Những nẻo đường phát triển

Tuấn Lương| 08/08/2020 06:51

(HNM) - Hà Nội đã thay đổi rất nhiều sau gần 3 thập niên kể từ ngày lứa sinh viên ngoại tỉnh chúng tôi về Thủ đô nhập học rồi ở lại lập nghiệp cho đến tận bây giờ. Những nẻo đường Hà Nội của một thời chưa xa ấy đã trở thành những ký ức khó phai, nhưng thực sự là những chỉ dấu cho sự phát triển không ngừng…

Đường Lý Sơn (quận Long Biên) đoạn qua cầu Đông Trù rộng rãi, thông thoáng nối vào đường Trường Sa (huyện Đông Anh). Ảnh: Đỗ Tâm

Những con đường ký ức

Hà Nội của một thời chưa xa, những năm 1992-1993 chỉ như mới thoáng qua thôi. Trong ký ức của nhiều sinh viên Đại học Tổng hợp ngày ấy, Hà Nội dường như nhỏ hẹp lắm, chỉ quanh quẩn từ cầu Trắng (Hà Đông) lên đến Ngã Tư Sở. Đám sinh viên “nhà quê” chúng tôi hầu hết đều nghèo, đứa khá cũng chỉ có chiếc xe đạp cà tàng. Thỉnh thoảng, tranh thủ ngày chủ nhật, cả nhóm lại đạp xe lên hồ Hoàn Kiếm hoặc xa hơn chút là hồ Tây, hoặc sang ký túc xá các trường đại học Bách khoa, Xây dựng, Thủy lợi, Sư phạm Hà Nội 1 (nay là Đại học Sư phạm)… thăm bạn bè cùng quê. Nhưng có đi xa lắm thì cũng chỉ cách cổng Trường Đại học Tổng hợp độ chục cây đổ lại, bởi đi xa quá, nếu xe hỏng thì không kịp về ký túc xá.

Trong ký ức của chúng tôi, những con đường to nhất Hà Nội thời ấy nhất định là Nguyễn Trãi, Trường Chinh. Bên cạnh đó là kỷ niệm về những con đường mà giờ đây hầu như không còn vết tích hoặc quá khác so với gần 3 thập niên trước.

Hồi ấy, thỉnh thoảng, cả đám sinh viên nam hùng hục đèo nhau trên con đường bê tông gồ ghề nối từ đường Nguyễn Trãi sau đó men theo đường đất xuyên qua những cánh đồng vuông vức chạy mãi sang đường Xuân Thủy để thi đấu bóng đá với sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1, “kèo” thắng - thua chỉ là suất cơm ký túc xá. Con đường đó bây giờ chính là trục đường Vành đai 3 Khuất Duy Tiến - Phạm Hùng to, rộng chạy thẳng một mạch đến cầu vượt Mai Dịch rồi kéo dài qua cầu Thăng Long đi sân bay Nội Bài. Ngày ấy, đó là con đường nhanh nhất và tiết kiệm sức nhất, thay vì đạp theo lộ trình từ Nguyễn Trãi lên Ngã Tư Sở, rẽ trái đi hết đường Láng rồi tiếp tục rẽ trái đi dọc Cầu Giấy - Xuân Thủy.

Các thế hệ sinh viên giai đoạn sau này chắc khó có thể tưởng tượng được là, phố Chùa Bộc sầm uất bây giờ mới chỉ gần 30 năm trước là con đường bé xíu, bám sát 2 bên là những ruộng rau, ao thả cá. Chỗ đất ao, đất trồng rau ấy đã được lấp đi một phần để mở đường, một phần để làm dãy nhà mặt phố như bây giờ. Khu đất xây dựng siêu thị Parkson đầu phố Thái Hà (đối diện là Nhà máy Xe đạp Thống Nhất) từng là nút “thắt cổ chai” nổi tiếng tắc đường của Hà Nội. Sau này, khi thành phố mở đường, nút “cổ chai” bị phá bung ra thì trục Thái Hà - Chùa Bộc mới bon bon xe chạy… Hay phía cuối đường Nguyễn Chí Thanh đoạn cắt ra đường Láng hồi ấy cũng là một nút “thắt cổ chai” mang tên phố Láng Trung. Cánh sinh viên Trường Đại học Pháp lý (nay là Trường Đại học Luật Hà Nội), Đại học Giao thông - Vận tải ở trong ký túc xá ngày nào cũng phải len lỏi qua con phố này.

