Chuyện 27 cây me ở Hà Nội

Nguyễn Ngọc Tiến| 02/06/2023 06:40

(HNMCT) - Hầu hết các đô thị ở Nam Bộ đều trồng me. Đặc biệt ở  quận 1, quận 3 (thành phố Hồ Chí Minh), me được trồng trên nhiều con đường dài như Nguyễn Du, Võ Văn Tần... Ở Hà Nội hiện còn rất ít loại cây này. Tất cả chỉ có 27 cây và hầu hết ở quận Hoàn Kiếm.

Me là cây xanh thân gỗ lớn được trồng làm cây bóng mát. Ảnh: Nguyễn Thanh

Những tài liệu còn lưu đến ngày nay cho biết, năm 1865, để tránh cái nóng vào mùa khô, viên đô đốc hải quân Pháp đã cho trồng me trên một số con đường ở Sài Gòn. Một nhà thực vật học người Pháp, ông Louis Piere, giám đốc đầu tiên của Thảo cầm viên Sài Gòn đã cho trồng me trên nhiều con đường khác. Louis Piere chọn me vì cây này có nguồn gốc bản địa, lại có rễ cọc. Me có lá nhỏ, khi rụng xuống đường, nước mưa sẽ làm trôi lá, không gây tắc cống thoát nước. Theo thời gian, những hàng me ở Sài Gòn đã đi vào văn, thơ, họa, nhạc. Một trong những tác phẩm văn học nghệ thuật có cái tên rất lãng mạn là bài hát “Con đường có lá me bay” của cố nhà thơ, nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền.

Ở Hà Nội hiện chỉ còn 27 cây me. Phố Trần Nguyên Hãn có 2 cây, đoạn đầu Hàng Bài có 3 cây, phố Lê Thái Tổ có 5 cây, đầu phố Bà Triệu có 1 cây. Phố Lý Thái Tổ, trước khách sạn Metropole có 1 cây. Nhiều nhất là phố Ngô Quyền - có 16 cây. Trận mưa lớn ngày 10-11-2021 làm đổ một cây ở vườn hoa Lý Thái Tổ nên trên phố Ngô Quyền hiện chỉ còn 15 cây. Một điểm rất đáng chú ý, các phố có me hiện nay đều là những tuyến phố đầu tiên theo kiểu châu Âu ở Hà Nội, có vỉa hè, cây xanh, được hình thành từ cuối thế kỷ XIX.

Thời kỳ đó, trụ sở các cơ quan công quyền, nhà máy, khách sạn... đều ở những phố này. Phố Balny (nay là Trần Nguyên Hãn) có Sở Trước bạ - Văn tự, nhà máy điện; phố Rue Beauchamp (nay là Lê Thái Tổ) có bốt Hàng Trống (nay là trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm); đại lộ Đồng Khánh (phố Hàng Bài ngày nay) có Trại lính khố xanh (số nhà 40, hiện do Bộ Công an quản lý). Đường Henri Rivière (nay là phố Ngô Quyền) có Phủ Thống sứ và Bắc Bộ phủ... Nhưng những cây me này trồng từ bao giờ?

Ngày 22-8-1903, Đốc lý Hà Nội Baille Frédérie (nhiệm kỳ 1901 - 1903) ban hành quy định về tiêu chuẩn trồng cây xanh trên phố. Theo đó, cây me đáp ứng các tiêu chuẩn: Rễ cọc, không tiết ra nhựa độc và mùi khó chịu, thân thẳng. Tuy nhiên, 3 tiêu chuẩn lại không đạt là: Lâu lớn, có quả ăn được nên con trẻ trèo hái có thể gây nguy hiểm, tán cũng không rộng. Điều đó có nghĩa là cây me được trồng trước khi đốc lý thành phố ban hành bộ tiêu chuẩn cây xanh trên phố. Tại sao họ lại trồng me mà không phải cây khác? Có lẽ vì me trồng trên đường phố Sài Gòn phát triển tốt, có tán chống nắng nên Tòa Đốc lý Hà Nội  bắt chước trồng theo. Mặt khác, cuối thế kỷ XIX, Vườn thí nghiệm thực vật (Jardin d’essal) và Trại cây giống La Forge đầu phố Thụy Khuê vẫn chưa gây được nhiều cây trong khi cây me giống ở Sài Gòn lại có sẵn. Việc vận chuyển ra Hà Nội cũng dễ dàng.

Sau năm 1903, cây me không được trồng ở phố nữa. Một điều chắc chắn là khi trồng me, Sở Lục lộ sẽ trồng hết chiều dài con phố. Có thể vì lý do nào đó mà nhiều cây trên các con phố bị chết, và do quy định của Đốc lý Baille Frédérie nên Sở Lục lộ không thể trồng me vào những gốc cây chết, buộc họ phải thay thế những giống khác. Điều đó giải thích vì sao Hà Nội hiện chỉ còn 27 cây nằm rải rác.

Vậy tại sao cây sấu có quả ăn được lại trồng tràn lan trên phố sau khi quyết định của Đốc lý Baille Frédérie ban hành mà me thì không? Bởi sấu là giống bản địa đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn theo quy định, trừ việc có quả; cây sấu có ưu điểm là nhanh lớn, tán hình nấm nên tạo bóng mát rộng, lá hình mắt nai rất đẹp, hoa có mùi thơm chua nhè nhẹ nên chính quyền nhượng bộ. Còn cây muỗm ở phía bên hồ Gươm (đối diện với siêu thị Intimex trước đây, nay là tòa nhà khách sạn Four Season đang xây dựng) phố Lê Thái Tổ thì sao? Cây muỗm này chính quyền không trồng, nó có từ thế kỷ XIX, ở trước cửa đình Nam Hương. Năm 1885, thành phố mở đường quanh hồ, đường đi qua đình nên họ chuyển đình sang vị trí hiện nay và giữ  lại cây muỗm.

27 cây me ở Hà Nội đã trên dưới 130 năm tuổi, thân cây nào cũng to cỡ hai vòng tay người lớn. Dù già cỗi và không biết chúng sẽ sống được thêm bao nhiêu năm nữa nhưng hằng năm, các cây này vẫn ra hoa, kết quả. Chỉ có điều, trẻ con ngày nay không trèo cây hái như trước nữa vì me chín được bán rất nhiều trong các siêu thị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện 27 cây me ở Hà Nội