''Vườn rau đặc biệt'' bên sông

Lê Huyền Trang| 17/07/2020 06:17

(HNNN) - Một lần đi dạo trên cầu Long Biên, nhìn xuống nhánh sông cạn trơ đáy phía phường Phúc Tân, tôi bất ngờ phát hiện những vườn rau ẩn mình sau những tầng lau sậy, cây dại rậm rạp. Thì ra, thích ứng với sự biến đổi khí hậu, nhiều người dân sống gần đó đã tận dụng những tấc đất màu mỡ để trồng rau phục vụ nhu cầu cuộc sống gia đình, và chính những luống rau xanh đó đã góp phần làm dịu đi sự ngột ngạt do hiệu ứng nhà kính trong đời sống đô thị.

Thích ứng với sự biến đổi của tự nhiên

Ngoài việc đem phù sa màu mỡ về nuôi dưỡng cả vùng đồng bằng rộng lớn phía hạ lưu, trước đây, mỗi khi đến mùa lũ lụt, sông Hồng cũng khiến nhiều người lo lắng về nạn ngập úng. Thế nhưng, với sự xuất hiện của hàng loạt hồ, đập phía thượng lưu, lượng nước đổ về hạ lưu ngày càng ít đi. Đã lâu lắm rồi người Hà Nội không thấy nước sông tràn lên được bãi giữa. Có lẽ đó là cơ sở để xuất hiện những ý tưởng táo bạo nhằm khai thác tối đa khu “đất vàng” này. Trong khi những ý tưởng vẫn chỉ là ý tưởng thì bãi giữa vẫn được khai thác để canh tác nông nghiệp ổn định, và là nơi để những người yêu thích thiên nhiên tìm đến khám phá.

Bà Lâm Thị Uyên thu hái rau muống ở vườn ngay dưới cầu Chương Dương.

Không chỉ ở bãi giữa, mà ngay đoạn sông cạn giữa cầu Long Biên và Chương Dương cũng được người dân khai thác để canh tác. Giữa nhịp sống đô thị hối hả, chẳng mấy ai còn tâm trí để ý tới điều đó. Và sự tò mò đã “kéo” tôi đến ngắm nhìn khu vườn rau đặc biệt này. Đến rồi mới thấy rõ về sự “kín tiếng” đó, bởi khi hỏi đường thì ngay cả những người sống ở quanh khu chợ đầu mối Long Biên cũng không biết “vườn rau đặc biệt” ấy ở đâu.

Lần mò rồi cũng tới nơi. Đứng giữa vườn rau trên lòng sông cạn, tôi như lạc vào một thung lũng nhỏ, đắm mình cảm nhận sự bình yên mà quên mất tiếng động cơ rì rầm đều đều vọng tới từ hai cây cầu. “Vườn” của các hộ dân được ngăn cách với nhau bởi những hàng rào đậu đũa, lùm cây hoặc bằng những khóm sậy. Mỗi lần vén lớp rào, tôi lại trầm trồ, thích thú khi phát hiện ra một “vườn rau” khác. Đang tưới rau, ông Hoàng Phan Anh (50 tuổi, phường Phúc Tân) dừng tay cho biết: Cách đây chừng 20 năm, khi thấy nhánh sông cạn trơ đáy bỏ hoang, toàn lau sậy, một số hộ dân đã bỏ sức ngày đêm phát quang, san đất để trồng những luống rau đầu tiên. Theo thời gian, vườn rau ngày càng rộng ra, luôn tươi xanh.

Đối với những người trồng rau dưới lòng sông cạn, những luống rau xanh giống như một niềm hạnh phúc lớn lao và khó lý giải. Bà Lâm Thị Uyên (70 tuổi, phường Phúc Tân, người trồng rau có tiếng nhất ở đây) kể về ruộng rau của mình như một chiến tích đầy tự hào: “Buổi sáng, đứng trên cầu nhìn xuống ruộng rau dưới ánh bình minh mới thấy được vẻ đẹp tuyệt vời của nó. Chi hội Phụ nữ khuyến khích canh tác nông sản sạch nên tôi cũng không ngại cuốc đất trồng rau. Nhờ vườn rau này, tôi được tuyên dương trong hội “những người sống xanh” tại địa phương đấy”.

