Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nông thôn mới là động lực phát triển Mê Linh thành đô thị

04/02/2022 06:57

(HNMCT) - Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU, nay là Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, đến nay nông thôn huyện Mê Linh đã có nhiều khởi sắc. Huyện đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới và tiếp tục đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn kiểu mẫu. Thành quả này sẽ là tiền đề quan trọng để Mê Linh phát triển thành đô thị. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Hạ tầng nông thôn huyện Mê Linh ngày càng khởi sắc.

Động lực cho sự phát triển 

- Sau 10 năm triển khai Chương trình số 02-CTr/TU, nay là Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, đến nay huyện Mê Linh đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM). Đồng chí có thể cho biết những kết quả nổi bật của huyện khi thực hiện chương trình này?

- Thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU (Chương trình số 02) của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân”, huyện Mê Linh đã đạt kết quả nổi bật trong công tác dồn điền, đổi thửa. Qua đó, tạo thuận lợi cho địa phương xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, như: Vùng sản xuất hoa tại xã Mê Linh 190ha, xã Văn Khê 110ha, xã Đại Thịnh 80ha; vùng sản xuất rau an toàn tại các xã: Tráng Việt 200ha, Văn Khê 90ha, Tiền Phong 80ha, Tiến Thắng 70ha… 

Trong giai đoạn này, huyện đã huy động từ nhiều nguồn được hơn 1.576 tỷ đồng cho chương trình xây dựng NTM. Nhờ vậy, đến hết năm 2015, toàn huyện có 9/16 xã “về đích” NTM.

Giai đoạn từ năm 2016 đến 2021, huyện Mê Linh xác định nhiệm vụ chính trị trọng tâm xuyên suốt là hoàn thành 100% số xã NTM và trở thành huyện NTM. Mục tiêu này huyện đã đạt được, khi cả 16/16 xã “về đích” NTM. Hiện huyện đang chờ Trung ương công nhận đạt chuẩn NTM và sẽ tổ chức đón danh hiệu “Huyện đạt chuẩn nông thôn mới” vào đầu năm 2022. 

Tính cả giai đoạn từ năm 2010 đến 2021, huyện Mê Linh đã đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng để xây dựng NTM. Đến nay, bộ mặt nông thôn đã khang trang, sạch đẹp; an sinh xã hội được bảo đảm; văn hóa, giáo dục, y tế phát triển; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Tính đến hết năm 2021, toàn huyện chỉ còn 1 hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 58 triệu đồng/người/năm...

- Kết quả này tiếp tục mở ra chặng đường mới để huyện Mê Linh xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, vậy đồng chí cho biết mục tiêu của huyện trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 là gì?

Huyện xác định xây dựng NTM là quá trình thường xuyên liên tục, tiến tới phát triển nông thôn bền vững, có hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, môi trường sinh thái trong lành, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa làng quê, chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao… Huyện cũng huy động tối đa nguồn lực để nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM tại 16 xã. Mục tiêu trong năm 2022, huyện Mê Linh đưa 1-2 xã “về đích” NTM nâng cao; đến năm 2025, có 6-8 xã NTM nâng cao và 1-2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. 

- Đồng chí có thể nói rõ hơn về những giải pháp chủ yếu huyện Mê Linh sẽ triển khai trong thời gian tới?

- Trước hết, Huyện ủy tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM trên địa bàn gắn với thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân”. Để thực hiện mục tiêu này, huyện huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự tham gia của nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn; triển khai đồng bộ giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Thứ hai, huyện tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền xây dựng NTM gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, xem đây là nhiệm vụ chính trị của địa phương và làm nền tảng để xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. 

Thứ ba, khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp hữu cơ; phát triển các vùng chuyên canh hoa, cây cảnh; vùng nguyên liệu rau, củ, quả phục vụ chế biến và xuất khẩu; phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp; phát triển được 110-130 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên để nâng tầm giá trị sản phẩm nông nghiệp của địa phương...

Thứ tư, tập trung đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là giao thông, thủy lợi; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho lao động nông thôn... Phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân; lấy phục vụ lợi ích cho cư dân nông thôn làm động lực xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu. Đồng thời, coi đây là cơ sở để huyện tiếp tục đầu tư xây dựng theo hướng đô thị.

Huyện Mê Linh đã quy hoạch được vùng trồng hoa quy mô 20-240ha tại xã Mê Linh, Văn Khê, Đại Thịnh.

Phát triển Mê Linh thành đô thị sinh thái

- Song song với xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, huyện Mê Linh cũng đặt ra mục tiêu phát triển thành đô thị dịch vụ sinh thái phía Bắc Thủ đô, hướng tới lên quận. Vậy trong thời gian tới, huyện sẽ triển khai các nhiệm vụ gì, thưa đồng chí?

- Trong giai đoạn 2021-2025, huyện Mê Linh ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển đô thị; hoàn thiện và đưa vào sử dụng các tuyến đường; đẩy nhanh cải tạo, nâng cấp hệ thống cung cấp điện, nước, chiếu sáng và thoát nước; cải tạo hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa; phối hợp với các sở, ban, ngành thành phố triển khai đồng bộ, có hiệu quả các công trình trọng điểm trên địa bàn.

Thực hiện nhiệm vụ có tính chất đột phá này, trong 5 năm tới, huyện đã lên danh mục các dự án đầu tư, với tổng nguồn vốn khoảng 8.000 tỷ đồng thực hiện hàng trăm dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội. Trong đó, có các dự án trọng điểm với tổng nguồn vốn hơn 2.300 tỷ đồng như: Đường cảng Chu Phan đi quốc lộ 23B, tuyến đường Tiền Phong đi Tự Lập, tuyến đường Yên Vinh (xã Thanh Lâm) đến đường 36 Khu công nghiệp Quang Minh... Hệ thống hạ tầng giao thông này của huyện sẽ được khớp nối với đường Vành đai 3,5 và Vành đai 4 của thành phố giúp địa phương phát triển...

- Tuy nhiên, để có đủ nguồn lực thực hiện nhiệm vụ có tính đột phá này, huyện Mê Linh sẽ huy động nguồn vốn như thế nào, thưa đồng chí?

- Trước hết, huyện tăng cường thu ngân sách và ưu tiên ngân sách thực hiện các dự án phát triển đô thị. Đồng thời, huyện mạnh dạn tạm dừng các dự án chưa cần thiết để tập trung nguồn lực xây dựng hạ tầng khung, tạo sức bật thu hút đầu tư, phát triển đô thị, sản xuất công nghiệp và dịch vụ. 

Huyện chỉ đạo các phòng, ban, xã, thị trấn rà soát quỹ đất, lập dự án xây dựng hạ tầng khu đấu giá quyền sử dụng đất, phấn đấu mỗi năm thu 800 tỷ đồng từ đấu giá đất để bổ sung cho ngân sách. Hằng năm, huyện kịp thời cập nhật, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng để phù hợp với tình hình thực tế, nhu cầu phát triển giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2025-2030.

Bên cạnh đó, huyện sẽ bám sát sự chỉ đạo của thành phố để thu hút nguồn lực từ ngân sách thành phố, các quận và tổ chức, cá nhân để đầu tư các dự án hạ tầng khung giúp địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội…

Quan trọng hơn nữa, huyện cũng đề nghị thành phố giới thiệu doanh nghiệp có đủ năng lực và quyết tâm vào đầu tư, giúp huyện Mê Linh ngày càng khởi sắc và sớm hiện thực hóa việc phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ theo quy hoạch.

Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông thôn mới là động lực phát triển Mê Linh thành đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.