Đô thị của ký ức

Giang Nam| 23/01/2020 08:38

(HNMCT) - Cuối phố Hoàng Hoa Thám có một địa chỉ khá đặc biệt. Đó là nơi diễn ra Phiên chợ đồ xưa, thường họp vào dịp cuối tuần. Những người ưa hoài niệm quen lắm với địa chỉ này. Không gian chỉ vài trăm mét vuông, nhưng những hiện vật ở đây có thể ví như “bức tranh thu nhỏ” về lịch sử qua các thời kỳ. Ở đó có những chiếc bình, chiếc lọ, chiếc đĩa gốm phủ màu thời gian, phong cách đa dạng, từ hoa nâu đặc trưng thời Trần cho đến men rạn thời Nguyễn.

Tâm tình. Tranh của Phạm Bình Chương

Có những chiếc gương, lư hương, lọ đốt trầm, tượng đồng... lên “ten” xanh mốc. Có thể là đồ cổ, cũng có thể giả cổ, nhưng chúng đều gợi lên xúc cảm trong mỗi người về một thời quá khứ xa xăm. Trong khoảng hai chục “gian hàng” của phiên chợ, nhiều nhất là các đồ thời bao cấp. Gần như thứ gì cũng có. Đó là những lá thư, con tem của những năm 1960 - 1970, là các loại tiền xu, tiền giấy trước những năm đổi mới. Đó là những chiếc quạt con cóc, mắt kính, ấm chén, đồng hồ, bình hoa, cặp lồng, bi đông nước hay... chân bàn máy khâu. Thậm chí, có nhiều kỷ vật chiến tranh như ba lô, lược nhôm, lọ hoa làm từ thân máy bay... cũng có mặt.

Hà Nội vốn có một phiên chợ đồ cổ trứ danh, họp vào những ngày giáp Tết cùng với chợ hoa Hàng Lược. Chợ đồ cổ, từ lâu đã là một thương hiệu văn hóa, một niềm tự hào của đất Tràng An. Tiếc là một năm vỏn vẹn một phiên có vài ngày. Ở một mảnh đất mà con người chắt chiu từng mảnh ký ức, người ta ưa sống với hoài niệm thì chừng ấy chả thấm tháp gì. Thực ra, gần đây Hà Nội cũng có một phiên chợ đồ xưa ở Hà Đông. Nhưng cái mà những người yêu Thăng Long - Kẻ Chợ cần, là một không gian xưa, nằm trong không gian của những phố cổ, làng cổ xưa cũ của Kinh kỳ. Và rồi, phiên chợ đồ xưa này đã ra đời, nằm ở đất tổng Bưởi cũ, gần chợ Bưởi một tháng sáu phiên. Từ đường Hoàng Hoa Thám, phải đi theo một con dốc thoai thoải xuống.

Dù cuộc sống thường nhật luôn bộn bề, hối hả, nhưng khi nghĩ đến tuổi 1010 của Hà Nội, tôi vẫn luôn hình dung Thủ đô của mình đón tuổi mới một cách chậm rãi, thong dong. Thành phố hơn một thiên niên kỷ, nhưng thực ra, những gì sót lại của quá khứ hiếm khi có niên đại quá vài trăm năm. Ngay như Hoàng thành Thăng Long, phần lớn chỉ còn là phế tích. Phố cổ, ngôi nhà cũ nhất, cũng khoảng 200 năm. Thật không sai khi có người bảo rằng, Hà Nội là một đô thị cổ - mà không thực cổ. Hai trăm năm trước, Bà huyện Thanh Quan đã nao lòng trước những đổi thay của thời gian: “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”. Đổi thay là chuyện thời cuộc. Có những thứ không cưỡng lại được.

Thế nhưng, mặc những đổi thay ấy, cái thú vị của Hà Nội là ngay cả khi không tính những di sản “dân biết mặt, nước biết tên”, những dấu ấn của quá khứ vẫn hiển hiện khắp mọi ngõ ngách của thành phố. Đi trên phố, hay trong những con ngõ ngoằn ngoèo, một chiếc cổng cổ có thể hiện ra trước mắt bất cứ lúc nào. Mảng tường đã bong tróc, rồi nóc cổng, còn nguyên đó những rêu phong. Hà Nội cũ có hai vùng, tôi hay gọi là “Kẻ phố”, và “Kẻ quê”. Kẻ phố là Kẻ Chợ - 36 phố phường. Kẻ quê, tức vùng ven đô, là những làng nghề Kẻ Mơ, Kẻ Bưởi, Kẻ Láng... hay những vùng đất nổi danh hiếu học như Kẻ Vẽ, Kẻ Giàn, Kẻ Mọc, Kẻ Cót... Vùng Kẻ quê vẫn còn nhiều cổng cổ, giếng cổ. Mạn Kẻ Mơ, Kẻ Mọc, Kẻ Bưởi... bên ngoài vẫn phố xá đông đúc nhưng sâu vào các con ngõ sẽ thấy những bất ngờ xưa cũ hiện ra sau những quanh co, khuất khúc.

