Gìn giữ bản sắc cho đô thị Hà Nội

Hải Miên| 15/08/2020 06:23

(HNM) - Thủ đô Hà Nội đang phát triển từng ngày. Nhiều khu đô thị được quy hoạch chi tiết, chú trọng việc bảo vệ và gìn giữ bản sắc, không gian đô thị. Việc tạo ra bản sắc cho từng không gian đô thị nhỏ sẽ rất quan trọng, bởi từ đây sẽ tạo nên cái hồn cốt độc đáo của cả thành phố.

Một góc Khu đô thị Vinhomes Riverside (quận Long Biên).

Không gian đáng sống

“Đứng” giữa một không gian đẹp, Khu đô thị Sunny Garden City (huyện Quốc Oai) đang thành hình hài, với những cung đường hoa, diện tích cây xanh lý tưởng, cảnh quan thoáng đãng. Dễ nhận ra yếu tố nâng cao chất lượng sống của cư dân khu đô thị chính là mật độ những mảng xanh ở đó.

Tại khu vực Công viên Yên Sở (quận Hoàng Mai), nhất là vào những ngày cuối tuần, người dân khắp nơi tụ về đông đúc, cắm trại, thụ hưởng không gian xanh và mát, càng thấy màu xanh của cây và sự “ngọt mát” của hồ quan trọng biết nhường nào. Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết Khu đô thị ven hồ Yên Sở và khu Công viên Yên Sở (khu B Công viên Yên Sở). Trong tương lai, nơi đây sẽ hình thành một đô thị mới tạo điểm nhấn ở cửa ngõ phía Nam của Thủ đô, với chức năng công viên cây xanh văn hóa, nghỉ ngơi giải trí và công cộng đô thị, đa dạng hóa các loại hình nhà ở (nhà ở thương mại, nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội), bảo đảm phát triển ổn định, bền vững.

Ngược lên Đông Anh, hẳn nhiều người sẽ cảm nhận thấy vùng đất ngoại thành này đang phát triển, mang sắc thái rõ nét của nhiều làng ven đô đang trong quá trình đô thị hóa. Ngày 24-7 vừa qua, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã phối hợp với UBND huyện Đông Anh và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội công bố quy hoạch của 3 phân khu đô thị N5, N7, N8 (tỷ lệ 1/5.000) trên địa bàn huyện. Theo quy hoạch, nhiều xã sẽ trở thành “vùng xanh” với chức năng điều hòa không khí chứ không phải chỉ có mục đích phát triển các khu dân cư.

Kể từ khi mở rộng địa giới hành chính, diện tích đất tự nhiên của Hà Nội tăng gấp hơn ba lần. Cũng từ đó, nhiều khu đô thị mới mọc lên, có hồ nước, cây xanh được trồng theo quy hoạch, tạo diện mạo cho hình ảnh của Thủ đô phát triển, như: The Manor, Mỗ Lao, Mỹ Đình, Gamuda, Ciputra, Vinhomes Riverside, Times City… Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, đến nay thành phố đã phê duyệt 57/68 đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, phủ kín gần 90% diện tích tự nhiên; triển khai lập và hoàn thành phê duyệt 26/35 đồ án quy hoạch phân khu đô thị trung tâm, 4/5 đồ án quy hoạch đô thị vệ tinh… Những đồ án quy hoạch này đã giúp hoàn thiện công cụ quản lý từ cơ sở đến thành phố, kiểm soát đầu tư và kêu gọi đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Theo PGS.TS Phạm Hùng Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, từ khi mở rộng địa giới hành chính, không gian đô thị Hà Nội đã được quy hoạch chi tiết ở từng phân khu, từ đó tạo ra những sắc màu mới của một thành phố có bề dày văn hóa và truyền thống lịch sử.

Tạo dấu ấn từ bản sắc

Thực tế trên địa bàn Hà Nội có khu đô thị được quy hoạch là đô thị kiểu mẫu, đáng sống nhưng đã bị điều chỉnh quy hoạch nhiều lần. Kết quả là, không gian khu đô thị bị nhồi nhét quá nhiều tòa cao ốc, ngột ngạt, thiếu hạ tầng giao thông công cộng, quá tải dân cư, dẫn đến ô nhiễm môi trường, tắc đường...

