Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lắng nghe "ống thở"...

Hà An| 24/07/2022 14:19

(HNMCT) - Một ngày đầu tháng bảy nắng nóng, văn phòng kiến trúc VUUV của hai anh em kiến trúc sư Vũ Hoàng Sơn, Vũ Hoàng Hà tại tầng 8 tòa nhà đa chức năng VUUV (342 Bà Triệu) vẫn đón gió, tràn ánh sáng. Mỗi chớp cửa được mở ra, khép lại thích ứng với cơn mưa rào vừa ập đến, cảm nhận được hơi thở nhẹ nhàng, mới mẻ của một ngôi nhà ống ở Hà Nội...

Ngôi nhà hòa nhập vào bối cảnh đô thị với mỗi tầng là một không gian chức năng độc lập. Ảnh: Sơn Hà

Một hình dung mới về nhà ống

Ra đời năm 2020, và được giới kiến trúc xem như một ví dụ về giải pháp linh hoạt cho nhà ống ở Hà Nội, gần 2 năm qua VUUV đã chứng tỏ những giá trị mới của tòa nhà đa năng này nhờ sáng tạo.

Hai anh em kiến trúc sư Vũ Hoàng Sơn, Vũ Hoàng Hà đã xây dựng công trình nhà ở và dịch vụ ngay trên chính mảnh đất mà họ sinh ra và lớn lên (342 Bà Triệu) sau nhiều năm học tập, làm việc ở châu Âu. Như những ngôi nhà ở đô thị đương đại, khi diện tích chiều ngang ngày một hạn hẹp thì người sử dụng sẽ nỗ lực mở rộng không gian theo chiều đứng. Ngôi nhà được đẩy lên 8 tầng, trên mặt bằng 4x25m, tạo ra một diện tích sử dụng 800m2. Nhưng điều đáng nói là với công trình này, anh em kiến trúc sư đã bứt phá làm mới mình để đa dạng hóa công năng sử dụng và tạo sự cộng hưởng tối đa với thiên nhiên, môi trường sống xung quanh.

Khoảng ngõ và sân chạy dọc cạnh nhà tạo thành “đường thở”, đồng thời cũng là không gian xanh mát lành, kết nối với ngôi nhà cũ của ông bà được giữ nguyên vẹn ở cuối sân. Đặc biệt, nhà ống VUUV phá bỏ tính cố hữu của mô hình nhà ống từng bùng nổ trong những năm 1990 - bị chia cắt thành hai phần với cầu thang, nhà vệ sinh ở chính giữa. Những chủ nhân của công trình mới đã đưa hệ thống cầu thang, nhà vệ sinh ra cuối ngôi nhà, tạo cho nhà ống một không gian liền mạch, thông thoáng. Nhờ vậy, 8 tầng nhà có thể được thiết kế linh hoạt để làm nhà ở, phòng triển lãm, văn phòng, không gian cà phê làm việc... Hệ thống chịu lực, tường, cầu thang... giữ nguyên vẻ thô mộc, xù xì của vật liệu bê tông, tạo cảm giác giản dị, là lạ, phóng khoáng, dễ gần. Những viên gạch lát nền ở văn phòng kiến trúc mang dáng dấp những viên gạch trong ngôi nhà Hà Nội xa xưa. Chúng mang đến cảm giác kết nối với ký ức gia đình, thành phố...

Với VUUV, nhà cổ - "nhà khổ” hay nhà ống tối tăm, chật chội, xuống cấp do bị chia sẻ không gian sống... đã không còn là “tất yếu”. Mặt tiền tầng 1 cũng được giảm bớt gánh nặng trách nhiệm kiếm ra tiền khi các đơn vị không gian bên trên hoàn toàn có cơ hội ngang hàng. Đặc biệt, tòa nhà là một điểm đến văn hóa, sáng tạo, gợi mở nhiều điều liên quan tới nhu cầu cải thiện điều kiện sống của cư dân đô thị vốn ngày một nóng bức, chật chội...

Nơi đây, trong thời điểm dịch Covid-19 được khống chế, đã diễn ra nhiều hoạt động thú vị về nghệ thuật đương đại như triển lãm phi lợi nhuận “Ống thở” với sự góp mặt của 16 nghệ sĩ. Ngoài ra, trong nhịp sống bình thường của đô thị, thi thoảng có thể bắt gặp ở không gian cà phê làm việc ở tầng 1 những gương mặt họa sĩ, giám tuyển nghệ thuật, nhà điêu khắc... như họa sĩ Vương Văn Thạo - người đã “hóa thạch” những ngôi nhà cổ của 36 phố phường Hà Nội; giám tuyển Nguyễn Thế Sơn, người kết nối các nghệ sĩ trong nhiều sân chơi sáng tạo nghệ thuật ấn tượng ở Thủ đô.

Không gian tầng 3, 4 đã từng diễn ra triển lãm nghệ thuật đương đại “Ống thở”.

