Hà Nội mùa vắng những xôn xao

Khánh Linh| 15/04/2020 14:00

(HNNN) - Vốn là đô thị năng động, luôn đông đúc, náo nhiệt, Hà Nội trong những ngày thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg (Chỉ thị 16) của Thủ tướng Chính phủ bỗng mang vẻ thâm trầm, yên ả.

Thế nhưng, trong khó khăn, thử thách bởi dịch bệnh, giữa cái nhịp sống chầm chậm đó, những phẩm chất, sự tinh tế của người Hà Nội vẫn được thể hiện rõ qua tinh thần tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”, đặc biệt là ý thức chấp hành quy định về giãn cách xã hội. Hà Nội bình yên và kỷ luật, dù vắng những xôn xao, nhưng luôn ấm áp ngọn lửa trong những trái tim hồng.

Chương trình “Ai cần cứ đến lấy. Nếu khó khăn, hãy lấy 1 gói mỗi ngày...” hiện đang được nhiều cá nhân, tổ chức tình nguyện triển khai trên khắp các tuyến phố ở Thủ đô Hà Nội.  Ảnh: Trung Nguyên

Lắng đọng, tinh tế

Hà Nội những ngày thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ mang dáng vẻ rất khác. Phố xá đã bớt xôn xao. Những cửa hàng ăn uống san sát người vốn được xem như là biểu trưng cho một Hà Nội sầm uất giờ tạm dừng hoạt động, yên ắng lạ thường. 

Sau mỗi cánh cửa, người Hà Nội thích nghi dần với trạng thái giãn cách xã hội. Những bữa cơm gia đình quây quần, ấm cúng thường trực mỗi ngày, vì thế nhiều xu hướng thú vị đã xuất hiện trong “cộng đồng” chị em nội trợ, tạo nên những sắc màu phong phú cho “ở nhà chống dịch”. Chị Đoàn Thu Hương, giáo viên Trường THCS Dương Xá (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: “Từ khi có dịch Covid-19 đến nay gia đình không thuê người giúp việc nữa nên tự đi chợ, nấu ăn cho cả nhà. Ngoài những món ăn thông thường cho bữa cơm hằng ngày thì những ngày rảnh rỗi, mình lên mạng tìm hiểu cách nấu thêm những món ăn mà trước giờ mình chưa bao giờ làm như: Bánh bao, bánh cuốn nhân thịt, các món bánh Âu..., vừa để đổi món vừa làm cho những bữa cơm gia đình thêm đầm ấm”. Còn chị Nguyễn Thị Tuyết (số nhà 55 phố Lãn Ông, phường Hàng Bồ) chia sẻ: “Cách ly xã hội cũng là khoảng thời gian mình ở nhà với con nhiều hơn. Mình tranh thủ dạy các con làm việc nhà, nấu những món ăn của Hà Nội, dạy may vá, tâm sự với con nhiều hơn... Một Hà Nội xưa cũ, thời các bà, các mẹ chúng tôi lại ùa về, đong đầy kỷ niệm”.

Giãn cách xã hội, “đi chợ” mua bán online trở nên thịnh hành... Nhìn ở một góc độ khác, dịch Covid-19 đang kích thích những bộ óc sáng tạo của người kinh doanh. Tiểu thương thường ngày buôn bán ở chợ, thậm chí có người chưa từng tiếp xúc với cách bán hàng online, bây giờ cũng bắt đầu học cách “lên mạng”. Trong mỗi nhà, bọn trẻ thôi hỏi người lớn “bao giờ thì con được đi học?”, quen dần với việc ngồi vào bàn khi đến giờ học trực tuyến. Hình thức dạy học online bất ngờ trở thành “phao cứu sinh” cho các nhà trường trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Vẫn có những tiết học mỗi ngày, vẫn có lời đánh giá của thầy cô, và điều quan trọng là cô trò lại được gặp nhau dẫu chỉ qua màn hình. Vốn khá phổ biến ở nhiều nước phát triển và chưa được triển khai diện rộng ở Việt Nam, nhưng với thử thách bất ngờ mang tên Covid-19, nếu biết tận dụng tốt, biết đâu hình thức dạy - học từ xa sẽ trở thành đòn bẩy cho ngành Giáo dục trong tương lai gần...

