Đau đáu nỗi lo nhân lực làng nghề

Hoàng Lan| 16/03/2020 13:17

(HNNN) - Là địa phương có số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước song thành phố Hà Nội đang đối diện nỗi lo thiếu nhân lực, nhất là nhân lực trẻ và nhân lực có tay nghề cao. Việc “giữ chân” lao động có tay nghề cao được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy các làng nghề phát triển bền vững. Đây cũng chính là nỗi trăn trở của các địa phương, sở, ngành liên quan, nhất là khi Hiệp định EVFTA đã được Nghị viện Châu Âu thông qua, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho làng nghề truyền thống.

Trang trí hoa văn trên sản phẩm gốm Bát Tràng. Ảnh: Linh Tâm

Thiếu lao động trẻ có tay nghề cao

Với 1.350 làng nghề và làng có nghề, Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước với nhiều sản phẩm làng nghề được xuất khẩu sang các nước châu Âu và được khách hàng đánh giá cao. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, nhiều làng nghề truyền thống hiện đang phải đối mặt với nguy cơ mai một do thiếu nhân lực trẻ, người có kỹ thuật, tay nghề cao.

Theo ông Nguyễn Văn Dự, Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc (quận Hà Đông), hiện trên địa bàn phường chỉ còn hơn 100 hộ làm nghề dệt. Cả làng nghề dệt lụa Vạn Phúc chỉ còn 18 nghệ nhân, phần lớn đã cao tuổi, trong đó nghệ nhân cao tuổi nhất đã ở tuổi 90, thợ dệt trẻ nhất làng nghề cũng ở tuổi 40. Lớp trẻ hầu hết thoát ly làng nghề, nhất là những người đã đi học cao đẳng, đại học bởi cho rằng làm nghề dệt vất vả, thu nhập không cao. Điều này khiến cho lực lượng lao động bị già hóa, nguy cơ không có người kế thừa.

Tương tự, làng nghề mây tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) cũng đang gặp khó khăn về lao động tay nghề cao. Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Nguyễn Phương Quang - Giám đốc Công ty TNHH Việt Quang cho biết, vài năm gần đây, làng nghề không phát triển được vì thiếu đội ngũ lao động kế cận. Dù có khoảng 60 - 70% lao động trong xã làm nghề mây tre đan nhưng đa phần là lao động thời vụ, trình độ, tay nghề không cao. Các hộ sản xuất làm theo mẫu có sẵn chứ không có nhiều thợ đủ khả năng thiết kế mẫu mã sản phẩm, nên hàng hóa không đa dạng, thiếu sức cạnh tranh. Thêm vào đó, số lao động trẻ còn tham gia lao động tại làng nghề khá ít.

Cùng ở huyện Chương Mỹ và cách xã Phú Nghĩa không xa là xã Đông Phương Yên. Những năm 2004 - 2007 là thời kỳ nghề mây tre đan phát triển mạnh, 80% người dân tham gia làm nghề, toàn xã có gần 20 công ty và hơn 50 chủ thu gom sản phẩm. Nhưng nay các mặt hàng mây tre đan của Đông Phương Yên không cạnh tranh được với hàng Trung Quốc nên số hộ làm nghề đã giảm hơn một nửa, doanh nghiệp không sống được với nghề nên đã kinh doanh các mặt hàng khác. Người làm nghề cũng chuyển sang làm ruộng hoặc đi làm thuê; trước kia thanh niên tham gia làm nghề là chính thì nay chỉ còn phụ nữ, trẻ em.

Ông Vương Đình Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội) cho biết, đây cũng là thực trạng chung của nhiều làng nghề trên địa bàn Hà Nội. Điều này không chỉ dẫn đến khó khăn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh mà còn đặt các làng nghề trước nguy cơ mai một nghề truyền thống do thiếu lớp người kế cận. Hiện nay số lao động có tay nghề cao chỉ chiếm hơn 10% trong tổng số lao động làng nghề, trong đó số người được coi là bậc thầy trong nghề chỉ chiếm khoảng 1,5%. Trong khi các nghệ nhân ngày càng cao tuổi, lớp lao động trẻ có thế mạnh là năng động, nhanh nhạy trong việc nắm bắt xu thế mới, ứng dụng công nghệ vào sản xuất lại không mặn mà và có xu hướng “di cư” sang nghề mới có thu nhập hấp dẫn hơn.

