Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giao thông - động lực phát triển bền vững

12/10/2022 07:08

(HNM) - Xác định vai trò quan trọng của hạ tầng giao thông trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, những năm qua, huyện Thường Tín đẩy mạnh phát triển giao thông, tạo động lực phát triển toàn diện. Đặc biệt, mới đây, Thường Tín xây dựng Đề án Định hướng phát triển huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (chuyên đề phát triển tổng thể mạng lưới giao thông vận tải trên địa bàn huyện). Xung quanh vấn đề này, Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới.

Hạ tầng giao thông của huyện Thường Tín ngày càng đồng bộ và liên thông với mạng lưới giao thông - vận tải của thành phố Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Quang

- Thường Tín phấn đấu đến năm 2025 đạt huyện nông thôn mới nâng cao và trở thành quận vào năm 2030, giải pháp nào để đạt mục tiêu đó, thưa đồng chí?

- Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Thường Tín lần thứ XXIV đề ra mục tiêu đến năm 2025, cơ bản các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; tiếp tục phát triển kinh tế với cơ cấu hợp lý gắn với bảo vệ môi trường; từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng; đến năm 2030, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; phát triển kinh tế bền vững; cơ bản đạt các tiêu chí quận của Thủ đô…

Để hoàn thành mục tiêu trên, huyện triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó, tập trung phát triển hạ tầng giao thông, tăng kết nối giao thương, vận chuyển, tạo đòn bẩy phát triển toàn diện. Theo đó, huyện xây dựng Đề án Định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (chuyên đề phát triển tổng thể mạng lưới giao thông - vận tải trên địa bàn), đang xin ý kiến đóng góp từ các đơn vị.

- Đồng chí có thể chia sẻ với bạn đọc rõ hơn về đề án này?

- Thường Tín có hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh với nhiều loại hình: Cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến giao thông nội huyện; cùng với đó là đường sắt Bắc - Nam, hệ giao thông đường thủy nội địa... Do đó, mạng lưới giao thông vận tải cần có sự kết nối để khai thác hiệu quả hệ thống giao thông hiện có và dự kiến trong tương lai...

Đề án được xây dựng gồm 5 chương: Chương 1: Hiện trạng kinh tế - xã hội huyện Thường Tín. Chương 2: Hiện trạng giao thông - vận tải huyện Thường Tín. Chương 3: Dự báo nhu cầu vận tải trên địa bàn Thường Tín đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chương 4: Phương án phát triển giao thông - vận tải huyện Thường Tín đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chương 5: Các giải pháp tổ chức thực hiện Đề án.

Mục tiêu đề án là cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông - vận tải huyện, nhằm đáp ứng các chỉ tiêu thành lập quận vào năm 2030; tập trung nâng cao tốc độ khai thác trên các tuyến đường bộ, tối ưu mạng lưới để rút ngắn hơn nữa thời gian tiếp cận đến các trung tâm hành chính, khu công nghiệp, khu di tích, khu du lịch của huyện.

Đối với cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, huyện chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan trung ương, địa phương lân cận cùng nghiên cứu, đề xuất các phương án kỹ thuật, phân kỳ đầu tư để thúc đẩy thực hiện nhanh các dự án đầu tư theo quy hoạch, phấn đấu sớm hoàn thiện các tuyến đường theo quy hoạch đã được duyệt.

Đối với hệ thống đường huyện, đường xã, đường đô thị, địa phương tập trung phát triển phù hợp quy hoạch không gian, kiến trúc đô thị, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, liên thông với mạng lưới giao thông - vận tải của thành phố Hà Nội.

Đặc biệt, huyện nâng cao tỷ lệ quỹ đất hạ tầng giao thông trong đô thị; với các khu đô thị mới, tỷ lệ này đạt bình quân 16-30% so với quỹ đất xây dựng đô thị.

- Vậy đâu là giải pháp để huyện thực hiện Đề án, thưa đồng chí?

- Để thực hiện Đề án, huyện đã xây dựng nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào việc tạo vốn phát triển như: Tăng mức đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông bằng ngân sách nhà nước, ưu tiên những tuyến đường trọng điểm có tính đột phá, kết nối các xã, công trình đầu mối giao thông có sức lan tỏa; đa dạng hóa nguồn lực đầu tư...

Đối với các công trình do trung ương quản lý như hệ thống đường sắt, đường bộ cao tốc, quốc lộ, hệ thống cảng đường thủy nội địa, nguồn vốn chủ yếu là ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, hợp tác Nhà nước và tư nhân…

Đối với các công trình địa phương quản lý thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn như vốn huy động từ ngân sách nhà nước (của trung ương, địa phương), trái phiếu chính phủ, hợp tác nhà nước và tư nhân (PPP); vốn cho đầu tư phát triển dịch vụ vận tải và công nghiệp vận tải do các doanh nghiệp tự đầu tư. Nhà nước, huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi bằng cơ chế chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia dịch vụ vận tải và công nghiệp vận tải.

Về các giải pháp phát triển vận tải, huyện tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; ưu tiên nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý, đặc biệt trong quản lý hoạt động vận tải; nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong giao thông - vận tải trên cơ sở tổ chức vận tải hợp lý, phát huy lợi thế vận tải đường thủy, đường sắt; áp dụng vận tải đa phương thức.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giao thông - động lực phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.