Sống trách nhiệm, lan tỏa hơi ấm tình người

Khó khăn cũng là lúc hình ảnh về một Hà Nội yêu thương đùm bọc nhau thể hiện rõ nhất. Khi Chính phủ quyết định dừng mọi hoạt động kinh doanh không thiết yếu, người lao động phải làm việc tại nhà, nhiều người nghĩ cách động viên, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. “Nếu khó khăn hãy lấy một phần, nếu bạn ổn xin nhường cho người khác”, thông điệp nhân văn được lan truyền khắp nơi, khiến không ít người Hà Nội thêm ấm lòng. Từ đây, những chương trình, hình thức hỗ trợ như: “Ai cần cứ đến lấy - Chia sẻ thực phẩm hằng ngày, cùng nhau vượt qua Covid-19”, “Triệu bữa cơm”, ATM gạo... cùng những điểm phát thực phẩm miễn phí cho những người khó khăn do tuổi trẻ Hoài Đức, Chúc Sơn, Hà Đông... thực hiện như những gam màu tươi sáng tô điểm thêm cho bức tranh đẹp về tinh thần tương thân tương ái của người Hà Nội...

Và nữa, trong gian khó còn sáng lên tinh thần đồng lòng nhất trí của các ban, ngành, lãnh đạo và người dân. Hà Nội đang triển khai những chính sách mới đầy quyết đoán. Khẩu hiệu “Mỗi gia đình là một pháo đài phòng, chống dịch Covid-19” được lan tỏa, là cơ sở hình thành cách hành động đúng đắn của mỗi người, mỗi nhà. Ông Nguyễn Mạnh Hoạt, Bí thư chi bộ Tổ dân phố số 7 phường Đức Thắng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, ngay từ những ngày đầu phường đã phát thông tin tuyên truyền về nội dung Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên hệ thống loa truyền thanh. Người dân trong phường ai cũng đồng lòng và tự giác thực hiện, cán bộ tổ dân phố nhắc nhở bằng tin nhắn qua điện thoại. Lực lượng công an phối hợp với nhân viên y tế hằng ngày tuần tra, nhắc nhở, tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch...”.

Hà Nội những ngày này đang trong một cuộc chiến mới. Không chỉ là chiến đấu với đại dịch đang khiến cả thế giới lao đao, mà còn là đấu tranh với chính mình khi thói quen, điều kiện sinh hoạt, môi trường sống đang có sự xáo trộn mạnh, những người không kịp thích nghi sẽ dẫn đến tình trạng không thực hiện nghiêm túc chỉ thị giãn cách xã hội. Thực tế cho thấy điều đó khi ở nơi này nơi kia còn có hiện tượng “xé rào” tụ tập đông người, ra đường dù không có việc cần thiết... Nhưng nhìn chung, đại đa số người Hà Nội đều đồng lòng nhất trí thực hiện giãn cách xã hội, coi đó là giải pháp hiệu quả để đẩy lùi dịch bệnh. Họ gọi những ngày này là “không thể nào quên” bởi được chứng kiến sự vào cuộc đồng lòng của toàn xã hội, tinh thần hy sinh vì cộng đồng của biết bao người đang ở nơi tuyến đầu. “Không thể quên” bởi cho dù có bất tiện, chịu cảm giác bó buộc trong một không gian hẹp, phải học tập tại nhà, làm việc tại nhà... nhưng bù lại, tất cả có cơ hội sống chậm lại trong chính tổ ẩm của mình, có thêm nhiều khoảnh khắc bên nhau và quan tâm tới nhau nhiều hơn...

Tự nguyện góp sức chung tay cùng cả nước vượt qua khó khăn, người Hà Nội luôn vững tâm bởi họ biết rằng mình đang làm điều đúng đắn vì lợi ích quốc gia, vì sự an toàn của mình và người thân, cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội mùa vắng những xôn xao