Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm

Ngọc Quỳnh| 17/05/2020 07:39

(HNM) - Huyện Ba Vì hiện có nhiều khu du lịch, nghỉ dưỡng, khách sạn, cửa hàng kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống... Để bảo đảm an toàn thực phẩm, hạn chế xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, huyện đã tăng cường kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm.

Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Ba Vì kiểm tra an toàn thực phẩm tại bếp ăn Trường Mầm non xã Vật Lại. Ảnh: Hương Giang

Thời gian qua, huyện Ba Vì luôn quan tâm công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh có quy mô nhỏ lẻ, hoạt động theo mùa vụ... nên các cơ quan, đơn vị gặp khó khăn trong công tác quản lý, giám sát nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Thực tế hiện nay, huyện Ba Vì có 1.256 cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản và 718 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không có giấy đăng ký kinh doanh...

Nói về vấn đề này, ông Hoàng Xuân Trường, Trưởng phòng Y tế huyện cho biết: Hiện nay, đội ngũ làm công tác quản lý an toàn thực phẩm từ huyện đến xã còn thiếu về số lượng và chất lượng, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Một số địa phương chưa tích cực tham gia công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, kiểm tra cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, ăn uống và chưa xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm...

Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện chưa có cơ sở giết mổ tập trung, các chợ dân sinh xuống cấp nghiêm trọng và chưa bố trí hợp lý gian hàng... gây khó khăn cho công tác quản lý an toàn thực phẩm... Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tại cơ sở, theo Phó Chủ tịch UBND xã Vật Lại Phùng Huy Kiên, do sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã còn nhỏ lẻ nên việc giám sát chất lượng an toàn thực phẩm ở những cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản còn bất cập...

Để tăng cường quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân, từ ngày 20-4 đến 20-5, huyện Ba Vì triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2020 với chủ đề: “Nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm”.

Trong thời gian thực hiện “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”, huyện Ba Vì yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung kiểm tra, đánh giá, phân loại cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn... Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị tăng cường hỗ trợ và hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn HACCP, ISO 22000 nhằm nâng cao chất lượng các mặt hàng khi cung cấp ra thị trường…

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết: Để thực hiện có hiệu quả “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”, huyện yêu cầu các địa phương kiểm soát chặt chẽ chất lượng các mặt hàng thực phẩm lưu thông trên thị trường, tăng cường kiểm tra, giám sát hậu kiểm việc thực hiện các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm; đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trong quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố...

Cùng với giải pháp trên, các phòng, chức năng của huyện Ba Vì duy trì hệ thống giám sát ngộ độc thực phẩm và kịp thời điều tra, xử lý 100% vụ ngộ độc thực phẩm. Ngoài ra, cơ quan chức năng của huyện cũng tăng cường kiểm tra, cấp giấy chứng nhận, ký cam kết và giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; xây dựng mô hình an toàn thực phẩm để chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại các bữa ăn tập trung đông người. Đặc biệt, các cơ quan chức năng của huyện còn được yêu cầu tăng cường giám sát quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học khi học sinh trở lại trường sau thời gian nghỉ do dịch Covid-19. Các xã, thị trấn tuyên truyền quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm