Đường phố vắng bóng người, toàn dân tuân thủ cách ly

Nhóm phóng viên| 02/04/2020 13:39

(NSHN) - Hôm nay, 2-4, ngày thứ hai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về việc triệt để cách ly xã hội để phòng, chống đại dịch Covid-19, người dân trên toàn thành phố đồng lòng ủng hộ và tuân thủ nghiêm.

Phố phường vắng người qua lại

Sáng 2-4, trên các tuyến phố Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự, Trường Chinh, khu vực hồ Hoàn Kiếm, cầu Vĩnh Tuy…, người đi lại thưa thớt hơn hẳn. Các cửa hàng kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu đều đóng cửa.

Trước đây, anh Lê Văn Kính và hàng xóm trong khu chung cư CT21A-2 (phường Giang Biên, quận Long Biên) có thói quen rủ nhau ngồi uống nước chè trò chuyện hằng ngày và rủ nhau đi bộ tập thể dục. Nhưng từ ngày 1-4, anh và hàng xóm thống nhất sẽ thực hiện nghiêm yêu cầu ai ở nhà nấy.

      Gian hàng vải vóc, đồ nhựa phía trước chợ Ngã Tư Sở (quận Thanh Xuân) đã đóng cửa hoàn toàn

“Cũng bứt dứt lắm, nhưng mình vì mọi người, mọi người vì mình. Tất cả vì sức khỏe của gia đình và cộng đồng là quan trọng nhất trong lúc này”, anh Kính chia sẻ… 

Anh Lê Tuấn Anh (trú ở phố Lương Thế Vinh, quận Nam Từ Liêm) cho biết, ngoài việc đi mua thực phẩm, gia đình anh không ra khỏi nhà. Khi ra khỏi nhà, việc đeo khẩu trang là điều đã trở thành thói quen với gia đình anh, bên cạnh việc hạn chế nói chuyện với người lạ, cố gắng giữ khoảng cách an toàn tại chợ, nơi mua bán thực phẩm.

Ông Nguyễn Văn Sáng, Tổ trưởng Tổ dân phố số 10 (phường Mộ Lao, quận Hà Đông) cho biết, thực hiện nguyên tắc cách ly xã hội, Tổ dân phố đã nhắn tin nhắc nhở đến từng hộ gia đình tuân thủ việc ở nhà nếu không cần thiết phải ra đường. Nếu có công việc gì cần trao đổi giữa người dân với người dân, người dân với tổ dân phố thì có thể sử dụng ứng dụng trên điện thoại di động để liên lạc. 

   Ngõ Ao Sen (phường Mộ Lao, quận Hà Đông) - vốn nhiều hàng ăn vặt giờ không một bóng người đi lại.

Để có nhận thức tích cực của người dân, ngoài công sức tuyên truyền của các phương tiện thông tin đại chúng, còn có sự chung sức, đồng lòng của đội ngũ cán bộ cơ sở rất nhiệt tình, trách nhiệm. Nhiều hành động không đúng đã được nhắc nhở, phê bình.

Từ 5h sáng 2-4, Công an phường Bưởi (quận Tây Hồ) đã rào chắn có gắn băng rôn bằng 2 thứ tiếng Anh và Việt tại khu vực vườn hoa cạnh Hồ Tây trên phố Trích Sài. Lực lượng công an cắm chốt nhắc nhở người dân nghiêm túc thực hiện không tụ tập đông người. Tại ngõ 141 Trích Sài, nơi tập trung nhiều hàng ốc và cà phê cũng đã được thiết lập rào chắn cảnh báo.

Ông Vũ Quang Đạo, Bí thư Chi bộ 11, phường Việt Hưng (quận Long Biên) cho biết, Chi bộ lập một nhóm Zalo khoảng 30 người gồm các đồng chí trong Chi ủy, trưởng các đoàn thể và tổ trưởng các tổ Đảng để chỉ đạo thường xuyên việc tuyên truyền, nhắc nhở hơn 600 hộ gia đình trong tổ dân phố chấp hành cách ly xã hội. “Nhìn chung, người dân trong địa bàn chấp hành tốt. Bà con cũng đã thấy được sự cần thiết của việc này”, ông Vũ Quang Đạo khẳng định.

