Khát vọng thành phố bên sông

Hoài Anh| 02/08/2020 10:01

(HNMCT) - Câu chuyện quy hoạch thoát lũ, quy hoạch bãi sông Hồng ở Hà Nội mới đây lại được đưa ra bàn thảo, cho thấy quyết tâm của Thành phố trong việc biến ý tưởng xây dựng đô thị hiện đại hướng ra sông Hồng, soi bóng xuống sông Hồng thành hiện thực để thỏa mãn khát vọng về một Thủ đô ngàn tuổi phát triển, chung sống hài hòa, bền vững với thiên nhiên.

Sông Hồng nhìn từ trên cao.

1. Nhà bạn tôi ở bãi sông Hồng, sát gầm cầu Chương Dương. Quãng giữa những năm 80 thế kỷ trước, đám mới lớn chúng tôi có cái thú lạ đời, cứ mùa lụt lại đến nhà bạn, ở trên gác xép vài ngày để được “sống chung với lũ”.

Vùng bãi sông Hồng ngày ấy chưa đông đúc, chật chội như bây giờ. Phần lớn là nhà cấp 4, phía trước là mảnh sân, một góc quây lại làm bếp, nhà vệ sinh, chuồng lợn. Mùa lụt, các gia đình thường sơ tán vào mấy trường học trong đê hoặc che nilon trú ngay trên mặt đê, trừ người ở những nhà 2 - 3 tầng “bám trụ” trên gác.

Năm đó nước to nhưng bạn tôi bảo chưa bằng trận lụt năm 1971. Không được tận mắt chứng kiến trận “đại hồng thủy” năm ấy khủng khiếp mức nào, nhưng chị họ tôi lấy chồng ở Phúc Tân, năm 1984 mới sinh con vài ngày đã phải “chạy lụt”. Trắng đêm ngâm nước sơ tán đồ đạc, chị đổ bệnh, chạy chữa mấy năm mới lại người... Nghe bạn kể tôi nhớ lại chuyện ấy và nhìn dòng nước ngầu đỏ cuồn cuộn mà tự hỏi sao khổ thế mà người ta vẫn ở, vẫn chen chúc bám lấy dòng sông?

2. Khởi nguồn từ cao nguyên Vân Nam (Trung Quốc) với chiều dài hơn 1.100 cây số (đoạn chảy qua 9 tỉnh, thành phố ở Việt Nam gồm Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình dài 510km), sông Hồng được bổ sung nước sông Đà, sông Lô tại ngã ba Hạc trước khi đổ ra cửa biển Ba Lạt. Mỗi năm sông hòa vào hàng trăm tỷ mét khối nước của mình hàng trăm triệu tấn phù sa nên nước ngầu đỏ mà thành tên.

Ngàn vạn năm “trôi cát dưới chân làng quê”, sông Hồng bồi đắp, kiến tạo nên đồng bằng và mở mang bờ cõi nên người Việt xưa gọi là sông Cái - sông Mẹ. Song phải đến khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La, đặt tên là Thăng Long thì châu thổ sông Hồng mới thực sự thành cái nôi của nền văn minh Đại Việt. Bao làng mạc, thị thành hình thành bên sông, cư dân bao đời vun đắp mỹ tục, sáng tạo kho tàng di sản vật thể, phi vật thể và trân trọng, gìn giữ. Sông Hồng cũng chứng kiến những chiến thắng lẫy lừng trước kẻ thù ngoại xâm. Không chỉ là nguồn cung cấp nước cho sự sống, là tuyến giao thương huyết mạch, sông Hồng còn là dòng chảy sử thi, văn hóa trong tâm thức người Việt.

Thế nhưng sông Hồng cũng hung dữ, trái tính. Vào mùa mưa, nước lũ từ thượng nguồn đổ về thường gây ngập lụt đồng bằng. Truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh đã huyền thoại hóa cuộc đấu tranh quyết liệt với “giặc nước” từ thời thượng cổ, nói lên khát vọng trị thủy của người Việt.

Nhận rõ sức tàn phá của lũ lụt, các triều vua Đại Việt đã cho đắp đê ở hai bên sông Hồng. Năm 1108, nhà Lý đắp đê Cơ Xá từ Nghi Tàm, Yên Phụ xuống tới Nguyễn Khoái, Lương Yên ngày nay. Các vương triều sau tiếp tục cho đắp đê ở Hà Tây, Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình... Suốt hơn một ngàn năm qua, hệ thống đê sông Hồng thường xuyên được tu bổ, gia cố.

Không tính được công sức của bao thế hệ đã kiến tạo nên hệ thống “tường thành” hàng nghìn cây số chạy nhằng nhịt khắp châu thổ để bảo vệ bách tính, mùa màng. Nhưng cũng không thể lường hết sự hung hiểm của thiên nhiên. Năm 1078, triều Lý Nhân Tông, nước tràn vào Thăng Long gây ngập lụt. Năm 1243, triều Trần Thái Tông, nước lụt phá vỡ tường thành Đại La. Năm 1630, triều Lê Thần Tông, “mùa thu tháng 8 nước sông Nhị tràn vào, nước chảy trên đường phố Cửa Nam như thác, phố phường nhiều người chết đuối”...

