Bài cuối: Khát vọng hồi sinh

Bằng Giang| 15/05/2020 16:29

(HNMCT) - Một đô thị hiện đại sừng sững vươn tầm giữa những dòng sông di sản văn hiến - đó là Hà Nội đổi mới của ngày hôm nay. Cầu Nhật Tân - cầu dây văng hiện đại bậc nhất châu Á; cầu Đông Trù 8 làn xe cơ giới, mặt cầu rộng nhất Việt Nam; cầu Vĩnh Thịnh - cây cầu vượt sông dài nhất Việt Nam... đã hiện hữu, lung linh, nối đôi bờ sông Hồng. Rồi nữa, trong năm 2020 này, cầu Lê Thanh bắc qua sông Đáy được khởi công và tương lai sẽ thêm nhiều công trình hiện đại mọc lên bên dòng sông Tô, sông Nhuệ, sông Tích. Từ đây, ước vọng hồi sinh, khẳng định giá trị vô tận của những dòng chảy giữa lòng Hà Nội, hơn bao giờ hết, lại cháy bỏng, thôi thúc...

Sông Tô Lịch đã "lột xác" với màu xanh thơ mộng.

Hệ lụy của phát triển

Những con sông đầy ắp kỳ tích về dựng làng giữ nước, chứa đựng văn hiến nghìn năm, nay giữ vị thế đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội và giao lưu văn hóa của Hà Nội. Đặc biệt, từ tháng 8-2008, thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính theo Nghị quyết 15/NQ/QH12 của Quốc hội, trên địa bàn Hà Nội có thêm nhiều sông, hồ có giá trị, mang lại cho Thủ đô một vùng sinh thái rộng lớn, tài nguyên về văn hóa và cảnh quan phong phú. Hành lang xanh dọc các triền sông từng bước hình thành, như những lá phổi xanh bảo vệ môi trường cho cả thành phố. Đây chính là lợi thế để phát triển Hà Nội theo hướng “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xứng là “nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời” - Trái tim của cả nước - Thủ đô anh hùng - Thành phố Vì hòa bình.

Thế nhưng, tốc độ đô thị hóa chóng mặt, sự gia tăng dân số... đã và đang khiến Hà Nội phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên nước mặt, nước ngầm, suy giảm hệ sinh thái. Có tới 65% diện tích sông, hồ bị lấn chiếm, san lấp; nhiều bãi sông bị phay nát. Năm 2019, thống kê của Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội cho thấy lượng nước thải được thu gom, xử lý qua nhà máy chỉ chiếm 22%, còn lại 78% xả trực tiếp ra sông hồ, kênh mương.  

Sông Hồng “dòng sông - cảnh quan và nhân văn của trái tim cả nước” bây giờ nhiều đoạn khô kiệt bởi hoạt động khai thác vì lợi nhuận của con người. Sông Tô Lịch trở thành hồ chứa nước thải, mùi hôi bốc lên nồng nặc bởi mỗi ngày dòng sông bị “bức tử” với 150.000m3 nước thải sinh hoạt và công nghiệp chưa qua xử lý xả xuống. Sông Nhuệ chảy qua các quận Nam Từ Liêm, Hà Đông và các huyện Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên; sông Đáy chảy qua các huyện Đan Phượng, Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức mỗi ngày hứng chịu hàng trăm nghìn mét khối nước thải chưa qua xử lý và trên dưới 30 nghìn tấn chất thải sinh hoạt, thậm chí cả phế thải xây dựng từ các làng nghề, xí nghiệp, bệnh viện và cư dân dọc hai bên bờ sông xả xuống. Nhiều đoạn, lòng sông như một con mương nhỏ oằn oại, mỏi mệt trong ô nhiễm và trong sự vô tình của con người. Và, theo thống kê của cơ quan chức năng Hà Nội và các tỉnh thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, hiện có khoảng 2.500 nguồn thải từ các cơ sở sản xuất, làng nghề, khu công nghiệp và bệnh viện trút xuống, làm nguồn nước bị ô nhiễm nặng...

Những “động mạch chủ” bị tắc nghẽn, bị bức tử như vậy khiến nỗi lo mất đi giá trị “môi trường - cảnh quan, lá phổi và mạch máu” của Thủ đô mà những dòng sông đem lại, theo thời gian, ngày càng trở nên bức bối.

Những nỗ lực, những kỳ vọng...

Với quyết tâm không để những dòng sông di sản văn hiến trở thành những “con sông chết”, từ tháng 7-2009, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành nghị quyết xử lý 3 vấn đề ô nhiễm môi trường bức xúc nhất trên địa bàn; trong đó, riêng xử lý ô nhiễm môi trường sông, giải pháp của thành phố là từng bước tách nước thải và xử lý trước khi đổ vào sông, hồ; nâng cao năng lực xử lý tại nguồn cho cư dân, làng nghề, cơ sở y tế, khu công nghiệp.

