Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển Mê Linh theo hướng đô thị

Hoàng Sơn| 12/08/2022 07:23

(HNM) - Sau 10 năm thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU, nay là Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, nông thôn huyện Mê Linh có nhiều khởi sắc. Hiện 16/16 xã của huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; huyện đạt 9/9 tiêu chí nông thôn mới. Thời gian tới, huyện Mê Linh tiếp tục đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn kiểu mẫu phát triển theo hướng đô thị...

Mô hình trồng hoa lan của ông Nguyễn Tiến Dũng, xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh) cho thu nhập cao. Ảnh: Thanh Tuyền

Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Trọng Phan cho biết, giai đoạn 2010-2021, huyện Mê Linh đã đầu tư hơn 4.011 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, "bộ mặt" nông thôn của huyện ngày càng khang trang, sạch đẹp; an sinh xã hội được bảo đảm; văn hóa, giáo dục, y tế phát triển; trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; thu nhập bình quân đạt 58,6 triệu đồng/người/năm, tăng 45 triệu đồng so với năm 2010. Qua đánh giá, tỷ lệ hài lòng của người dân trong xây dựng nông thôn mới đạt từ 96% đến 99%.

Ngoài việc xây dựng hạ tầng nông thôn, Mê Linh cũng quan tâm phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng sức cạnh tranh cho nông sản trên thị trường. Cụ thể, huyện đã quy hoạch được các vùng chuyển đổi quy mô lớn như: Vùng sản xuất hoa, cây cảnh tại xã Mê Linh 190ha, xã Văn Khê 110ha, xã Đại Thịnh 80ha; vùng sản xuất rau an toàn tại xã Tráng Việt 200ha, xã Văn Khê 90ha, xã Tiền Phong 80ha, xã Tiến Thắng 70ha; vùng trồng chuối tiêu, tây hồng 100ha tại xã Hoàng Kim và xã Chu Phan; vùng sản xuất lúa cốm 50ha tại xã Tam Đồng…

Từ phong trào sản xuất, huyện Mê Linh đã xuất hiện nhiều nông dân điển hình, tiên phong trong phát triển sản xuất, kinh doanh, đem lại thu nhập cao. Tiêu biểu như ông Nguyễn Tiến Dũng, chủ mô hình hoa lan ở xã Đại Thịnh phát triển nông trại tổng hợp trên diện tích 129.000m2, trong đó 5.000m2 trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao đem lại doanh thu khoảng 7 tỷ đồng/năm; ông Sái Văn Triệu (xã Hoàng Kim) trồng 70ha chuối tiêu xuất khẩu, cho thu nhập 250 triệu đồng/ha/năm.

Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, những kết quả này đã mở ra chặng đường mới để huyện tiếp tục đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng đô thị. Trong đó, huyện đặt mục tiêu đến cuối năm 2022 có 1-2 xã “về đích” nông thôn mới nâng cao; đến năm 2025 là 6-8 xã nông thôn mới nâng cao và 1-2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Để thực hiện mục tiêu trên, Mê Linh tập trung chỉ đạo có hiệu quả công tác tuyên truyền gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đồng thời, huyện coi đây là nhiệm vụ quan trọng để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đặc biệt, để nâng cao thu nhập cho người dân, huyện khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp hữu cơ; phát triển các vùng chuyên canh hoa - cây cảnh gắn với du lịch trải nghiệm; phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng mỗi năm 20-30 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao để nâng tầm giá trị nông sản của địa phương.

Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho lao động nông thôn... “Chúng tôi xác định lấy lợi ích của người dân làm động lực để tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và coi đây là nền tảng để tiếp tục đầu tư xây dựng nông thôn theo hướng đô thị, trở thành quận trong giai đoạn 2025-2030”, ông Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển Mê Linh theo hướng đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.