         Ngã tư Lê Văn Lương - Hoàng Đạo Thúy (quận Thanh Xuân) rất ít người qua lại.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban quản lý chợ Long Biên (quận Ba Đình) cho biết, đơn vị đã yêu cầu các gian hàng không thiết yếu (ngoại trừ thực phẩm, rau, củ, quả, thực phẩm khô) tạm dừng hoạt động. Với mỗi xe hàng trước khi vào chợ đều được phun thuốc khử khuẩn, Ban quản lý chợ cũng nhắc nhở người dân trước khi vào chợ phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay. Để bảo đảm giữ khoảng cách 2m, chợ yêu cầu mỗi tiểu thương nhắc nhở người dân không đứng gần gian hàng và xếp hàng bảo đảm khoảng cách khi thực hiện mua, bán.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND phường Thượng Thanh (quận Long Biên) Hoàng Văn Lực nêu đã chỉ đạo thành lập 5 tổ cơ động gồm thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của phường, cảnh sát khu vực, dân phòng và cán bộ tổ dân phố thường xuyên kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện không tụ tập quá 2 người tại nơi công cộng và việc chấp hành quy định đeo khẩu trang. “Hầu hết bà con thực hiện tốt, chúng tôi chưa phải xử phạt hành chính trường hợp nào”, ông Hoàng Văn Lực cho biết.

Quận Long Biên tận dụng xe gom rác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19.

Làng quê tuân thủ nghiêm lệnh cách ly

Cùng với người dân nội thành, người dân ngoại thành cũng tuân thủ nghiêm chỉnh lệnh cách ly góp phần không nhỏ vào việc cắt đứt đường dây lây lan dịch Covid-19 trên toàn thành phố.

Ông Nguyễn Đức Thịnh, ở thôn Yên Nội, xã Đồng Quang (huyện Quốc Oai) cho biết: “Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội, các thành viên trong gia đình tôi đều ở nhà, không ra ngoài đường để phòng chống sự lây nhiễm dịch Covid-19".

Hai vợ chồng ông vốn là cán bộ, công chức nên công việc ở cơ quan được xử lý trên máy tính kết nối mạng internet và điện thoại di động rất thuận lợi. Cả hai vợ chồng đều mong dịch bệnh sớm được khống chế và đẩy lùi để cuộc sống, công việc của người dân được trở lại bình thường.

Bà Phạm Thị Vượng ở thôn Liên Tân 3, xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) cho biết, ngày 2-4 (tức ngày 10-3 âm lịch) mặc dù ở xã năm nay là ngày hội làng truyền thống, nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thực hiện việc cách ly toàn xã hội, xã yêu cầu dừng tất cả các hoạt động lễ hội, đóng cửa đình, chùa.

"Riêng gia đình tôi không tổ chức ăn uống và các con gái tôi ở làng bên cạnh cũng không về nhà bố mẹ để tụ họp như mọi năm. Các hộ gia đình trong thôn, hầu như nhà nào ở nhà đấy, không đến chơi nhà nhau hay tổ chức giao lưu ăn uống", bà Vượng nói.

Sáng 2-4, trời Hà Nội có mưa nhỏ và rét hơn nên nhịp sống của các gia đình cũng như chậm lại, người ra đường thưa vắng hơn. Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại xã Kim Chung (huyện Hoài Đức), các ngõ xóm đều rất vắng vẻ.

Các tuyến đường ngõ xóm ở xã Kim Chung (huyện Hoài Đức) đều rất vắng người, các gia đình đều ở nhà để góp sức chống dịch.

