Bước chuyển rõ nét trong ứng xử

Thảo Nguyên| 01/02/2020 06:44

(HNMCT) - Được ban hành từ năm 2017, tới nay, Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội đã tạo những chuyển biến tích cực về ứng xử cả ở nơi công cộng và trong các cơ quan, công sở. Những lời hay, ý đẹp, cách ứng xử văn minh ngày càng lan tỏa, dần lấn át thói xấu, việc làm tiêu cực.

Người dân phường Trung Tự, quận Đống Đa tìm hiểu Quy tắc ứng xử nơi công cộng.

Đổi thay từ việc làm thường ngày

Cũng như nhiều xã ngoại thành, vấn đề xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng luôn khiến chính quyền và nhân dân xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng trăn trở. Những trăn trở ấy dần được tháo gỡ kể từ năm 2017, khi hai Quy tắc ứng xử (QTƯX) của thành phố được ban hành và triển khai tới từng thôn, xóm, cơ quan, đơn vị.

Bà Nguyễn Thị Thám, Trưởng thôn Đoài Khê cho biết: “Ý nghĩa tích cực của QTƯX nơi công cộng đã được thấy rõ ngay từ khi triển khai. Bằng nhiều hình thức, xã đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng tới các đoàn thể và đông đảo nhân dân và kể từ đó đến nay, QTƯX nơi công cộng đã đi sâu vào đời sống cộng đồng. Từ những việc làm thường ngày như đổ rác đúng giờ, không thả rông chó, chăm sóc và bảo vệ hoa, cây xanh... tới những việc lớn như chấp hành pháp luật và các quy định chung đều được đa số người dân thực hiện, nếp sống văn minh theo đó ngày càng rõ sức lan tỏa”.

Chị Nguyễn Thị Tâm, số 58 đường Đoài Khê, xã Đan Phượng cho biết: “Thực hiện QTƯX nơi công cộng khiến mọi người trong thôn có nhiều thay đổi về nếp sống. Từ ý thức cho đến hành động, họ không chỉ giữ cho đường làng, ngõ xóm sạch đẹp mà còn tích cực trồng và chăm sóc hoa, cây xanh để làm đẹp làng quê”.

Cách làm sáng tạo nhằm đưa QTƯX vào thực tiễn một cách hiệu quả không chỉ thấy rõ ở Đan Phượng. Tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên, các QTƯX còn được đưa vào Nghị quyết của Đảng bộ phường và được thực hiện rất quyết liệt với quyết tâm cao nhằm thay đổi nếp sống, cách ứng xử theo hướng văn minh. Không chỉ triển khai QTƯX một cách bài bản tới đông đảo người dân, cán bộ, công chức, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, phường còn coi QTƯX như chuẩn mực để giải quyết các vấn đề trong công tác hòa giải, giữ gìn trật tự đô thị, giữ gìn vệ sinh môi trường...

“Ba năm qua, việc thực hiện QTƯX ở Thượng Thanh được người dân rất ủng hộ vì nội dung QTƯX phù hợp với đạo đức, truyền thống văn hóa và quy định của pháp luật. Đến nay, đa số người dân đã nắm rõ chuẩn mực về ứng xử đẹp ở nơi công cộng, vì thế, cách ứng xử chưa đẹp trong cộng đồng ngày càng được hạn chế”, bà Trần Thị Thanh Hồng, Phó Chủ tịch UBND phường Thượng Thanh cho biết.

Kể từ tháng 6-2019 đến nay, UBND xã Minh Cường, huyện Thường Tín đã thực hiện mô hình điểm tuyên truyền về QTƯX tại bộ phận “một cửa”, với trọng tâm là giải quyết thủ tục hành chính văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp. Kể từ khi thực hiện mô hình điểm, bộ phận “một cửa” tại UBND xã Minh Cường được nâng cao về tính chuyên nghiệp, hiệu quả, thể hiện tinh thần phục vụ nhân dân nhiệt tình, thân thiện. Chị Hồng Thị Lợi, cán bộ UBND xã Minh Cường cho biết: “Thực hiện mô hình điểm là cơ hội để chúng tôi cố gắng nâng mình lên trong cách ứng xử mỗi ngày”.

Cú hích từ những mô hình điểm

Đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Quyết định số 522/QĐ-UBND ngày 25-1-2017 của UBND Thành phố về việc ban hành QTƯX của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quyết định số 1665/QĐ-UBND ngày 10-3-2017 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành QTƯX nơi công cộng trên địa bàn thành phố, ông Ngô Văn Nam, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) cho rằng, các QTƯX của Thành phố ngay từ khi ban hành đến nay luôn được người dân đồng thuận, đón nhận vì đưa ra những chuẩn mực đẹp, văn minh trong ứng xử, giúp điều chỉnh hành vi, thái độ của mỗi người cả trong gia đình, ngoài xã hội và ở mỗi cơ quan, công sở.

Ba năm qua, toàn bộ hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân Thủ đô đã tích cực vào cuộc, đưa các QTƯX thấm sâu vào đời sống, tạo nên những hoạt động văn hóa cộng đồng sôi nổi và từng bước tạo chuyển biến tích cực trong lối sống, cách ứng xử.

Để tạo sự sáng tạo, mới mẻ trong thực hiện QTƯX, sau 2 năm đầu (2017 - 2018) tập trung tuyên truyền, vận động trên diện rộng, năm 2019 vừa qua Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã đưa ra 10 mô hình điểm về tuyên truyền QTƯX để các quận, huyện, thị xã triển khai, trong đó có 2 mô hình trong cơ quan, đơn vị; 1 mô hình trong trường học; 7 mô hình ứng xử ở nơi công cộng. Sự đổi mới này là cú hích nhằm tăng hiệu quả triển khai thực hiện các QTƯX.

Ngay từ giữa năm 2019, 30 quận, huyện, thị xã trong toàn thành phố đã lựa chọn mô hình điểm phù hợp với điều kiện địa phương mình để triển khai thực hiện, đến nay bước đầu đã thu được kết quả tích cực. Hiệu quả thấy rõ tại các cơ quan, công sở của thành phố qua việc cán bộ, công chức chấp hành nghiêm kỷ cương nội vụ, bảo đảm giờ làm việc, trang phục chỉnh tề, không uống bia, rượu trong giờ làm việc...

Tại các bộ phận “một cửa”, quy định về tác phong, giờ làm việc, các quy trình thủ tục hành chính được thực hiện nghiêm túc, đúng hạn; đa số người dân không còn phải đi lại nhiều lần để làm thủ tục hành chính. Và quan trọng nhất là hiện tượng nhũng nhiễu đã giảm rõ rệt.

Cũng theo ông Ngô Văn Nam, thời gian tới Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra việc triển khai các mô hình điểm, từ đó rút kinh nghiệm và tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về các mô hình này; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý trường hợp vi phạm cả trong cơ quan và nơi công cộng; thường xuyên phát hiện khen thưởng những cá nhân, tập thể thực hiện tốt các QTƯX để dần đưa cách ứng xử văn minh "ăn sâu, bén rễ" trong cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bước chuyển rõ nét trong ứng xử