Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết liệt xử lý dự án chậm triển khai

Hoàng Sơn| 09/01/2023 08:00

(HNM) - Hiện nay, trên địa bàn huyện Mê Linh tồn tại 64 dự án chậm triển khai từ 14 đến 18 năm. Những dự án này không chỉ gây lãng phí nghiêm trọng nguồn lực đất đai mà còn khiến cuộc sống của hàng nghìn người dân trong vùng dự án gặp khó khăn. Bất cập này cần được các cơ quan chức năng quyết liệt vào cuộc xử lý.

Dự án Khu nhà ở Minh Giang - Đầm Và trên địa bàn xã Tiền Phong chậm triển khai đã hàng chục năm. Ảnh: Đức Duy

Không khó để “điểm mặt” hàng loạt dự án chậm triển khai trên địa bàn huyện Mê Linh. Điển hình là dự án khu nhà ở làng hoa Tiền Phong (xã Tiền Phong) có diện tích hơn 400.000m2, do Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Prine Land làm chủ đầu tư. Dự án được UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành quyết định thu hồi, giải phóng mặt bằng từ năm 2003, đến nay chủ đầu tư vẫn “án binh bất động”.
Ông Trần Văn Mạnh, người dân xã Tiền Phong có đất nằm trong dự án cho biết, toàn bộ khu đất này trước đây là "bờ xôi ruộng mật", nông dân trồng rau màu. Nhưng giờ đây, sau hơn 19 năm, người dân thì thiếu đất sản xuất, còn doanh nghiệp được giao đất lại bỏ hoang, rất lãng phí…

Ngoài dự án này, trên địa bàn huyện Mê Linh còn hàng chục dự án khác có tổng diện tích hơn 2.000ha đất bị các doanh nghiệp “xí phần” nhiều năm như: Khu đô thị mới Vinalines có diện tích hơn 115ha ở các xã: Đại Thịnh, Thanh Lâm, Tráng Việt; Khu đô thị mới Prime Group gần 100ha ở các xã: Đại Thịnh, Tráng Việt, Mê Linh; Khu đô thị mới An Thịnh hơn 72ha ở xã Đại Thịnh… Trong đó, có nhiều dự án đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng vẫn quây tôn hàng chục năm nay.

Lý giải cho sự chậm triển khai dự án, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Prine Land Nguyễn Viết Miên cho biết, hiện dự án của công ty còn khoảng 3.000m2  của 10 hộ dân chưa nhận tiền đền bù hay dự án có sự điều chỉnh chủ trương đầu tư và các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội chưa phê duyệt xong thủ tục giao đất nên doanh nghiệp không thể triển khai...

Trong khi đó, một chủ đầu tư khác cho biết, nguyên nhân chậm trễ là do huyện Mê Linh sáp nhập về Hà Nội phải điều chỉnh quy hoạch. Mặc dù năm 2008, Mê Linh chính thức về Hà Nội, tuy nhiên, tới tận cuối năm 2014, các quy hoạch phân khu và chi tiết mới hoàn chỉnh. Do vậy, từ năm 2008-2014, các doanh nghiệp phải dừng chờ điều chỉnh quy hoạch. Từ đó đến nay, các doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư. Thậm chí, có những dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, giải phóng xong mặt bằng nhưng do có chính sách giao đất dịch vụ nên khi doanh nghiệp mang máy móc vào triển khai thì bị người dân phản đối dẫn đến tiến độ bị chậm.

Có nhiều lý do chủ đầu tư đưa ra để biện minh cho sự chậm trễ này. Do đó, đã đến lúc các cơ quan chức năng của huyện Mê Linh và thành phố Hà Nội quyết liệt vào cuộc, có chế tài mạnh, nghiêm minh, thậm chí thu hồi dự án để xử lý các chủ đầu tư chậm triển khai. Huyện Mê Linh cùng các sở, ngành thành phố có thể tính đến phương án xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, phân loại dự án để có hướng xử lý thích hợp. Nếu chủ đầu tư không có năng lực hoặc có sai phạm trong quá trình triển khai thì quyết liệt thu hồi, dừng dự án. Còn lỗi thuộc về quy trình thủ tục, phê duyệt quy hoạch, vướng giải phóng mặt bằng… thì các cơ quan quản lý nhà nước nhanh chóng vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết để triển khai dự án theo tiến độ.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Trần Thanh Hoài cho biết, cuối năm 2022, huyện đã phối hợp với các sở, ngành thành phố kiểm tra, rà soát đối với 64 dự án chậm triển khai trên địa bàn huyện. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, rà soát của đoàn liên ngành, UBND huyện Mê Linh đã kiến nghị UBND thành phố Hà Nội thu hồi, dừng thực hiện đối với 20/64 dự án. Trong đó, đến nay thành phố đã ban hành quyết định thu hồi 5 dự án chậm triển khai và lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án theo quy định.

Còn 44 dự án tiếp tục được triển khai, UBND huyện Mê Linh đề xuất thành phố chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành liên quan sớm thực hiện điều chỉnh quy hoạch, phê duyệt chủ trương đầu tư và bàn giao đất cho doanh nghiệp khởi công dự án. Đồng thời, huyện cũng yêu cầu các doanh nghiệp có văn bản cam kết về năng lực tài chính, con người, máy móc để khẩn trương thực hiện dự án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết liệt xử lý dự án chậm triển khai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.