Tôi thường ví lối đi của làng Giảng Võ lắt léo như kết cấu của một tổ mối khổng lồ. Hai bên ninh ních những bê tông. Ấy mà khi luồn lách trong những con ngõ chỉ “một người rưỡi” đi vừa, tôi đã ngỡ ngàng khi mở ra trước mắt là ngôi cổ tự - chùa Linh Ứng. Lạ nữa, ngôi chùa ấy lại của một tư gia. Dòng họ Trương ở Giảng Võ giữ chùa suốt cả nghìn năm, từ thời tổ tiên kéo nhau sang lập nên Thập tam trại của Hà Nội khi nhà Lý mới dựng cơ nghiệp ở Thăng Long. Giữa thời thế giới phẳng, mọi thông tin đều được khai thác kiệt cùng để đưa lên mạng, Hà Nội vẫn chưa bao giờ thôi làm người ta bất ngờ bởi những bí mật từ quá khứ. Hẳn nhiên, nhiều nhất vẫn mạn Kẻ Bưởi. Dọc phố Thụy Khuê, năm chiếc cổng cổ vẫn bền bỉ phơi mình trong sương gió. Mỗi chiếc cổng, ngày ngày trầm tư với những câu chuyện riêng.

Câu chuyện của những trăn trở, băn khoăn giữa bảo tồn và phát triển vẫn cứ diễn ra. Thậm chí ngày một mạnh mẽ hơn. Đơn giản như một chiếc cổng cổ, gây khó cho những phương tiện đi lại. Ở cả Kẻ phố lẫn Kẻ quê, dấu ấn của quá khứ phai dần, nhất là kiến trúc. Thay vào đó, nhà cao tầng mọc lên ngày một nhiều. Cũng như thuở nào, có những đổi thay gần như không cưỡng được. Người Hà Nội lại tìm cách sống cùng ký ức, dưới một dạng thức khác... Năm 2013, khi nhà thư pháp Kiều Quốc Khánh mở Phiên chợ đồ xưa bên phố Hoàng Hoa Thám, tôi đã tự nhủ: “Cuối cùng, Hà Nội đã có thứ mà nó nên có”. Quả tình, chợ ngày càng đông hơn. Bởi người ta đến phiên chợ, không chỉ để bán - mua.

Sống ở Hà Nội, quan sát thực tế những năm gần đây, hẳn nhiều người chúng ta từng thắc mắc vì sao Hà Nội có nhiều quán cà phê, quán trà theo xu hướng hoài cổ đến thế? Hoài cổ theo xu hướng thiết kế kiểu Á Đông truyền thống, kiểu Pháp đã đành. Thời bao cấp, là khoảng thời gian mà nhiều người muốn quên đi thật mau vì đầy những khốn khó. Khó có thể coi thẩm mỹ của thời bao cấp là cao. Vì thiếu thốn đủ bề. Ăn no, mặc ấm mới là điều cơ bản. Thế mà, những quán cà phê tái hiện thời bao cấp lại phát triển và được Hà Nội đón nhận. Bây giờ, chỗ nào cũng có thể thấy những quán cà phê Cộng, với gam màu chủ đạo là xanh, trang trí bằng cách tái hiện lại thời kỳ “Nhất gạo nhì rau/ Tam dầu tứ muối...”. Đó là hoa văn của chăn “con công”; những chiếc đĩa, chiếc bát tráng men; những chiếc đèn sợi đốt; đâu đó trong góc phòng là chiếc đồng hồ “con gà” lên dây cót, chiếc quạt con cóc, những bức tranh cổ động... Và rất nhiều thứ cũ cũ,... xấu xấu khác. Hà Nội cũng có cả những quán ăn phục vụ các món thời bao cấp. Đi đầu trào lưu này là một quán mang tên “Mậu dịch” ở gần hồ Trúc Bạch. Tất nhiên, có nhiều lý do để những không gian hoài cổ xuất hiện. Nhưng không thể phủ nhận, chúng tồn tại được bởi đáp ứng một phần nhu cầu sống trong ký ức của người Hà Nội.

Nếu hiểu nguồn cơn sự tồn tại của những không gian hoài cổ, thì thật dễ hiểu vì sao, khi không gian Ơ kìa Hà Nội của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp ra đời, ngay lập tức, người ta nhận ra đó là một “mảnh hồn Hà Nội”. Trong một không gian yên tĩnh và tinh tế, có sân, có vườn, có ngôi nhà hai tầng cũ, những trang trí, vật dụng đều khiến người ta gặp lại Hà Nội của một thời rất đỗi thân thương. Tôi chắc rằng, nhiều người sẽ thốt lên một cách ngạc nhiên: “Ơ kìa, Hà Nội!” khi đến với không gian này.

Với cá nhân tôi, có một điều thú vị. Cả Ơ kìa Hà Nội và Phiên chợ đồ xưa đều nằm ở Kẻ Bưởi, ven đường Hoàng Hoa Thám, và đều phải xuống một cái dốc nho nhỏ. Mỗi lần đi qua khu vực này tôi đều thích thú nhìn về con dốc dẫn xuống chợ. Con dốc ấy là dấu tích còn lại của đoạn thành đất bao bọc kinh đô Thăng Long một thuở. Tường thành đã vạt đi rồi, chỉ còn lại lằn đất nhô cao - đường Hoàng Hoa Thám bây giờ. Những lúc ấy, tôi thường tự hỏi: Hà Nội còn bao nhiêu câu chuyện như Linh Ứng tự trong ngõ nhỏ làng Giảng Võ, bao nhiêu câu chuyện như tường thành mà bây giờ là phố xá đông người?

Một đô thị cổ nhưng không thật cổ, đang bị giằng xé giữa bảo tồn và phát triển. Nhưng đâu đâu cũng chồng chất những lớp lang của ký ức. Và những lớp lang ấy, lại góp phần hình thành nên tâm tính con người. Ở mảnh đất này, hình như cứ sống, rồi người ta sẽ gắn bó, sẽ mến yêu, người ta sẽ học được cách trân trọng ký ức. Rồi bằng cách này hay cách khác, người ta sẽ nối tiếp nó, như một dòng chảy tự nhiên...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đô thị của ký ức