Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì một “Hà Nội đẹp từng centimet”

An Định| 11/05/2023 11:30

(HNMCT) - "Hà Nội đẹp từng centimet", đó là tên một cuộc thi thiết kế dành riêng cho Hà Nội nằm trong khuôn khổ chương trình Tuần lễ thiết kế Việt Nam, thể hiện mong muốn Hà Nội, thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế phải là thành phố đẹp tới từng ly. Năm nay, thí sinh của cuộc thi sẽ tập trung giải bài toán thiết thực, tưởng đơn giản nhưng lại rất hóc búa: Cải tạo các nhà vệ sinh công cộng quanh hồ Gươm.

Bài toán thiết thực

“Thiết kế nhà vệ sinh công cộng bên hồ Gươm” là nhánh đề bài nằm trong khuôn khổ cuộc thi Designed by Vietnam 2023, thuộc chương trình Tuần lễ thiết kế Việt Nam (VietNam Design Week) do Vietnam Design Group phối hợp cùng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) tổ chức thường niên.

Về lý do chọn đề bài đặc biệt này, kiến trúc sư Doãn Thế Trung chia sẻ: “Hồ Gươm là trái tim của Thủ đô Hà Nội. Những năm gần đây, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã trở thành điểm nhấn của Thủ đô, với nhiều hoạt động có sức hấp dẫn đối với người dân, du khách trong nước và quốc tế. Trong khi đó, hệ thống nhà vệ sinh công cộng ở khu vực này hiện chưa đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng, chưa thực sự sạch đẹp”.

Theo báo cáo của Phòng Quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm, trên địa bàn quận hiện có 50 nhà vệ sinh công cộng với hình thức quản lý hết sức đa dạng, có thời gian xây dựng và sử dụng qua nhiều thời kỳ khác nhau. Tuy nhiên, phần lớn số nhà vệ sinh công cộng được xây dựng đã lâu và đã xuống cấp. Chẳng hạn, đối với 32 nhà vệ sinh công cộng do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị - chi nhánh Hoàn Kiếm quản lý thì chỉ có 6 nhà vệ sinh đảm bảo phục vụ người dân; 24 nhà vệ sinh công cộng đã xuống cấp, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân và khách du lịch (theo Sở Xây dựng, đa phần các nhà vệ sinh công cộng này đều được xây dựng từ trước năm 1990, nhà mới nhất tại số 8 Lê Thái Tổ cũng đã có thời gian sử dụng trên 13 năm) và 2 nhà vệ sinh công cộng đang tạm dừng hoạt động để phục vụ dự án thi công ga ngầm S12 và các hạng mục thuộc dự án. Với các nhà vệ sinh công cộng còn lại trên địa bàn quận, một số đã dừng hoạt động, bị hư hỏng, xuống cấp.

Tìm kiếm ý tưởng chỉnh trang đô thị

Từ thực tế nói trên, Ban tổ chức cuộc thi cùng UBND quận Hoàn Kiếm, dự án "Hanoi Design City - Hà Nội đẹp từng centimet" với sự hợp tác của Viglacera mong muốn tìm kiếm giải pháp thiết kế mới cho 3 nhà vệ sinh công cộng bên hồ Gươm. Ba vị trí được đề xuất gồm: Nhà vệ sinh công cộng gần bãi đỗ xe Bờ Hồ; nhà vệ sinh công cộng đối diện ngã ba Hàng Trống - Lê Thái Tổ; nhà vệ sinh công cộng đối diện Công ty Điện lực Hà Nội. Đề bài mở nên không quy định về quy mô, diện tích, hình thức cũng như nội dung các thành phần chức năng của công trình. Thí sinh tự do đề xuất giải pháp đáp ứng yêu cầu thiết kế, như hài hòa với cảnh quan khu vực; sáng tạo, độc đáo và khả thi; sử dụng tối đa ở mức có thể các vật liệu - thiết bị do Viglacera sản xuất.

Thực tế cho thấy, quận Hoàn Kiếm nằm ở vị trí trung tâm của Hà Nội, diện tích nhỏ so với các quận, huyện khác nhưng lại là trung tâm hành chính, chính trị, dịch vụ, du lịch của Hà Nội và là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa lớn của Thủ đô và cả nước. Ngoài ra, trên địa bàn quận cũng triển khai nhiều hoạt động kinh tế và du lịch như không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, tuyến phố Hàng Đào - Hàng Giấy - chợ đêm Đồng Xuân, tuyến phố đi bộ khu vực mở rộng phía Nam khu Phố cổ Hà Nội, tuyến phố ẩm thực Tống Duy Tân... Do vậy, việc chỉnh trang đô thị nói chung, chỉnh trang các nhà vệ sinh công cộng nói riêng luôn được Thành phố cũng như Quận ủy, UBND quận Hoàn Kiếm quan tâm đầu tư.

