Đôn nói vui mà cũng tự hào: “Người Xuân Quan hôm nay đánh xe ô tô ra thăm vườn đã không còn là chuyện hiếm. Bà con trồng và tiêu thụ hoa với tinh thần kinh doanh hoa, cây cảnh gắn với phát triển du lịch làng nghề. Bán bao nhiêu là nói giá bấy nhiêu, người thăm làng hoa có thể thoải mái chụp ảnh, dẫu không mua chủ vườn cũng không thấy phiền lòng. Mỗi năm làng hoa đón nhiều đoàn khách của Hà Nội và các tỉnh, thành khác tới tham quan, giao lưu với làng nghề”.

Quả thật, hoa Xuân Quan bán giá tại vườn, trồng trên giá thể nên dễ vận chuyển, linh hoạt về diện tích. Đến vườn, có khi phải cất giọng mấy lần mới tìm được chủ vườn. Bán mua chuyện trò xởi lởi, dân dã, nghe hương hoa, sắc màu đây đó thật dễ làm người ta vui...

Với thành tựu đạt được và lợi thế trông thấy, Xuân Quan đặt mục tiêu xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, nhà vườn kiểu mẫu, du lịch làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới và về đích nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025... Làng nghề với hơn 1.000 hộ trồng hoa đã tận dụng được phế thải của các cơ sở sản xuất ở nơi khác như xỉ than, trấu, xơ dừa kết hợp với đất tạo giá thể trồng hoa.   

Thế nhưng, cảm hứng chung từ Xuân Quan không chỉ nằm ở làng hoa mà trong thế tương tác với các xã lân cận của hai tỉnh, thành. Con đê không phân biệt làng nọ, tỉnh kia, nó chạy dài và lần lượt mở ra hai bên những làng xóm, bờ bãi. Nơi làm gốm, nơi trồng hoa, trồng rau, trồng cây ăn quả... Thoắt cái ở Hưng Yên, dăm vòng xe có khi đã lại sang Hà Nội. Mùa nhãn chín muộn, xã Bình Minh, Hưng Yên rộn ràng xe tải nhỏ vào thu hoạch. Người từ Hà Nội tham quan các làng nghề rẽ vào một vườn nhãn, mua xong, bà cụ ở vườn nhãn sẽ vội thêm cho khách một chùm nữa vừa bứt rời cây...

Điều thú vị khác, làng hoa không chỉ có sự gắn kết với Hà Nội qua sự gần gũi về vị trí địa lý. Đầu năm, tôi có dịp đi dự đám cưới của cô gái làng hoa Ngọc Hà và chàng trai làng hoa Xuân Quan. Tên cô gái có một chữ trong tên làng hoa và sống trên đất làng hoa xưa của Hà Nội. Như tuổi của làng hoa Ngọc Hà hơn hẳn làng hoa Xuân Quan, cô dâu Hà Nội hơn tuổi chú rể Xuân Quan, mà vẫn thấy trên gương mặt vẻ đẹp trẻ trung, trong trẻo lạ kỳ. Câu chuyện tình yêu không hẳn lạ nhưng đầy cảm hứng giữa đời thường. Một đời thường giản dị và đôi khi cũng thật phi thường...

2. Lịch sử Hà Nội và Hưng Yên đã ghi dấu những chuyến dịch chuyển quan trọng giữa hai vùng văn hóa. Hồi ký Bếp ấm của mẹ của nữ quay phim truyện đầu tiên của điện ảnh Việt Nam Đỗ Phương Thảo là một ví dụ. Đạo diễn, nhà quay phim Đỗ Phương Thảo sinh năm 1940 trong một gia đình gia giáo ở Phố Hiến, rồi làm dâu trong một gia đình nền nếp ở phố cổ Hà Nội. Và với Bếp ấm của mẹ, hai vùng văn hóa đặc sắc mà nhiều đồng cảm là Phố Hiến và Kẻ Chợ đã hiện lên như không thể sinh động hơn về nếp ăn nếp ở, về hồn phố hồn người.

