Đánh thức ''nàng Tây Thi''

Văn Ngọc Thủy| 31/07/2020 06:49

LTS: Vào thế kỷ XIX, Chu Thần Cao Bá Quát từng tức cảnh thốt lên: "Tây Hồ chân cá thị Tây Thi" (Hồ Tây đích thực là nàng Tây Thi) để khẳng định vẻ đẹp khó cưỡng của cảnh sắc hồ Tây. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, hồ Tây luôn là góc lãng mạn nhất của bức tranh Hà Nội, là khoảng mênh mông huyền thoại mà người đi xa luôn muốn tìm về. Và những nỗ lực của người Hà Nội hôm nay đang đánh thức tiềm năng, giá trị hồ Tây để phục vụ cho sự phát triển bền vững của Thủ đô ngàn năm tuổi.

Hồ Tây đã thay đổi sau nhiều năm nhưng vẫn giữ được bản sắc vốn có. Ảnh: Nguyễn Quang

Bài đầu: “Áo mới” cho hồ Tây

Với mong muốn cho thế hệ mai sau biết người Hà Nội hôm nay đã trân trọng, gìn giữ vẻ đẹp của “nàng Tây Thi” như thế nào, một “tấm áo mới” đang dần hình thành để hồ Tây không chỉ lung linh cảnh sắc mây trời, mà còn thu hút du khách bởi những công trình văn minh, hiện đại, hài hòa bản sắc.

Vẻ đẹp huyền ảo, lãng mạn

“… Sắc rờn rờn nhuộm thức xanh lam, ngỡ động bích nổi lên dòng leo lẻo/ Hình lượn lượn uốn vòng trăng bạc, tưởng vầng ngân rơi xuống mảnh nhò nhò/ Dư nghìn mẫu nước trời lẫn sắc/ Trải bốn bên hoa cỏ nhiều mùa…”.

Chẳng phải vô cớ mà bài thơ Tụng Tây Hồ phú của Nguyễn Huy Lượng đã tạo nên cơn sốt bút mực hồi đầu thế kỷ XIX khi cư dân Thăng Long ai cũng muốn chép lại những lời cẩm tú ca ngợi vẻ đẹp huyền ảo, lãng mạn của hồ Tây.

Còn được người xưa gọi bằng những cái tên Dâm Đàm, Lãng Bạc, Kim Ngưu, Xác Cáo..., qua nhiều thăng trầm lịch sử, tên gọi hồ Tây - hồ nằm phía Tây thành phố, được giữ đến hôm nay.

Năm 1995, quận Tây Hồ được thành lập với 8 phường: Bưởi, Thụy Khuê, Yên Phụ, Nhật Tân, Quảng An, Tứ Liên, Xuân La, Phú Thượng, bao gồm trọn vẹn hồ Tây và những làng nghề “vang bóng một thời” như làng giấy Yên Thái, làng dệt lưới Nghi Tàm, làng chài Võng Thị, làng trồng dâu nuôi tằm Nhật Chiêu, làng thợ nề Yên Phụ, làng đúc đồng Ngũ Xã, làng hoa Quảng Bá… Theo thời gian, không ít nghề xưa đã mai một, nhưng may mắn thay các địa danh làng cũ vẫn được lưu giữ, được đặt tên cho các đơn vị hành chính mới, con đường, tuyến phố mới, cùng với những công trình hiện đại đang ngày càng làm nên diện mạo mới cho vùng đất hồ Tây.

Làm thế nào để “kéo” hồ Tây gần hơn nữa với cuộc sống hôm nay mà không làm mất bản sắc vốn có luôn là nỗi trăn trở thường trực của lãnh đạo quận Tây Hồ qua các thời kỳ. Và như Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Đỗ Anh Tuấn khẳng định, trong vô vàn những công việc quan trọng để giữ gìn vẻ đẹp của hồ Tây, quan trọng hơn cả là diện tích mặt nước phải được bảo vệ trọn vẹn nhất có thể.

Câu chuyện của lãnh đạo quận gợi ký ức cách đây 10 năm, khi dự án kè hồ, làm đường dạo quanh hồ Tây khánh thành đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Dự án không chỉ mang lại diện mạo mới cho cảnh sắc hồ Tây, mang lại “tấm áo mới” cho “nàng Tây Thi” - vốn lâu nay bị xâm lấn, nhem nhuốc bởi lịch sử sử dụng đất ven hồ - mà còn biến ước mơ đi trọn vẹn một vòng hồ của rất nhiều người Hà Nội trở thành hiện thực. Không chỉ là niềm vui khi đặt chân lên con đường thảm nhựa phẳng phiu dài 17km không có điểm mở đầu hay kết thúc, mà còn là sự thanh thản, an tâm khi biết rằng hồ Tây sẽ không còn bị xâm phạm. Những bức tường bê tông xám xịt, những ngôi nhà tạm bợ nhếch nhác, những hàng quán ồn ã đã bị tách khỏi thế giới tâm linh huyền thoại với những ngôi chùa, mái đình uy nghi, cổ kính…

