Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phúc Thọ nâng cấp nhiều công trình thủy lợi

Kim Nhuệ| 17/11/2021 07:25

(HNM) - Xây dựng từ lâu, không được sửa chữa thường xuyên... nhiều tuyến kênh mương, giao thông nội đồng của huyện Phúc Thọ bị hư hỏng, xuống cấp. Để đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, cơ quan chức năng huyện Phúc Thọ đang triển khai nhiều giải pháp...

Đoàn kiểm tra huyện Phúc Thọ khảo sát một tuyến kênh nội đồng tại xã Thọ Lộc.

Kênh Đồng Duyên là một trong những công trình thủy lợi nội đồng quan trọng của xã Thọ Lộc khi làm nhiệm vụ dẫn nước và tiêu nước cho gần 100ha trồng lúa, rau, cây ăn quả, trang trại chăn nuôi... Tuy nhiên, quan sát thực tế tuyến kênh này trong ngày 13-11, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, lòng kênh bị lấp kín bởi bùn đất và cỏ dại, bờ kênh bị lún sụt, đổ vỡ, thiếu cao trình... Tương tự, nhiều tuyến kênh khác trên các xứ đồng của xã Thọ Lộc, như: Đồng Xuân, Đài Lạc, Đồng Dường, Đôi Cây, Mả Khô, Đồng Hẹp, Bờ Bằng, Nội Gạo... đang trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp...

Trao đổi với phóng viên, ông Khuất Bá Tý, nông dân thôn Ổ Thôn (xã Thọ Lộc) cho hay, tuyến kênh Đồng Duyên đã bị hư hỏng từ lâu. Nếu không sớm khắc phục, sửa chữa lại, e rằng toàn bộ ruộng của người dân trong thôn khó mà sản xuất...

Theo Chủ tịch UBND xã Thọ Lộc Nguyễn Huy Trung, xã hiện có 24 tuyến kênh với tổng chiều dài 64,9km làm nhiệm vụ tưới tiêu cho hơn 500ha đất sản xuất nông nghiệp và phục vụ các hoạt động dân sinh. Tuy nhiên, phần lớn công trình kênh mương, giao thông nội đồng trên địa bàn xã đang bị hư hỏng...

Không riêng Thọ Lộc, nhiều tuyến kênh, giao thông nội đồng trên địa bàn các xã: Tích Giang, Hát Môn, Tam Hiệp, Hiệp Thuận... có tiết diện nhỏ, đáy kênh bị bồi lắng, cỏ mọc um tùm, gây tắc nghẽn dòng chảy. Nhiều đoạn bờ kênh bị sạt lở, thiếu cao trình, dễ bị tràn bờ khi vận hành các trạm bơm tưới, tiêu...

Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ, trên địa bàn hiện có 2.942 tuyến kênh với tổng chiều dài gần 1.262km thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương. Trước đây, những công trình này thuộc Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích quản lý. Thực hiện quy định mới của thành phố, năm 2020, Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích mới bàn giao những công trình này cho huyện quản lý. Tuy nhiên, do xây dựng đã lâu, kết cấu bằng đất, không được sửa chữa thường xuyên và ảnh hưởng các trận mưa lớn... nên phần lớn các tuyến kênh mương trên địa bàn huyện bị xuống cấp...

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội và Sở NN& PTNT, huyện Phúc Thọ vừa thành lập đoàn công tác và đang kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình thủy lợi, giao thông nội đồng. Qua kiểm tra thực tế, đoàn công tác của huyện Phúc Thọ ghi nhận tại xã Sen Phương có 15 tuyến kênh bị hư hỏng nặng, xã Phúc Hòa có 10 tuyến, xã Trạch Mỹ Lộc có 11 tuyến, xã Hiệp Thuận có 8 tuyến, xã Ngọc Tảo có 7 tuyến...

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Khuất Quang Cảnh, để sửa chữa, nâng cấp các tuyến kênh mương trên địa bàn bị hư hỏng, đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, huyện Phúc Thọ cần hàng nghìn tỷ đồng. Với khả năng thực tế, ngân sách huyện Phúc Thọ khó đáp ứng yêu cầu, rất cần thành phố hỗ trợ...

Để cấp đủ nước làm đất, gieo cấy vụ đông xuân 2021-2022, huyện Phúc Thọ đã yêu cầu UBND các xã, thị trấn, hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huy động người dân nạo vét hệ thống kênh mương hư hỏng, san gạt thùng vũng trên các tuyến giao thông nội đồng...

“Sau khi hoàn thành kiểm tra hiện trạng công trình, huyện sẽ lập danh mục công trình và đề nghị các sở, ngành báo cáo đề xuất UBND thành phố bố trí kinh phí đầu tư xây dựng các tuyến kênh mương, giao thông nội đồng giai đoạn 2021-2025 theo thứ tự ưu tiên...”, ông Khuất Quang Cảnh thông tin.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phúc Thọ nâng cấp nhiều công trình thủy lợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.