Nhìn cách bà Uyên nhổ cỏ hay cách bà nâng niu từng hạt rau giống mới cảm nhận được niềm vui đó và hiểu vườn rau đối với bà quan trọng thế nào. Dường như việc trồng rau không chỉ để phục vụ bữa cơm thường nhật mà còn là niềm vui tuổi già. Không chỉ riêng bà Uyên, bất cứ người dân nào gắn bó với mảnh vườn nơi đây đều có chung cảm nhận như vậy. “Chiều chiều cắt cỏ, tưới nước và 5h sáng dậy thu hoạch. Đó là cuộc sống thường nhật của chúng tôi”.

Đất sạch trồng rau sạch

Những vườn rau dưới lòng sông cạn đã được phù sa sông Hồng “chăm bẵm” tốt tươi suốt 20 năm qua. Ông Hoàng Phan Anh cho biết, chẳng cần tốn quá nhiều công sức hay sử dụng phân bón, chất kích thích, ruộng rau luôn xanh non, đúng vụ, vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân nơi đây, vừa là nguồn phụ thu để cải thiện kinh tế. Người dân trồng xen canh nhiều loại rau khác nhau và chăm sóc theo phương pháp tự nhiên. Chính vì thế, sản lượng rau sau thu hoạch khá đa dạng, theo mùa. Hết vụ này lại đến vụ khác, rau sạch ở đây phục vụ quanh năm.

Bà Trần Thị Dậu (75 tuổi, đường Hồng Hà, phường Phúc Tân) chia sẻ: “Ở đây chúng tôi chưa bao giờ thiếu rau sạch. Ngay cả đợt cao điểm dịch Covid-19 vừa rồi chúng tôi cũng không quá lo về nguồn rau xanh. Việc tận dụng đất canh tác không những giúp chúng tôi có rau sạch sử dụng hằng ngày, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn giúp chúng tôi chủ động trước những tình huống bất ngờ như vậy”.

Vào những ngày thu hoạch nhiều rau, sử dụng không hết, người dân thường bán rau ngay tại đoạn đường gần đó. Rau sạch, giá cả phải chăng nên luôn trong tình trạng “hết hàng” chỉ sau một tiếng đồng hồ. Chính vì thế, những người biết tiếng “vườn rau đặc biệt” này phải dặn trước chủ vườn hoặc tranh thủ ghé mua vào sáng sớm. Cách bán hàng ở đây cũng có sự khác, đó là theo nhu cầu của người tiêu dùng. Thay vì bán rau theo bó, người mua cần mua bao nhiêu thì chủ vườn bán cho bấy nhiêu.

Ông Hoàng Phan Anh nói: “Không phải ai cũng có nhu cầu sử dụng nhiều rau. Đối với các cô cậu sinh viên, một bó rau có khi chia làm hai bữa, như thế thì đến bữa sau rau sẽ không còn tươi. Vậy nên người ta mua bao nhiêu mình cũng bán”. Có lẽ vì thế mà ông Phan Anh và những người bán rau ở đây được những người mua hàng yêu mến. Được biết, ngày nhiều có hộ có thể thu về khoảng 200.000 đồng. Số tiền không quá lớn nhưng ý nghĩa bởi đó là thành quả của quá trình lao động, tận dụng đất trống để trồng rau sạch. Và với tôi, những vườn rau nơi lòng sông cạn còn là nơi nuôi dưỡng niềm vui và sự yên bình, một không gian xanh hiếm hoi giữa phố thị náo nhiệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Vườn rau đặc biệt'' bên sông