Là người có nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực đô thị, PGS.TS Phạm Hùng Cường chỉ ra, có những khu đô thị bị điều chỉnh quy hoạch, không tuân thủ quy hoạch dẫn đến thiếu mảng xanh, thiếu diện tích mặt nước, mới chỉ chú ý đến công năng sử dụng mà chưa quan tâm đến dấu ấn bản sắc. Khi những yếu tố văn hóa làng ven đô được bảo tồn sẽ tạo được bản sắc cho từng không gian đô thị nhỏ. Từ những không gian đô thị nhỏ ấy sẽ tạo nên cái hồn cốt độc đáo của cả đại đô thị. “Các chính sách phát triển, quy hoạch không gian đô thị cần phải được đưa ra bàn thảo, lấy ý kiến cộng đồng rộng rãi hơn. Bởi cộng đồng là thành tố góp mặt trong đô thị, vừa là người góp phần kiến tạo và thụ hưởng các không gian ấy”, PGS.TS Phạm Hùng Cường nhấn mạnh.

Cũng theo nhiều chuyên gia kiến trúc, xây dựng, Hà Nội là một thành phố phức hợp, do nhiều bộ phận cấu thành trong quá trình diễn tiến lịch sử hàng nghìn năm, từ nhiều mảng phố thị ghép lại với nhau để tạo nên những khu phố mang bản sắc riêng biệt.

Cách đây hàng chục năm đã có nhiều đoàn chuyên gia nước ngoài đến tìm hiểu về “Ba mươi sáu phố phường”. Họ quan tâm bởi đây là một trong những khu vực cuối cùng của châu Á còn giữ được kết cấu và dấu tích lịch sử trong sự phát triển. Nhiều chuyên gia, du khách nước ngoài đến Hà Nội vì thích những con phố “thâm nghiêm rợp bóng cây” với những hàng cổ thụ gốc rễ xù xì, tích tụ nắng mưa cả trăm năm và những ao hồ, sông rạch, tất cả làm nên vẻ đẹp đặc trưng, tạo nên bản sắc riêng biệt của thành phố nghìn năm tuổi. 

Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, người có nhiều năm nghiên cứu về đô thị, cho rằng: “Hà Nội với ba mươi sáu phố phường, hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, khu Hoàng thành Thăng Long… đã đi vào lòng người dân Việt. Hồn của Hà Nội là ở những địa danh này. Hà Nội cũng gìn giữ được những mảng tường, góc phố làm nên bản sắc. Đô thị Hà Nội là nơi gắn kết giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, tiếp nối tiến trình lịch sử. Hà Nội cũng là ký ức tập thể của một xã hội, là lịch sử gắn kết cư dân một cộng đồng, kinh qua kinh nghiệm một lối sống, nền văn hóa và môi trường chung mang nét thuần Việt”.

Với sự nắng nóng gay gắt vào mùa hè, mật độ dân số tăng như hiện nay, hay những diễn biến bất thường của dịch bệnh, yếu tố xanh của một đô thị là di sản cần được phát triển. Việc Hà Nội hoàn thành sớm chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh (được phát động từ năm 2016) đã làm xanh hóa nhiều đường phố mới, cải thiện phần nào môi trường ô nhiễm trong nội đô, đó là một thái độ ứng xử với đô thị rất tích cực, nhân văn.

Theo kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hà Nội cần kiên quyết quy hoạch các khu đô thị mới trở thành đô thị xanh, góp phần hình thành rõ nét hơn lối sống xanh trong đô thị. Phải có kế hoạch hồi sinh các dòng sông như sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu hay các hồ, đầm đang bị ô nhiễm nguồn nước, đe dọa các loài thủy sinh. Cùng với đó, thành phố cần khuyến khích, tạo điều kiện để người dân chủ động tham gia quy hoạch ngôi nhà của chính họ, trồng cây, hoa trên ban công, trên mái nhà, tận dụng tối đa vật liệu không nung trong xây dựng công trình…

Xét cho cùng, đô thị và không gian đô thị sẽ là di sản mang đậm dấu ấn thời đại. Con người vừa quy hoạch không gian đô thị, vừa sáng tạo ra bản sắc của di sản. Để có đô thị đáng sống, đô thị xanh, cần lắm sự cộng đồng trách nhiệm của những người yêu Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gìn giữ bản sắc cho đô thị Hà Nội