Gìn giữ giá trị của hồ Tây

Sau 10 năm, con đường ngày càng phát huy giá trị, mang hồ Tây đến gần hơn với người Hà Nội, với du khách gần xa khi ai cũng có thể chạy bộ hay đạp xe tận hưởng không khí thoáng đãng, thong dong khám phá kho huyền tích ẩn chứa sau lớp lớp sóng bạc ngàn năm. Con đường ấy sẽ dẫn du khách đến đôi rồng đá đã trở thành biểu tượng của hồ Tây, cùng với 32 di tích lịch sử trên địa bàn quận mà hơn 2/3 trong số đó đã được xếp hạng cấp quốc gia. Theo bước chân du khách, những đền đài, miếu mạo cổ kính tiếp tục kể những câu chuyện ngàn năm của mình…

Bảo vệ “đất” rồi đến bảo vệ “nước” hồ Tây đều là những công việc gian nan. Còn nhớ, năm 1998, dự án “Nâng cao chất lượng nước hồ Tây” được khởi động với số vốn “khủng” 32 triệu USD do Chính phủ Áo tài trợ dưới dạng vốn ODA (viện trợ phát triển chính thức). Nội dung dự án bao gồm xây dựng hệ thống thu gom nước thải của các khu vực xung quanh hồ Tây và gây tranh cãi nhất là giải pháp “thay nước hồ Tây bằng nước sông Hồng” một năm ba lần.

Thời điểm ấy đã có ý kiến khôi hài rằng thay nước hồ Tây bằng nước khoáng Lavie có lẽ cũng không tốn kém đến thế, chưa kể tiền lãi sau 15 năm đến hạn phải trả lên tới cả chục triệu đô la Mỹ… Quan trọng nhất là việc thay nước sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên phong phú của hồ Tây cũng như tác động đến vùng “địa linh” của Thủ đô. Hơn nữa, theo tính toán của các nhà khoa học, nước hồ Tây không ô nhiễm đến mức cần thay bỏ hoàn toàn. Và sau nhiều cân nhắc cẩn trọng, dự án này đã không được triển khai.

Cần nói thêm, hồ Tây với diện tích đủ lớn, địa tầng đặc biệt có thể tự làm sạch nước bằng thẩm thấu, phát tán và bốc hơi. Nhưng song hành với sự phát triển, nhất là việc tăng dân số cơ học, sự tác động của tạp chất, hóa chất đã khiến hệ sinh thái thay đổi theo thời gian, đòi hỏi cần đầu tư một cách có hiệu quả việc xử lý nước mặt, nước thải. Hiện tượng cá chết hàng loạt, cho dù vì bất kỳ nguyên nhân nào, cũng là lời cảnh báo về tình trạng ô nhiễm môi trường nước hồ Tây.

Từ năm 2010, thành phố đã đầu tư trên 600 tỷ đồng xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải hồ Tây với công suất 15.000m3/ngày/đêm, sử dụng phương pháp sinh học hiếu khí bùn hoạt tính tuần hoàn. Sau khi hoàn thiện dự án hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Tây, toàn bộ nước thải đã được thu gom xử lý. Theo khảo sát mới nhất, hiện 32 cống thoát nước đổ ra hồ đều là cống thoát nước mặt (nước mưa), chất lượng nước hồ Tây nhờ đó được cải thiện rõ rệt.

Có thể kể thêm rất nhiều việc người Hà Nội hôm nay đã làm để gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa - lịch sử của hồ Tây. Trong đó, theo Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Đỗ Anh Tuấn, như là mối nhân duyên khi sau 10 năm kể từ ngày khởi công vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đến nay, Dự án xây dựng đường Văn Cao - Hồ Tây đã hoàn thành, nối thông trục Đại lộ Thăng Long - Nguyễn Chí Thanh với hồ Tây. Con đường đẹp nhất nhì Thủ đô mang tên người nhạc sĩ tài hoa ngoài việc phục vụ giao thông còn có một ý nghĩa quan trọng khác là tạo thêm không gian, cảnh quan mới cho hồ Tây.

Một tuyến phố bình yên, lãng mạn khác là phố Trịnh Công Sơn cũng trở thành tuyến phố đi bộ đầu tiên bên bờ hồ Tây. Phố đi bộ Trịnh Công Sơn được tạo thêm điểm nhấn riêng cho mình, đó là không gian nhạc Trịnh với những hình ảnh ngôi nhà xưa, mái ngói cũ và những giọng ca mộc mạc, gần gũi. Quan trọng hơn cả là nhờ nằm sát hồ Tây thơ mộng, không khí trong lành cùng hương sen thơm nồng mà cái oi ả mùa hè của Hà Nội như dịu lại trên con phố này...

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh thức ''nàng Tây Thi''