Lại nhắc đến con đường qua cầu Thăng Long đi sân bay Nội Bài. Mãi đến cuối năm 1997, lúc đã tốt nghiệp đại học, trong lớp tôi có đứa đi nước ngoài học tiếp, đám bạn thân thiết đi tiễn mới biết cái sân bay ở đâu. Đấy cũng chính là lần đi xa nhất của tôi (tính từ cổng Trường Đại học Tổng hợp). Ngày ấy, qua cầu Thăng Long chính là con đường nhanh nhất từ hầu hết các khu vực trong thành phố để đến sân bay Nội Bài. Đường rất gồ ghề, nhiều đoạn ổ “gà”, ổ “trâu” khiến người và xe nảy tưng tưng khi đi qua. Đường xấu, đoạn hai đầu cầu Thăng Long lại hay tắc nên phải đi rất sớm nếu không muốn rơi vào cảnh “máy bay ơi, dừng lại đợi tôi với!”. Còn một con đường khác sang sân bay là đường qua cầu Chương Dương, sang cầu Đuống rồi cứ thế đi theo quốc lộ 3 đến Phù Lỗ (huyện Sóc Sơn) rẽ sang quốc lộ 2 đến sân bay khá nhỏ hẹp mà mãi sau này khi đi làm, gắn bó với ngành Giao thông tôi mới có dịp trải nghiệm.

Kết nối và lan tỏa

Những nẻo đường Hà Nội bây giờ to và đẹp, khác xa so với những ngày chúng tôi còn ngồi trên ghế giảng đường. Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29-5-2008 của Quốc hội “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan” đã đem đến nhiều cơ hội để Thủ đô Hà Nội phát triển vượt bậc hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông khang trang, hiện đại, từng bước kết nối đồng bộ giữa các khu vực, địa phương với nhau.

Chỉ tròn 10 năm sau ngày “điều chỉnh địa giới hành chính”, chỉ tiêu diện tích đất dành cho giao thông đã tăng khoảng 0,28% diện tích đất đô thị/năm. Thành phố đã hoàn thành được 223km đường mới, trong đó, những tuyến đường Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 3 liên tục được đầu tư mở rộng và dần khép kín, đồng thời với việc nghiên cứu quy hoạch triển khai Vành đai 4, Vành đai 5 để kết nối Hà Nội với các địa phương trong vùng Thủ đô.

Nếu như ngày trước, từ trung tâm Hà Nội lên sân bay Nội Bài chỉ có cách qua cầu Thăng Long hoặc cầu Chương Dương với hành trình 90-120 phút thì nay chỉ còn 35-40 phút. Như tuyến đường qua cầu Nhật Tân rồi cứ thế theo đường Võ Nguyên Giáp thẳng tắp đến sân bay Nội Bài. Hay đi theo hướng đường 5 kéo dài qua cầu Đông Trù rộng rãi rồi hòa vào đường Võ Nguyên Giáp để lên sân bay cũng rất thông thoáng. So sánh với các nước trong khu vực ASEAN thì cũng không thua kém, nếu không muốn nói là hơn. Những thành tựu trong lĩnh vực giao thông của Hà Nội không chỉ khiến các cán bộ ngành Giao thông - Vận tải tự hào mà còn khiến người dân Thủ đô yên tâm, tin tưởng về một thành phố đang phát triển mạnh mẽ!

Không thể không nhắc đến một điểm sáng khác trong “bức tranh” giao thông Thủ đô, đó là các tuyến cao tốc kết nối giao thương, đưa Hà Nội gần hơn với các tỉnh, thành lân cận và ngược lại. Có thể kể ra tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Bắc Giang, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Hà Nội - Hòa Bình... Thành phố Hà Nội đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ, sớm kết nối và khơi thông từng dự án. Giao thông đi trước mở đường, giao thương tiếp nối thuận lợi, đời sống dân sinh, văn hóa xã hội cũng ngày một khởi sắc…

Ùn tắc giao thông là một “căn bệnh” khó tránh trong quá trình phát triển. Liệu có mấy thủ đô trên thế giới này không phải chịu cảnh tắc nghẽn vào các khung giờ cao điểm. Không tin hãy thử hỏi “ông Gúc - gồ” xem Mátxcơva (Nga), Paris (Pháp), Seoul (Hàn Quốc) hay gần hơn là Bangkok (Thái Lan), Jakarta (Indonesia)…, xem tình trạng ách tắc giao thông vào giờ cao điểm ở những nơi đó thế nào?! Điều quan trọng là Hà Nội đã và đang quyết liệt triển khai các nhóm giải pháp đồng bộ để giải quyết “bài toán” ùn tắc, từ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; điều chỉnh giờ học, giờ làm; phát triển vận tải hành khách công cộng... Có một con số biết nói sau những nỗ lực này, ấy là vào năm 2010 toàn thành phố có 124 điểm ùn tắc thì nay chỉ còn hơn 30 điểm.

Hãy cởi mở lòng mình, chúng ta hẳn sẽ thấy mỗi nẻo đường Hà Nội đều ẩn chứa trong nó những “câu chuyện” của một Thủ đô đang chuyển mình mạnh mẽ…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những nẻo đường phát triển