Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần một tinh thần cộng đồng trách nhiệm

Mai Chi Nguồn: thực hiện| 22/05/2023 06:00

(HNMCT) - Làng Việt truyền thống ở Thủ đô hiện đang bị biến dạng trước sự tác động của sự phát triển kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa. Hàng trăm ngôi làng đã trở thành khu dân cư nửa nông thôn nửa đô thị với sự lộn xộn về cảnh quan, sự biến dạng trong kiến trúc nhà ở, sự xuống cấp của cấu trúc hạ tầng... Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với TS.KTS Vũ Hoài Đức - Tổng Thư ký Hội Kiến trúc sư Hà Nội, giảng viên khoa Các khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội) để làm rõ hơn về vấn đề này.

TS.KTS Vũ Hoài Đức - Tổng Thư ký Hội Kiến trúc sư Hà Nội.

- Xin ông cho biết, kiến trúc làng xã cổ truyền ở Hà Nội có những đặc trưng gì?

- Làng truyền thống ở Thủ đô có tính thống nhất trong cấu trúc, đa dạng trong cách tổ chức, sáng tạo theo điều kiện tự nhiên, địa hình, điều kiện xã hội và tổ chức xây dựng. Giá trị cấu trúc làng Hà Nội là rất lớn, thể hiện một ý đồ thiết kế rõ ràng, thích nghi với hoàn cảnh, điều kiện sản xuất, đặc điểm dân cư và xã hội.

Làng truyền thống có giá trị về tổ chức không gian và cảnh quan đặc sắc với các công trình kiến trúc cổ truyền, đường làng, ngõ xóm, đồng ruộng, ao hồ, địa hình cảnh quan sông, kênh mương, cây xanh, mặt nước đẹp và phong phú. Ở các công trình kiến trúc ấy còn chứa đựng giá trị tiêu biểu về việc sử dụng các vật liệu truyền thống trong xây dựng. 

Không gian kiến trúc, cảnh quan truyền thống là cơ sở để các giá trị văn hóa phi vật thể tồn tại. Các hoạt động văn hóa truyền thống tại sân đình, biểu diễn rối nước trên ao làng, lễ hội hằng năm, các không gian cổng làng, đình, chùa, quán... trên đồng là những không gian giao tiếp làm tăng tính cộng đồng làng xã.

- Hiện nay, làng xã truyền thống tại Hà Nội đã có sự biến đổi như thế nào, thưa ông?

- Sự phân chia đất ở hiện đang diễn ra tự phát, làm phức tạp thêm vấn đề về giao thông và hạ tầng. Các dạng nhà ở xây mới làm mất đi khả năng tạo một hình ảnh thống nhất trong phong cách kiến trúc. Các làng xã đô thị hóa không còn là các làng xã kiểu như một đơn vị cư trú ở nông thôn, mà trở thành một khu vực dân cư đô thị. Trong hầu hết các làng xã hiện nay, so với một khu dân cư đô thị thì còn thiếu nhiều thành phần, chủ yếu là các công trình công cộng như chợ, nhà trẻ mẫu giáo, trường học, sân thể thao với bán kính phục vụ đảm bảo tiêu chuẩn. 

Về mặt hạ tầng, hệ thống thoát nước trước đây chủ yếu thoát ra đồng ruộng, nay cần có sự kết nối với hạ tầng kỹ thuật đô thị. Hệ thống đường giao thông hiện có phân nhánh không phù hợp với một mật độ dân cư cao; đường ô tô không tiếp cận được đến nhiều khu nhà ở nên xe cứu hỏa, cứu thương tiếp cận rất khó khăn. Ở nhiều làng xã thường xảy ra tình trạng tắc nghẽn tại lối ra vào giờ cao điểm.

- Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những nguy cơ mà làng xã truyền thống phải đối mặt trong quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ tại Hà Nội?

- Sự biến đổi cấu trúc không gian, xã hội trong làng xã đang xảy ra không chỉ ở một vài làng mà đang diễn ra trên diện rộng, trong đó, các làng xã vùng ven đô có sự biến đổi rõ nét và nhanh chóng nhất. Điều này làm tăng nguy cơ mất đi giá trị truyền thống và hình thành môi trường cư trú mới thiếu tính bền vững. 

Việc chỉ giữ lại đình, chùa không đủ để chuyển tải những giá trị văn hóa truyền thống đến tương lai. Hàng trăm làng xã sẽ tiếp tục mang trong mình một cấu trúc hạ tầng nhỏ bé, yếu ớt trong quá trình đô thị hóa, chịu tải cho sự phát triển của các nhu cầu mới. Tất yếu sẽ có tắc đường, ngõ nhỏ chen chúc, thiếu nước sạch, đường làng thành phố chợ. Nhiều làng xã ở Thủ đô sẽ là nơi trú ngụ, mưu sinh của những người nghèo, của công nhân, sinh viên, dẫn đến sự xuất hiện của rất nhiều nhà trọ và các vấn đề xã hội phức tạp.