Theo NNƯT Nguyễn Phương Quang, nguyên nhân chủ yếu là mấy năm nay hoạt động xuất khẩu chững lại, không có nhiều việc làm nên nhiều lao động trẻ phải tìm việc làm khác. Bên cạnh đó, công việc tại làng nghề không ổn định, thu nhập lại không cao, chỉ khoảng 3 - 4 triệu đồng/tháng, không đủ sức hấp dẫn người trẻ. Cũng chính vì điều này mà công tác đào tạo đội ngũ kế cận cũng gặp khó khăn. Làng nghề mây tre đan Phú Vinh hiện chỉ còn  6 - 7 nghệ nhân, nếu không có chính sách phù hợp kịp thời thì có nguy cơ số lượng nghệ nhân sẽ còn giảm nữa, bằng chứng là 5 năm qua làng nghề Phú Vinh không có một người nào làm hồ sơ nghệ nhân gửi lên UBND thành phố Hà Nội.

Thế hệ sau cũng không mặn mà phấn đấu học tập để trở thành nghệ nhân bởi họ nhìn thấy thực tế là có những nghệ nhân sau khi được công nhận thì cũng không sống được bằng nghề. Thêm vào đó, việc dạy nghề phần lớn được thực hiện theo lối “cầm tay chỉ việc” hoặc tổ chức lớp học ngắn ngày, rất ít làng nghề tổ chức đào tạo bài bản. Cơ sở vật chất, phương tiện dạy nghề ở các gia đình và cơ sở nhỏ lẻ còn thiếu thốn. Việc dạy nghề truyền thống ở một số trường đào tạo nghề chưa gắn với nhu cầu, do đó nhiều người học xong vẫn không tìm được việc làm, nếu có nơi tiếp nhận thì cũng phải tốn thêm thời gian, kinh phí để đào tạo lại.

Cần có chính sách ưu tiên

Thiếu lao động có tay nghề, thiếu lao động trẻ là nguyên nhân khiến sản phẩm các làng nghề truyền thống chưa đa dạng về mẫu mã, thiếu sức cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại ở trong nước và quốc tế. Chính vì thế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút lao động có kỹ năng cao là một trong những nhiệm vụ chính của các doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh Hiệp định EVFTA đã được thông qua.

Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị Tài chính quốc tế, Học viện Tài chính, sở dĩ trình độ lao động trong các làng nghề còn thấp là do công tác đào tạo nghề chưa gắn chặt với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, lao động làng nghề chưa được xã hội coi trọng, năng suất lao động thấp và hiệu quả chưa cao nên không khuyến khích được người trẻ quyết giữ nghề truyền thống. Chính vì thế, nội dung đào tạo nghề cần hướng vào thực tiễn, gắn với nhu cầu của địa phương, doanh nghiệp và của xã hội.

Trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước cần có những chính sách ưu tiên đối với làng nghề về mặt bằng sản xuất, đầu tư tín dụng, xúc tiến thương mại, hỗ trợ kinh phí tổ chức đào tạo nghiệp vụ, hỗ trợ một phần chi phí cho các cơ sở ngành nghề nông thôn trực tiếp mở lớp truyền nghề... Cần thúc đẩy việc áp dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào chương trình đào tạo cho lao động làng nghề, qua đó tạo động lực để người lao động tích cực tìm tòi, phát kiến cải tiến kỹ thuật và ứng dụng vào sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, giải phóng sức lao động... Khi người lao động nhận thấy hiệu quả tốt từ các chính sách hỗ trợ, có thu nhập ổn định và được xã hội tôn trọng... thì làng nghề truyền thống nói chung và nghệ nhân trẻ sẽ phát huy được hết khả năng, thế mạnh vốn có, sẵn sàng tiếp nối nghề truyền thống ở địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đau đáu nỗi lo nhân lực làng nghề