Mạch ngầm đắp bồi qua lại giữa hai vùng đất không chỉ có xưa mà còn có nay, không chỉ một chiều từ Hưng Yên về Hà Nội mà còn có chiều ngược lại. Đa số dân cư sống tại khu đô thị Ecopark, xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, Hưng Yên vốn là cư dân ở Hà Nội và nhiều người ngày ngày vẫn từ Hưng Yên qua sông Hồng sang Thủ đô làm việc. “Cái tổ” mới của cư dân Thủ đô ấy được thừa hưởng cả vùng văn hóa chợ cổ, làng nghề cổ, làng nghề mới đa dạng, đặc sắc của cả hai tỉnh, thành. Nhiều người Hà Nội kinh doanh cây cảnh đều sử dụng nguồn hoa, vật tư phục vụ trồng hoa... tại Xuân Quan, Phụng Công hoặc Bát Tràng, Kim Lan gần đó.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Quan Lê Quý Đôn kể, ngày đầu mới chuyển đổi từ rau màu sang trồng hoa, nhiều hộ ở Xuân Quan chạy xe máy đi thăm các làng hoa lân cận, trong đó có làng hoa Tây Tựu, Hà Nội để học hỏi và tìm hướng đi phát triển làng nghề. Vốn của các “start up” thuở ấy là tinh thần chịu khó, sự nhanh nhạy và khả năng tận dụng lợi thế để đón được nguồn khách hàng tiềm năng ở Thủ đô và các tỉnh phía Bắc.

Người Hà Nội sinh sống ở các nước có dịp về quê cũng tìm đến làng hoa, khi trở lại nơi sinh sống, họ lại mang theo hình ảnh con người và khung cảnh làng quê sinh động của vùng hoa Xuân Quan đi nhiều nơi trên thế giới.

3. Đất lịch sử, đất văn hóa nối liền một dải đê, một dòng sông hứa hẹn mang đến nhiều hơn sự hợp tác chia sẻ để cùng phát triển. Đền Đa Hòa, xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên nổi tiếng với thiên tình sử dân gian về Chử Đồng Tử - Tiên Dung là một trong những điểm đến trong tuyến du lịch sông Hồng từ trung tâm của Hà Nội qua một số di tích của hai tỉnh, thành. Tuy nhiên, tuyến du lịch này cũng chưa khai thác hết các lợi thế du lịch gắn liền với dòng sông lịch sử.

Tháng 6-2019, hội nghị hợp tác, phát triển giữa hai tỉnh, thành phố Hà Nội và Hưng Yên đã diễn ra, là dịp đánh giá lại mối quan hệ hợp tác trên các mặt, từ đó đưa ra định hướng mới nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của hai địa phương, tạo thêm sức bật cho Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Nhiều hoạt động hợp tác đã được chỉ ra, song kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế về khoảng cách địa lý và thế mạnh của từng địa phương. Nói cách khác, dư địa hợp tác phát triển giữa Hà Nội và Hưng Yên còn rất lớn. Trong đó, Hà Nội với vị thế Thủ đô của cả nước, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, có trách nhiệm trong mối quan hệ hợp tác với cả nước, đặc biệt là trong Vùng Thủ đô, Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Đồng bằng sông Hồng.

Với tinh thần đó, tháng 5 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã có Kế hoạch “Triển khai hoạt động hợp tác giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2020 và các năm tiếp theo”. Trong đó, mặt nào hướng nào cũng nhìn ra những tiềm năng hợp tác của Hà Nội với Hưng Yên. Sự hợp tác không chỉ vì những lợi ích hiển nhiên thấy rõ cho nhân dân hai tỉnh, thành mà lớn hơn là cho một Vùng Thủ đô của cả nước. 

Lại sắp một mùa hoa mới ở làng hoa Xuân Quan, khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, lễ hội hoa Xuân Quan lần thứ hai sẽ diễn ra theo kế hoạch vào cuối năm nay...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng hoa - một cảm hứng Vùng Thủ đô