Góp phần lưu giữ vẻ đẹp tinh tế cho Hà Nội

Kiều Nguyệt Linh| 12/03/2020 14:41

(HNMCT) - Nếu ai hỏi về một trong những thú chơi tồn tại lâu nhất trong đời sống văn hóa của người Hà Nội từ xưa đến nay, có lẽ câu trả lời sẽ là thú chơi hoa. Đi cùng với thú chơi ấy là hình ảnh quen thuộc của những gánh hàng hoa và bây giờ là xe đạp hoa chậm rãi len lỏi khắp phố phường, không cần cất tiếng rao, chỉ cần những đóa hoa đủ màu rung rinh sau lưng là đã như một sự “tiếp thị” không lời. Bình dị thôi nhưng điều đó cũng góp phần lưu giữ vẻ đẹp tinh tế cho Hà Nội, cả xưa kia và hiện nay.

Những gánh hàng hoa một thuở

Nhớ về những gánh hàng hoa, bất chợt tôi nhớ về bà nội tôi (bà là Trần Thị Nguyệt, tổ 2, cụm 1, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình) và những ký ức được bà kể đi kể lại khi bà còn là một cô bé tóc đuôi gà, cũng như hàng trăm cô gái làng Ngọc Hà bám theo mẹ ra vườn trồng, cắt, tỉa hoa, rồi lon ton chạy theo mẹ đem hoa lên phố bán. Bây giờ bà đã ở tuổi ngoài 80, mái tóc bạc phơ nhuộm màu sương gió nhưng sáng sáng bà vẫn dậy hái hoa hoàng lan mang ra chợ bán, nhúc nhắc giữ lấy nghề tổ bán hoa gói của người Ngọc Hà.

Không biết có phải nhờ những bước chân đều đều hằng ngày trên đường phố để bán hoa, hay nhờ gánh hàng hoa và mùi thơm của hoàng lan mà sức khỏe của bà luôn ổn định. Để những gia đình ở phố Hàng Ngang, Hàng Đào... sáng mai trở dậy ra mở cửa đã thấy trước cửa nhà treo sẵn gói hoa làng Ngọc Hà. Chủ nhà chỉ việc đem hoa vào nhà đặt lên ban thờ dâng cúng. Gói hoa nhỏ nhưng chuyên chở biết bao tình nghĩa, thể hiện cách ứng xử của lớp sau với người đi trước.

Vào hôm mưa dầm không đi chợ được, bà thường kể cho các cháu nội ngoại về những người con gái Ngọc Hà ngày xưa đi bán hoa ở Hà thành: “Lên 8 tuổi bà đã biết quảy gánh hàng hoa lên vai ra chợ Ngọc Hà, lên 10 tuổi bà đã đem hoa ra cầu Thê Húc - đền Ngọc Sơn bên bờ hồ Hoàn Kiếm để bán. Sau ngày Giải phóng Thủ đô, bà bán hoa ở một chỗ quen thuộc cạnh hồ Hoàn Kiếm. Nhiều nhà ở nội thành coi bà như người thân, rằm, mùng một không thể thiếu gói hoa cúng của bà đưa đến”.

Câu chuyện về cuộc đời gắn với gánh hàng hoa mà bà kể tưởng không biết bao giờ kết thúc. Đến hôm nay bà tôi vẫn giữ được chiếc áo tứ thân màu gụ, cùng chiếc thắt lưng lụa tằm màu mỡ gà. Vào ngày rằm, mồng một, lễ tết bà vẫn đem áo ra mặc, bê mẹt hoa lan, đung đưa đi ra ngõ. Dáng đi của bà không còn mềm mại như thời con gái, nhưng phía sau lưng bà vẫn hiển hiện vóc dáng cô gái làng hoa Ngọc Hà thuở xa xưa.  

Và... xe đạp hoa bây giờ

Những làng hoa xưa tuy không còn nhiều nhưng vẫn hiện hữu và cùng với sự xuất hiện thêm các vùng hoa mới, phục vụ nhu cầu chơi hoa của người Hà Nội. Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mê Linh, huyện Mê Linh (Hà Nội) nhớ lại: “Hơn 20 năm trước, khi những hộ đầu tiên ở xã gieo giống hoa hồng Đà Lạt xuống cánh đồng toàn lúa, nhiều người đã quan tâm tìm hiểu. Từ một vài hộ trồng rồi người dân học tập làm theo, bây giờ thì chỉ riêng hoa hồng đã có hàng chục giống... Từ làng hoa Mê Linh, người Hà Nội đã có thể ngắm hoa, thưởng hoa suốt bốn mùa qua các cửa hàng hoa cũng như xe đạp hoa trên phố”.

Tôi lại nhớ đến mẹ tôi - bà Đương Thị Lê, ở tổ 2, cụm 1, phường Ngọc Hà. Vốn là công nhân xây dựng, nghỉ hưu nhớ nghề làng xưa nên mẹ ngày ngày rong ruổi trên phố với chiếc xe đạp bán hoa, cũng là góp phần cải thiện cuộc sống gia đình. Sáng sáng mẹ đạp xe đi lấy hoa tận làng Đăm (Tây Tựu), quãng đường gần chục cây số. Có hôm 3h sáng đã đạp xe chở hoa về chợ hoa Quảng An (Tây Hồ). Những người đạp xe với mẹt hoa phía sau ở Hà Nội như mẹ tôi giờ vẫn khá phổ biến, trong đó có nhiều người vốn là dân các làng hoa. Di chuyển thường xuyên qua các con phố của Hà Nội, thi thoảng dừng lại nép gọn bên đường, tiện cho người mua nhưng không để ảnh hưởng đến dòng người lưu thông trên phố. Mẹ tôi luôn ý thức như thế, cũng là để chúng tôi yên tâm khi thấy mẹ rong ruổi trên đường mỗi ngày.

Bà Hồ Nguyệt Thu, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Tứ Liên (quận Tây Hồ) bày tỏ: “Trong cuộc sống nhộn nhịp của Hà Nội hôm nay đã thưa dần những gánh hàng hoa trên phố. Thay vào đó là những chiếc xe đạp rong ruổi khắp phố phường. Bằng một công việc bình dị, những chiếc xe đạp hoa gắn liền với hình ảnh người phụ nữ ấy đã góp một nét duyên cho Hà Nội". Thực tế, những xe đạp chở hoa giờ đây đã không chỉ quen thuộc với người dân Hà Nội mà còn là hình ảnh đẹp gây ấn tượng với du khách quốc tế. 

Tuy nhiên, đúng như chia sẻ của bà Lê Thị Minh, cán bộ Hội Phụ nữ phường Quảng An: "Để giữ gìn hình ảnh đẹp này, phù hợp với đời sống văn minh hôm nay, chúng ta cũng nên có những tuyên truyền, hướng dẫn đối với người bán hàng về việc tuân thủ Luật Giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường... Hoặc có thể bố trí những khu vực bán hoa riêng giúp gánh hoa, xe đạp hoa có chỗ dừng đỗ hợp lý, giữ được nét riêng có của xe đạp hoa Hà Nội theo Quy định về quản lý hoạt động bán hàng rong trên địa bàn Thành phố Hà Nội".

Cuối cùng, dẫn những câu chuyện về gánh hàng hoa xưa và nay, không có gì khác là ước muốn tiếp nối, chắt lọc, giữ gìn lối sống, nếp sống, cách ứng xử thanh lịch, văn minh của người Hà Nội. Xưa đã vậy và nay cũng cần như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp phần lưu giữ vẻ đẹp tinh tế cho Hà Nội