- Dễ thấy có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến thực trạng nêu trên, thưa ông?

- Những vấn đề phức tạp nảy sinh trong quá trình đô thị hóa xuất phát từ chính sự biến đổi không đồng nhất của các nhân tố, có những nhân tố mang tính chủ quan, có nhân tố mang tính khách quan. Trong đó, không thể không bàn tới sự thiếu sót trong nhận thức, coi làng xã đô thị hóa là khu dân cư có mật độ thấp trong khi thực tế đây là khu có mật độ dân cư tăng rất nhanh; coi làng xã là một khu vực dân cư thông thường mà không kể tới cấu trúc truyền thống của nó; sự cần thiết phải giữ một sắc thái riêng cho các làng xã đô thị hóa. Bên cạnh đó là sự thiếu tương đồng về tốc độ giữa các mặt như thu hồi đất nông nghiệp với việc chuyển đổi nghề nghiệp; gia tăng mật độ dân cư với việc cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật bên trong làng xã đô thị hóa...

- Vậy theo ông, chúng ta cần những giải pháp nào cho vấn đề nói trên?

- Về nguyên tắc, để tạo sự phát triển bền vững cho làng xã đô thị hóa, khắc phục các nhược điểm như đã thấy trong giai đoạn vừa qua, có thể thực hiện một số giải pháp, như: Tạo khoảng không gian mở xung quanh làng là vùng đệm để phát triển các công trình dịch vụ công cộng, đây cũng là phần đất để tạo điều kiện chuyển đổi nghề nghiệp; Xây dựng hệ thống đường bao kết nối với các đường cụt ngõ xóm và hạ tầng đô thị; Có đất phát triển các dịch vụ công cộng thương mại theo xu thế của khu vực dân cư đô thị; Bảo vệ các không gian công cộng truyền thống như không gian đình, chùa, ao làng, giếng làng.

- Ông có đề cập đến việc bảo tồn kiến trúc làng xã truyền thống. Vậy hiện trạng, thách thức của công tác này là gì?

- Các di sản kiến trúc công trình như đình, chùa, miếu nhìn chung đã được nhận diện đúng giá trị, các chức năng ít thay đổi. Các di sản khác như cổng, ao, giếng, điếm, quán, cầu, cây xanh, mặt nước chưa có sự nhận diện, đánh giá giá trị đầy đủ. Có nhiều giá trị mới hình thành hoặc kế thừa. Tuy nhiên, giá trị di sản về cấu trúc tổng thể, sinh thái, sinh thái nhân văn của làng đặc biệt bị suy giảm, chưa có sự nhận diện đúng, tính bền vững của làng truyền thống giảm sút.

Có 3 khía cạnh cần phải được giải quyết, đó là: Kinh phí bảo tồn cần được huy động từ người dân và xã hội, không nên quan niệm Nhà nước đã bảo tồn thì Nhà nước phải đầu tư xây dựng; Công tác quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn phải được lồng ghép với công tác quy hoạch bảo tồn. Việc công nhận di tích cần làm rõ ý nghĩa pháp lý của việc bảo vệ di tích, nhưng trách nhiệm thực hiện là của cả Nhà nước và cộng đồng; Về vấn đề cách thức bảo tồn không đúng với quan điểm của bảo tồn khoa học, người dân phải được tham gia, có trách nhiệm tham gia cùng với các cơ quan chuyên môn để thực hiện từ khâu lập hồ sơ đến quá trình thi công tu bổ di tích. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức cho người dân và cán bộ văn hóa xã về công tác bảo tồn. Ngoài ra, nên đẩy nhanh việc thực hiện công tác bảo tồn ở một số làng cổ tiêu biểu để nhân rộng. Vấn đề khai thác du lịch sau khi có các hoạt động bảo tồn cũng cần được tính đến.

Làng ở Thủ đô đã và đang biến đổi sâu sắc. Bảo tồn các di sản văn hóa của làng Việt truyền thống diễn ra trong bối cảnh xã hội có sự chuyển biến nhanh, dòng chuyển cư mạnh mẽ làm phá vỡ cấu trúc tổ chức dân cư vốn có, đòi hỏi các cấp, ban, ngành phải có giải pháp tổng thể. Việc xây dựng một mô thức ứng xử để bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị làng Việt truyền thống cần sự nỗ lực rất lớn từ nhiều phía.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần một tinh thần cộng đồng trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.