Có thể nói đây là giải pháp triệt để, bởi nước thải sinh hoạt và công nghiệp là nguyên nhân căn bản khiến sông bị ô nhiễm. Mặc dù vậy, đã hơn 10 năm nay, dự án vẫn chưa thành hiện thực. Năm 2016, Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (Thanh Trì) được khởi công xây dựng với tổng vốn đầu tư 16.200 tỷ đồng, mục tiêu thu gom, xử lý nước thải cho 7 quận, huyện (công suất 270.000m3/ngày), dự kiến hoàn thành năm 2020, nhưng tiến độ xây dựng quá chậm chạp. Sông Tích không chỉ có ý nghĩa về kinh tế, du lịch mà còn là một di sản văn hóa. Nhận rõ giá trị đó, thành phố đã xếp trong nhóm công trình, cụm công trình trọng điểm giai đoạn 2011 - 2015, được thực hiện bởi Dự án tiếp nước, cải tạo, đào mới lòng sông, tạo tuyến dẫn nước từ sông Đà vào sông Tích, cung cấp nước tưới cho 16.000ha đất sản xuất nông nghiệp và tiêu thoát lũ trong mùa mưa cho 7 huyện, thị xã phía Tây thành phố (từ Ba Vì đến Mỹ Đức) với tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng. Nhưng đã 9 năm (từ tháng 5-2011) đến nay, công trình “đại thủy lợi” vẫn ì ạch. Không biết đến bao giờ “cơ thể” sông mới được “phẫu thuật” xong...

Ngày 31-5-2017, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 11 về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố đến năm 2020 và những năm tiếp theo; trong đó đặc biệt nhấn mạnh mục tiêu xử lý ô nhiễm môi trường nước, bởi thực trạng môi trường nước vẫn diễn biến phức tạp, nhiều nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng và dòng chảy trên sông không thể tự làm sạch chất ô nhiễm. Hai năm qua, thành phố Hà Nội đã nỗ lực kiểm soát tình trạng ô nhiễm, xác định các “điểm đen” gây bức xúc, từ đó tập trung chỉ đạo có trọng tâm trọng điểm, thực hiện giải pháp quản lý và cải thiện chất lượng môi trường sông, hồ, trong đó ưu tiên xử lý ô nhiễm toàn hệ thống hồ nội, ngoại thành và các sông Nhuệ, Đáy, Tô Lịch. Các sở, ngành chức năng tăng cường quản lý vệ sinh môi trường dọc các sông; duy trì bè thủy sinh trên sông Tô Lịch để vừa tạo cảnh quan, vừa góp phần giảm ô nhiễm; tổ chức nạo vét hệ thống thoát nước lòng cống, mương nhằm giảm thiểu ô nhiễm (khối lượng nạo vét trong ba năm 2017 - 2019 là gần 480.000m3 bùn)... Tuy nhiên, dù đã có nhiều nỗ lực nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn.

Cần giải pháp đồng bộ 

Khi đề cập đến những ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh nguồn nước lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng, năm 2020 các tỉnh, thành phố thuộc lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy cần tập trung giải quyết những điểm nóng ô nhiễm; kiên quyết không cho hoạt động đối với các khu công nghiệp không có công trình xử lý nước thải, chất thải. Các cấp, các ngành, các địa phương liên kết, chia sẻ thông tin, tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm đối với những hành vi xả thải, vi phạm Luật Bảo vệ môi trường.

Thực hiện Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (theo Quyết định 725/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành triển khai nhiều giải pháp cụ thể hơn với quyết tâm cải thiện ô nhiễm nguồn nước sông Nhuệ, sông Đáy, vận hành thường xuyên đối với các nhà máy xử lý nước thải hiện có đi đôi với kiên quyết đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án lớn (đặc biệt là Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá) và các dự án nâng cấp trục chính sông Nhuệ, xây dựng các trạm bơm tiêu nước; nạo vét lòng sông Đáy; tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích...

Song, trên hết vẫn là ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường. Việc vẫn còn một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề và người dân đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên ý thức bảo vệ môi trường, khai thác trái phép cát sỏi ở lòng sông, xả thải vượt quy chuẩn, gây ô nhiễm nguồn nước... cho thấy ý thức chấp hành Luật Bảo vệ môi trường chưa cao. Bởi vậy, việc cần thiết là tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của người dân và doanh nghiệp, từ đó chung sức xây dựng Hà Nội xanh - sạch - đẹp, bảo tồn, gìn giữ những dòng sông.  

Vĩ thanh…

Những dòng sông văn hiến - di sản chảy giữa Thủ đô, dẫu có bị tổn thương nhưng hãy tin, với nỗ lực của thành phố, những “động mạch chủ” - một phần của “cơ thể sống” vô cùng ý nghĩa của Hà Nội sẽ được hồi sinh. Hẳn khi đó, trên những dòng sông văn hiến lại đầy ắp tiếng cười. Trống giong cờ mở vào những ngày hội rước nước, rước thánh Tản Viên và hội đánh cá thờ, tưởng nhớ công đức tiên tổ và các vị anh hùng dân tộc lại rộn ràng trở lại trên sông Hồng, sông Tích, sông Đáy. Không gian văn hóa ấy nghìn đời nay vốn đã “lắng hồn sông núi”, sẽ ngày càng quyện chặt hơn trong đời sống tinh thần của người Hà Nội hôm nay - cho những dòng văn hiến mãi trường tồn, sáng giá và bất tử như huyền thoại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Khát vọng hồi sinh