Chị Khuất Thị Hướng ở thôn Lai Xá (xã Kim Chung) cho biết: “Hôm nay là ngày thứ hai gia đình tôi thực hiện cách ly xã hội. Buổi sáng cả gia đình nấu ăn sáng tại nhà. Các cháu nhỏ trong gia đình cũng quen với lịch học trực tuyến trên truyền hình và đọc truyện nên chỉ ở nhà. Cả gia đình bảo nhau phải nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch”.

Trong khi đó, tại thôn Bình Trú, xã Dương Quang (huyện Gia Lâm), bà Dương Thị Thu cho hay, trong thôn có 5 gia đình cách ly liên quan đến ổ dịch Bạch Mai, trong đó có khoảng 15 người liên quan trực tiếp đến các trường hợp khám, điều trị.  Vì vậy, thôn đã lập chốt tại khu vực nhà ở của các trường hợp trên. Các hộ cũng nghiêm túc cách ly tại nhà.

Tại xã Đốc Tín (huyện Mỹ Đức), ông Đỗ Văn Hà, thôn Đốc Tín cho biết: "Việc thực hiện cách ly toàn xã hội của các hộ trong thôn rất nghiêm túc. Thậm chí, trước đây gặp nhau trên đường còn tay bắt mặt mừng, chào hỏi, nán lại trò chuyện với nhau, nhưng nay thì không ai dám nói gì với ai, chỉ gật đầu chào nhau và nhanh chóng đi về nhà".

Lực lượng chức năng xã Phù Lưu Tế (huyện Mỹ Đức) đứng chốt đường liên xã, liên thôn...

Những ngày này, nhân dân xã Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức thực hiện rất nghiêm túc Chỉ thị cách ly toàn xã hội của Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội. Xã Phù Lưu Tế thành lập 5 chốt tại các trục đường chính ra/vào xã để kiểm soát toàn bộ người dân ra vào địa bàn. 

Chị Nguyễn Kim Chi ở thôn 1 (xã Phù Lưu Tế) cho biết, UBND xã đã huy động dân quân, đoàn thanh niên phối hợp với Công an xã tham gia tại các chốt, những người dân ra vào xã đều được kiểm tra thân nhiệt; đồng thời, yêu cầu 100% người dân phải đeo khẩu trang, hạn chế ra ngoài để phòng chống sự lây nhiễm của dịch Covid-19.

Tại huyện Phú Xuyên, theo ông Bùi Hồng Luyến, Chủ tịch UBND xã Phú Túc, 100% cơ sở kinh doanh ăn uống và các loại hình kinh doanh không thiết yếu khác trên địa bàn đã đóng cửa từ ngày 28-3, đến nay qua kiểm tra không có hàng quán nào mở cửa trở lại. 

Các cửa hàng trên địa bàn huyện Đan Phượng tiếp tục đóng cửa.

Tại xã Canh Nậu (huyện Thạch Thất) - xã có nghề sản xuất đồ gỗ, khi dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, chính quyền địa phương đã tuyên truyền vận động hơn 300 cửa hàng, hộ dân có nghề và 10 cửa hàng ăn uống tạm ngừng hoạt động từ ngày 29-3. Ông Nguyễn Trung Chi, Chủ tịch UBND xã Canh Nậu cho biết: Để duy trì, xã đã thành lập 3 tổ giám sát kiểm tra việc chấp hành 3 lần/ngày để kịp thời xử lý tình huống có thể xảy ra. 

Ý thức của người dân là rất đáng ghi nhận. Nhiều người tìm cách làm mới, phù hợp với hoàn cảnh. Chị Nguyễn Thị Hoa, chủ cửa hàng ăn uống “Bon Bon quán” tại xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) cho biết: “Việc nghỉ bán hàng những ngày đầu khiến gia đình gặp khó khăn, tuy nhiên tôi đã chuyển sang làm các loại bánh truyền thống của địa phương, như: Bánh gio, bánh gai, bánh tẻ, bánh khúc... bán qua mạng, nhận đặt hàng qua điện thoại và giao hàng tại nhà, nên đã có thu nhập trở lại”...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đường phố vắng bóng người, toàn dân tuân thủ cách ly