Thế kỷ XX, Đồng bằng sông Hồng và Hà Nội hứng chịu hàng chục trận lũ lụt. Đặc biệt là trận lũ lịch sử tháng 8-1971. Mưa to, bão lớn khiến mực nước sông Hồng ở Hà Nội ngày 20-8 năm đó lên đến 14,13m (cao hơn mức báo động 3 là 2,63m). Hầu hết khu vực ngoài đê từ Nhật Tân xuống Thanh Trì ngập úng. Mưa lũ gây vỡ đê tại nhiều điểm ở miền Bắc, làm úng ngập 250.000ha, ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 2,7 triệu người, làm chết khoảng 100.000 người, thiệt hại vật chất 70 triệu đồng (tương đương 10.000 tỷ đồng hiện nay). Cơ quan Quản trị Hải dương và Khí tượng Hoa Kỳ đánh giá trận lụt năm 1971 đó đứng thứ hai trong danh sách thảm họa thiên tai, sau trận lụt năm 1931 trên sông Dương Tử (Trung Quốc) làm gần 3,7 triệu người thiệt mạng...

Quãng hai chục năm trở lại đây sông Hồng cạn dòng, hiền hòa hơn. Lần gần nhất vùng bãi nội đô bị lụt đâu như năm 1996. Phải chăng nhờ có các hồ chứa thủy điện được xây dựng trên thượng nguồn?

3. Ngoài cư dân các làng mạc “ăn đời ở kiếp” ven sông, trong ngàn năm lịch sử của Hà Nội bãi sông Hồng luôn là “đất hứa” với di dân tứ xứ, nhất là khoảng dăm chục năm nay. Ban đầu ở trọ, có chút vốn thì mua đất, dựng lều rồi dành dụm xây nhà. Đất bãi mênh mang được bồi đắp phù sa màu mỡ trở thành vườn đỗ, vườn rau, bãi ngô nuôi sống bao con người.

Những năm 60 - 70 thế kỷ trước, nhiều hộ dân phố đi xây dựng kinh tế miền núi, không trụ nổi lại kéo về bãi sông tá túc rồi định cư. Nhiều khu tập thể đóng ở bãi sông, trở thành nơi cư trú của hàng chục nghìn người. Theo số liệu điều tra do Viện Quy hoạch - Xây dựng Hà Nội thực hiện cách đây 4 năm, dân số vùng bãi trong phạm vi quy hoạch Phân khu đô thị sông Hồng (thuộc địa giới 13 quận, huyện, bên hữu ngạn tính từ Đan Phượng xuống Thường Tín, tả ngạn từ Mê Linh kéo về Gia Lâm) có 228.860 người, tập trung nhiều ở các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng...

Mấy ngàn năm như dải lụa ôm lấy Tống Bình - Đại La - Thăng Long - Hà Nội (nhờ thế mà thành tên Hà Nội - thành phố trong sông), nhưng chỉ đôi chục năm gần đây sông Hồng thành trục trung tâm, chảy giữa lòng thành phố. Đó là một sự đổi thay kỳ diệu. Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định sông Hồng là trục không gian chủ đạo của thành phố. 

Song, như Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã nhận định: “Nhìn trên máy bay xuống hay đi tàu bè qua thấy hai bên bờ sông Hồng như vậy thì Thủ đô làm sao phát triển được”. Những cây cầu mới được xây dựng, “cõng” theo nhiều khu đô thị hiện đại vươn sang bên kia sông nhưng lại bỏ qua vùng bãi nội đô rộng lớn dưới chân mình. Dù nhiều nhà tầng khang trang đã thay thế nhà cấp 4 lụp xụp nhưng nhìn chung vùng bãi vẫn nhếch nhác, lộn xộn bởi thiếu bàn tay quy hoạch. Phải chăng thành phố vẫn chưa mặn mà với “mặt tiền” của mình, con người vẫn hờ hững trước một tài nguyên vô giá mà thiên nhiên ban tặng?

Thực tế thì vấn đề chỉnh trị sông Hồng, quy hoạch vùng bãi để xây dựng thành phố văn minh, hiện đại bên sông, đồng thời giải tỏa gánh nặng cho nội đô đã được nêu ra từ hơn hai chục năm trước. Không ít ý tưởng khai thác phát triển đô thị, cảnh quan bên sông Hồng và cả vùng bãi giữa được nghiên cứu, trong đó kinh nghiệm phát triển sông Hàn của thành phố Seoul của Hàn Quốc được xem là một hình mẫu đáng học hỏi... Thế nhưng tất cả vẫn dừng ở ý tưởng, bởi “vướng” ở vấn đề thoát lũ. Nỗi băn khoăn càng lớn khi con người ngày càng cảm nhận rõ sự giận dữ của thiên nhiên trước những biến đổi khí hậu toàn cầu mà tác nhân chính là con người. Bởi sông Hồng là con sông hung dữ, trái tính nên chuyện trị thủy, thoát lũ cần được xem xét thấu đáo.

Đó có lẽ là nguyên tắc và cũng là mục tiêu cho giải pháp quy hoạch, phát triển thành phố bên sông, để Hà Nội trở thành đô thị lộng lẫy soi bóng xuống dòng sông Mẹ, giống như Paris bên sông Seine, Seoul bên sông Hàn hay Thượng Hải bên sông Hoàng Phố..., thỏa mãn khát vọng Thủ đô ngàn tuổi phát triển, chung sống hài hòa, trường tồn với thiên nhiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khát vọng thành phố bên sông