Ông Trịnh Hoàng Tùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm chia sẻ: "Quận đã nghiêm túc triển khai thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”, trong đó có việc triển khai đề án chỉnh trang nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn quận. Tuy nhiên, khoảng 50 nhà vệ sinh công cộng  trên địa bàn quận được xây dựng qua nhiều thời kỳ, với quy mô, diện tích khác nhau cơ bản đã xuống cấp. Từ năm 2019 đến nay, nhiều nhà vệ sinh công cộng đã được sửa chữa nhưng sau một thời gian sử dụng đã phát sinh nhu cầu cải tạo tổng thể. Trong khi đang triển khai công việc này thì quận được tiếp cận với các kiến trúc sư và Ban tổ chức cuộc thi Designed by Vietnam 2023 cùng chung ý tưởng, chọn việc thiết kế nhà vệ sinh công cộng làm đề bài. Chúng tôi rất hoan nghênh cuộc thi và cảm ơn Ban tổ chức cũng như các kiến trúc sư đã cho quận Hoàn Kiếm cơ hội tiếp cận các ý tưởng để xây dựng, chỉnh trang nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn”.

Ba nhà vệ sinh quanh hồ Gươm được đề xuất thi tìm kiếm giải pháp thiết kế mới. Ảnh: Nhật Nam

Làm đẹp để khuyến khích thay đổi hành vi

Mặc dù đưa ra một đề bài cụ thể song mong muốn của các nhà thiết kế là từ đó lan tỏa niềm cảm hứng để tạo ra một Hà Nội "đẹp từng centimet". Kiến trúc sư Lê Việt Hà, thành viên Ban tổ chức Tuần lễ thiết kế Việt Nam chia sẻ: “Từ năm ngoái chúng tôi đã hình thành một đề bài riêng cho Hà Nội, đó là “Hà Nội design city - Hà Nội đẹp từng centimet”, với mong muốn chúng ta hãy chăm sóc cho Hà Nội từng li, từng tí. Không nhất thiết phải làm một cái gì đó to lớn, mà có thể làm chi tiết, nhỏ nhưng đẹp, thiết thực. Từ việc làm đẹp dẫn đến thay đổi hành vi. Khi vỉa hè được làm đẹp thì không ai vứt rác ra đó cả, ý thức của người dân tự khắc được nâng lên. Chúng ta phải hành động để thay đổi hành vi, dân trí, tạo thói quen tốt hơn. Các ngõ ngách, không gian công cộng đẹp dần lên thì hình ảnh xấu xí sẽ dần biến mất”.

Năm 2019, UNESCO đã công nhận thành phố Hà Nội là thành viên chính thức thuộc Mạng lưới các thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế. Theo các nhà thiết kế, đây chính là động lực để chúng ta xây dựng Hà Nội đẹp hơn. Kiến trúc sư Lê Việt Hà chia sẻ thêm: “Đối với việc làm đẹp Hà Nội, từ cách đây 20 năm, năm 2002, Ashui do tôi sáng lập đã tổ chức cuộc thi tìm kiếm ý tưởng làm đẹp cho khu phố cổ Hà Nội, sau này, khoảng 40 đồ án đã được Ban quản lý phố cổ lưu giữ và tìm cách khai thác, và dần dần phố cổ đã có thay đổi tích cực. Hay dự án đánh thức không gian năm 2008 có ý tưởng tái tạo những vòm cầu đã mất của cầu Long Biên bằng ánh sáng vào ban đêm. Năm 2011, chúng tôi tổ chức cuộc thi thiết kế cải tạo công viên Thống nhất và đề xuất bỏ hàng rào, đến nay đã dần được thực hiện. Ở khu vực hồ Gươm hay Văn Miếu, chúng ta cố gắng tạo ra những không gian sáng tạo để cộng đồng cùng tham gia làm đẹp thành phố. Đây cũng là lĩnh vực mà các cấp lãnh đạo của Hà Nội luôn mong muốn chúng ta - các nhà thiết kế - cùng tìm giải pháp để giải quyết các vấn đề của Hà Nội trong quá trình đô thị hóa. Hà Nội phải đẹp, an toàn. Chúng tôi mong muốn hành động thiết thực để Hà Nội dần trở thành một thành phố thiết kế đúng nghĩa, khi chúng ta ra đường phải thấy dấu ấn của thiết kế”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì một “Hà Nội đẹp từng centimet”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.