Triết lý sáng tạo kiến trúc đô thị

Kiến trúc sư Vũ Hoàng Hà nhiều lần trở đi trở lại một khẳng định trong câu chuyện với chúng tôi, rằng: Hà Nội là một thành phố đầy tiềm năng về lịch sử, văn hóa. Chính chặng đường phát triển phần “đô” và phần “thị” với những tác động và can dự của nhiều yếu tố (kinh thành Thăng Long hội tụ tinh hoa vùng miền, các phường nghề thủ công truyền thống, chốn giao thương, di sản kiến trúc thời Pháp thuộc, dòng sông Hồng chảy giữa thành phố...) đã tạo cho Hà Nội âm hưởng, không khí đặc sắc khác biệt với các thành phố khác. Nhưng trải qua những đứt gãy do chiến tranh, rồi sự bùng nổ đô thị hóa mà thiếu đi khả năng quản lý hiệu quả, đô thị lõi đã và đang đối diện với nhiều hệ lụy... Tuy nhiên, sự vận động là tất yếu bởi không thể bất động để ôm khư khư quá khứ. Sự cởi mở về nhiều mặt của đời sống đất nước cộng với cái nhìn tích cực và tinh thần sáng tạo, những vấn đề của không gian đô thị ở Hà Nội có thể được cải thiện từng bước.

Theo kiến trúc sư Vũ Hoàng Sơn, ngôi nhà này chính là một chương trong hoạt động nghề nghiệp của VUUV. Nó cũng là kết quả của một quá trình tìm tòi giải pháp cho không gian sống của các thành viên trong gia đình. Trước hết, tòa nhà đã được nhìn nhận với một tư duy khác ngay từ khi phác những nét đầu tiên với tính năng của một tòa nhà hỗn hợp, dịch vụ ở vùng lõi trung tâm. Kiến trúc tòa nhà, vì thế, phải làm sao đáp ứng được mục tiêu đó.

Hai kiến trúc sư cũng phân tích: Nhà ống nguyên bản ở Hà Nội vốn chỉ đáp ứng một số công năng cụ thể, chuyên biệt với hình thức cố định. Sau khi mô hình nhà tập thể dần bộc lộ hạn chế thì nhà ống quay trở lại, tràn ngập đô thị Hà Nội với những điều chỉnh về công năng, như kết hợp nhà ở với kinh doanh hộ cá thể ở tầng 1... Nhưng đó vẫn chưa phải là câu chuyện hoàn hảo. Cho đến khi luật pháp cho phép xây cao tầng hơn, nhà ống được mở rộng theo chiều đứng, điều này đồng nghĩa với việc người kiến trúc sư và cả chủ đầu tư cũng phải tư duy lại. Từ thực tế tòa nhà ở 342 Bà Triệu cũng như một số công trình của VUUV ở nhiều nơi, các kiến trúc sư cho rằng: Những điều chỉnh hợp lý về nhà ống mang lại giá trị thặng dư cho chính chủ nhân, cộng đồng và đô thị.

Kiến trúc sư Vũ Hoàng Sơn nhấn mạnh, thực hành kiến trúc ở đô thị, nhất là ở Hà Nội thì không thể không chú trọng tính linh hoạt và khả năng thích ứng của không gian trong điều kiện thực tế của thành phố. Kiến trúc sư, ngoài việc giỏi về mỹ thuật và kỹ thuật thì còn phải có tư duy nhạy bén trước sự vận động, thay đổi hằng ngày của xã hội để tư vấn cho chủ đầu tư, đem lại thành công của dự án.

Tất nhiên, việc truyền thông ý tưởng của người sáng tạo không phải lúc nào cũng dễ dàng, cái khó nhất là làm sao thuyết phục người dân thay đổi lối nghĩ. Những va đập trong quan niệm là tất yếu, xảy ra giữa các thế hệ ngay trong mỗi gia đình khi họ đứng trước mọi quyết định xây dựng, cải tạo không gian sống. Lớp trước kiên quyết giữ vững mô hình nhà ống một thời với những phào chỉ tân cổ điển; lớp sau quyết tối giản, đa chiều không gian, tương tác mạnh mẽ... Cũng có lúc công cuộc chuyển giao thế hệ không thành công, nhưng các kiến trúc sư đều cho rằng, những sáng tạo nhằm làm cho cuộc sống tốt hơn vẫn cho thấy tín hiệu tích cực. Điển hình là sự xuất hiện của không ít không gian sáng tạo trên những điều kiện đa dạng từ nhà ở, trung tâm triển lãm, khu đô thị lớn đến khu dân cư..., trong đó, yếu tố hiện đại, nhân văn là điều được chú trọng.

Có thể nói, giải quyết những vấn đề về không gian sống của đô thị đương đại là không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Nghệ sĩ Lê Đăng Ninh, tác giả của hai tác phẩm “Nhà tối” và “Ba chìm bảy nổi” trưng bày tại triển lãm “Ống thở” cũng bày tỏ: Thành phố phát triển cũng là lúc chúng ta cần nhiều hơn nữa các không gian mở theo những cách sáng tạo. Những thiết kế có tính đổi mới mạnh mẽ đó góp phần đáp ứng nhu cầu của xã hội, nâng cao chất lượng sống của người dân, dần thay đổi bộ mặt đô thị. Bên cạnh đó, nó giúp tập hợp các nghệ sĩ và khuyến khích nhiều tầng lớp cư dân sáng tạo.

Và, để có thêm những không gian sáng tạo đó thì như chia sẻ của Vũ Hoàng Sơn, Vũ Hoàng Hà, sự thấu hiểu về tập quán, tinh thần của đô thị Hà Nội, khả năng sáng tạo trên nền yếu tố bản địa vẫn là những điều kiện sống còn để các nghệ sĩ, người dân cùng tạo dựng không gian sống đẹp đẽ, dễ thở hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lắng nghe "ống thở"...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.