Rạng rỡ đất danh hương

Ánh Dương| 26/08/2019 07:59

(HNM) - Vùng đất Thường Tín gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Kinh thành Thăng Long. Nơi đây là quê hương của nhiều vị tướng lĩnh, danh nhân văn hóa lớn và cũng là một trong những "cái nôi" làng nghề lâu đời ở nước ta. Huyện Thường Tín hội tụ tiềm năng và thế mạnh cùng tư duy đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng huyện ven đô trở thành trung tâm công nghiệp - thương mại - dịch vụ kết hợp là vùng nông nghiệp sinh thái của Thủ đô…

Đất danh hương, đất trăm nghề

Từ xa xưa, Thường Tín nổi tiếng là đất danh hương đậm chất văn hóa truyền thống độc đáo nơi cửa ngõ Thủ đô Hà Nội. Nơi đây có 68 nhà khoa bảng - nhiều nhất Việt Nam; là quê hương của các bậc danh nhân như: Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn và các bậc chí sĩ yêu nước như: Lương Văn Can, Lương Ngọc Quyến… Truyền thống văn hóa chính là điểm tựa cho Thường Tín vững bước trên đường phát triển, góp phần tích cực trong cuộc kiến tạo mới của Thủ đô và đất nước.

Giao thông nông thôn tại huyện Thường Tín được đầu tư mở rộng.

Cùng với đó, Thường Tín còn là đất trăm nghề với nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo từ những người thợ tài hoa như Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi đã đúc kết “Nên thợ, nên thầy vì có học/No ăn, no mặc bởi hay làm”. Thường Tín hiện có 126 làng có nghề, trong đó, 47 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống và 1 làng nghề truyền thống tiêu biểu cấp thành phố.

Thế mạnh của đất trăm nghề được Thường Tín khai thác hiệu quả. Trong số 48 làng nghề được công nhận có khoảng 12.500 cơ sở sản xuất và hàng trăm doanh nghiệp trong lĩnh vực nghề truyền thống, tạo việc làm cho khoảng 30.600 lao động với mức thu nhập ổn định. Huyện cũng phối hợp với các ngành chức năng của thành phố hỗ trợ xây dựng 3 nhãn hiệu tập thể (sơn mài Hạ Thái - Duyên Thái; thêu Thường Tín; chăn ga, gối đệm Trát Cầu) và 4 thương hiệu tập thể (điêu khắc Nhân Hiền - Hiền Giang; mộc cao cấp Vạn Điểm; hoa cây cảnh Nội Thôn - Vân Tảo; lưới cước Trần Phú - Minh Cường). Đặc biệt, Thường Tín đã xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển nghề thủ công truyền thống gắn với phát triển du lịch. Làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân đã được UBND thành phố công nhận là điểm du lịch làng nghề, chính thức ghi danh “Làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân” vào chuỗi điểm đến hấp dẫn của du lịch thành phố.

Nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng, những năm qua, hoạt động thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn huyện luôn được Thường Tín ưu tiên hàng đầu và thu được kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, Thường Tín đã có 10 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích 200,3ha, thu hút 171 doanh nghiệp; khu vực ngoài cụm công nghiệp có 1.450 doanh nghiệp, tạo việc làm cho hơn 13.000 lao động, góp phần ổn định, nâng cao đời sống người dân.

Để xây dựng Thường Tín trở thành huyện xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại, huyện đã tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng giai đoạn 2014-2018 với nhiều dự án được triển khai. Chỉ tính riêng năm 2018, Thường Tín đã hoàn thành cơ bản công tác thu hồi đất nông nghiệp, giải phóng mặt bằng một số dự án quan trọng như: Dự án trọng điểm của thành phố về xây dựng mở rộng cao tốc, dự án xây dựng cụm công nghiệp, 4 dự án xây dựng trường học, 5 dự án khu tái định cư, 1 dự án khu đấu giá diện tích lớn…

Nông thôn mới - diện mạo mới

Ở Thường Tín, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” là sự tập trung của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Các phong trào thi đua phát triển sâu rộng, trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mang đến nhiều nét mới cho quê hương, như: Hội Liên hiệp phụ nữ huyện thực hiện 215 đoạn đường phụ nữ tự quản xanh - sạch - đẹp, chỉnh trang khuôn viên 11 nhà văn hóa thôn; Đoàn thanh niên với phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” qua các công trình, phần việc “Bê tông hóa giao thông nông thôn”, tuyến đường thanh niên tự quản “Sáng, xanh, sạch, đẹp”; Hội Nông dân với các phong trào “Nông dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu”...

Sự lan tỏa rộng khắp của các phong trào đã tác động tích cực tới người dân trong việc cùng nhau xây dựng nông thôn mới. Trong đó, có thể kể tới việc người dân đóng góp 22.362 triệu đồng để xây dựng đường giao thông nông thôn, cầu Tiền Phong 2; riêng Trường THCS Nguyễn Trãi A được xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa với tổng kinh phí hơn 44 tỷ đồng… Trong 10 năm xây dựng nông thôn mới, nhân dân huyện Thường Tín đã đóng góp 187.952 ngày công lao động, hiến 2.820m2 đất thổ cư, 44.039m2 đất nông nghiệp để mở rộng giao thông nông thôn, giao thông nội đồng… Bên cạnh đó, phong trào xây dựng nông thôn mới còn thể hiện rõ qua sự tương hỗ hiệu quả giữa các lực lượng quân, dân, doanh nghiệp khi cùng chung sức cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện các tuyến giao thông nông thôn và nội đồng.

Tiêu biểu, xã Hồng Vân kết hợp với Lữ đoàn 239 đầu tư xây dựng các tuyến đường tại địa phương; Công ty Giấy Vạn Điểm chung sức với xã Vạn Điểm xây dựng tuyến đường của xã với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng... Mặc dù xây dựng được rất nhiều công trình như vậy, song, Thường Tín không nợ đọng xây dựng cơ bản. Từ nỗ lực của cán bộ, quân và dân trên địa bàn, tính đến hết năm 2018, Thường Tín có 24/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Vui mừng về những thành tựu mới, trong dịp huyện kỷ niệm tròn 65 năm Ngày giải phóng, cán bộ, nhân dân, các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn Thường Tín càng tự hào về miền đất danh hương có nhiều đóng góp trong tiến trình phát triển Thủ đô và đất nước. Đây là niềm tin và sức mạnh để Thường Tín tiếp tục nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng; đồng thời, đưa 4 xã còn lại của huyện đạt chuẩn nông thôn mới và cán đích huyện nông thôn mới vào năm 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rạng rỡ đất danh hương