Thạch Thất tạo lan tỏa lớn từ phong trào thi đua

Hạnh Nguyên| 17/06/2020 07:03

(HNM) - Những tuyến đường mới được hình thành với hệ thống đèn chiếu sáng, vỉa hè lát gạch hoa, khu vui chơi giải trí, sân chơi thể dục, thể thao… không chỉ ghi đậm dấu ấn tiến trình đô thị hóa, mà còn thể hiện sức mạnh của phong trào thi đua với mục đích vì một cuộc sống có chất lượng ngày càng cao của cán bộ, nhân dân huyện Thạch Thất. Nhờ sự sâu sát của cấp ủy Đảng, sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của UBND huyện nên phong trào thi đua của Thạch Thất phát triển ngày càng sâu rộng trên các lĩnh vực, tạo lan tỏa lớn, góp phần hiện thực hóa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Cảnh quan đô thị trung tâm thị trấn Liên Quan (huyện Thạch Thất) luôn được duy trì xanh - sạch - đẹp.

Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động

Để phong trào thi đua có bước tiến mới về chất, bám sát nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, đồng thời khơi dậy sức sáng tạo của mỗi cán bộ, công chức, người lao động, 5 năm qua các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị đều coi trọng công tác thi đua.

Đặc biệt, phong trào thi đua có nhiều đổi mới, hoạt động ký kết giao ước thi đua đi vào nền nếp. Cụm thi đua cũng đổi mới, sáng tạo trong hoạt động nên tạo khí thế mới và xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến. Công tác khen thưởng kịp thời, chính xác, đúng quy định, có tính nêu gương tốt nên khơi dậy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong mỗi tập thể, cá nhân.

Do vậy, phong trào thi đua là động lực thúc đẩy các đơn vị, cá nhân hăng hái thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn. Ngoài ra, phong trào thi đua còn được phát động vào dịp kỷ niệm ngày lễ lớn, gắn với các chuyên đề, với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”...

Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Nhờ đổi mới công tác thi đua nên phong trào thi đua của huyện Thạch Thất tiếp tục được giữ vững, xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến. Kinh tế của huyện 5 năm qua phát triển toàn diện, bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa giá trị cao. Đến nay, cơ cấu công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm 70,1%; thương mại, dịch vụ chiếm 23,4%; nông nghiệp 6,5%. Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân 15,5%/năm.

Hiện, huyện có 1 khu công nghiệp, 9 cụm công nghiệp làng nghề thu hút nhiều doanh nghiệp, hộ làng nghề đầu tư sản xuất, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động; duy trì phát triển làng nghề truyền thống ở 23/23 xã, thị trấn. Nhờ thực hiện tốt “Đề án phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch giai đoạn 2016-2020” nên thương mại, dịch vụ, du lịch của huyện phát triển phong phú, đa dạng, tăng bình quân 18,1%/năm.

Từ đề án “Mở rộng, phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp mới có chất lượng, hiệu quả kinh tế cao giai đoạn 2016-2020”, huyện chỉ đạo đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp trên hơn 98% diện tích. Đồng thời, huyện đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nên hình thành nhiều mô hình chất lượng cao, cho thu nhập 333-445 triệu đồng/ha/năm.

Điển hình là mô hình trồng hoa, nấm đông trùng hạ thảo, nấm linh chi xã Đại Đồng; mô hình nông nghiệp công nghệ cao xã Tiến Xuân; rau hữu cơ an toàn với diện tích 200ha xã Hương Ngải, Dị Nậu, Yên Trung, Bình Yên... 5 năm qua, huyện đã huy động 2.338,95 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Nhân dân đóng góp 193.150 ngày công lao động, hiến tặng 5.429m2 đất thổ cư, 28.230m2 đất nông nghiệp để làm đường giao thông, trường học…

Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng cho biết: “Nhờ nâng cao vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền nên phong trào thi đua đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa lớn, từ đó các chỉ đạo được thực hiện quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp. Đây là nguyên nhân chính giúp kinh tế của huyện 5 năm qua tăng trưởng bình quân 14,7%/năm (Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 đặt mục tiêu đạt 12,68%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Thu nhập bình quân người dân trên địa bàn huyện đạt 70 triệu đồng/năm (tăng 2 lần so với năm 2015)”.

Nhờ sự quan tâm, sát sao của các cấp lãnh đạo nên phong trào thi đua của huyện có nhiều sáng tạo, luôn hướng về cơ sở và người lao động trực tiếp sản xuất. Đây chính là động lực tạo đột phá mới cho huyện Thạch Thất, góp phần không nhỏ đẩy mạnh tiến trình đô thị hóa, phát triển kinh tế theo hướng bền vững của Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thạch Thất tạo lan tỏa lớn từ phong trào thi đua