Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng không gian văn hóa ở vỉa hè: Hài hòa lợi ích chung - riêng

Hoàng Lan| 28/11/2020 06:28

(HNMCT) - Với lịch sử hình thành của một vùng đất hội tụ, các hoạt động diễn ra trên vỉa hè ở Hà Nội còn được xem là nét văn hóa đặc trưng của Thủ đô. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay những hoạt động của đời sống diễn ra tại không gian này đã và đang làm nhếch nhác diện mạo đô thị, cản trở giao thông... Rõ ràng Hà Nội cần có những giải pháp quyết liệt, căn cơ để vỉa hè không chỉ là "vùng đệm" giữa công trình kiến trúc và đường phố, mà còn giữ vai trò trong việc tạo lập bản sắc, hình ảnh văn hóa, văn minh của một đô thị hiện đại.

Việc tổ chức, quản lý tốt vỉa hè vừa bảo đảm văn minh đô thị, vừa đáp ứng nhu cầu trải nghiệm ẩm thực, văn hóa Hà Nội của du khách. Ảnh: Nguyên Ân

Nhịp sống phố phường

Có một thực tế, trong ký ức của những người đi xa luôn có một nỗi nhớ rất hữu hình về vỉa hè Hà Nội. Vỉa hè Hà Nội thậm chí còn là một đề tài được nhắc đến trong nhiều sáng tác nghệ thuật, đơn cử như “quán cóc liêu xiêu một câu thơ”, “cốm sữa vỉa hè thơm bước em qua”...

Vỉa hè, nói theo ngôn ngữ của các nhà quy hoạch, đó là “vùng đệm” giữa đường phố và các công trình kiến trúc. Nhưng ở Hà Nội có một sự khác biệt, “vùng đệm” ấy là nơi diễn ra nhịp sống phố phường. Tại Hà Nội, bước ra khỏi cửa người ta có thể tìm thấy, trải nghiệm gần như đủ thứ nhu cầu thiết yếu ngay trên vỉa hè. Từ thúng xôi của cô hàng quen đầu ngõ, hay hàng ngô luộc, ốc nóng, cà phê, nước mía cho đến quán cơm, bún, phở vỉa hè... Đáng nói là chỉ cần một cái bàn, dăm chiếc ghế và bộ ấm chén là có thể tạo nên một quán trà đá nhộn nhịp trên vỉa hè. 

Ông Jean Noel Poirier, cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam, một người nước ngoài có tình yêu say đắm dành cho Hà Nội, đã tiết lộ rằng điều cuốn hút ông nhất khi sống ở Hà Nội chính là không gian sinh hoạt nơi vỉa hè: “Dường như người Hà Nội trên khu phố cổ chẳng có điều gì phải giấu giếm, chẳng có điều gì cần bí mật. Họ sống trên vỉa hè, nấu cơm trên vỉa hè, nuôi con trên vỉa hè, làm việc trên vỉa hè, ngủ trên vỉa hè. Không sợ ai “nhòm ngó” cả. Và tôi nói thật, ẩm thực vỉa hè cũng rất tuyệt”. 

Còn Rama Martin, chuyên gia kinh tế người Uruguay, tác giả cuốn sách Hà Nội một chốn rong chơi được trao Giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” năm 2014 thì tâm sự rằng ông đã đi từ ngạc nhiên rồi đến yêu thích cuộc sống “ngồn ngộn” được người Hà Nội “bày biện” ngay trên vỉa hè, như hình ảnh của những người bán hàng rong, những bà mẹ cho con bú, những người đàn ông ngồi đọc sách, đánh cờ, tập thể dục...

Tuy nhiên, vỉa hè Hà Nội không chỉ có “quán cóc” với “câu thơ”, mà trên nhiều tuyến phố Thủ đô, những vỉa hè ken đặc bàn ăn, cộng với những bãi đỗ xe tự phát (và cả có giấy phép) chiếm hết diện tích khiến người đi bộ chỉ còn cách... đi xuống lòng đường, ít nhiều gây nên sự bất tiện.

Bên cạnh đó, hiếm có thành phố nào lại tồn tại những thuật ngữ “phở chạy, bún bưng, cà phê đuổi” như ở Hà Nội. Thực khách, từ thanh niên cho đến người già, từ viên chức cho đến người lao động, hễ thấy bóng dáng công an, dân phòng... là bưng bát chạy, khi xe của lực lượng chức năng đi khuất lại bưng bát quay lại và đặt trên những chiếc ghế nhựa thấp để tiếp tục xì xụp. Chưa hết, mỗi khi đường phố ùn tắc, không ít người điều khiển phương tiện xe máy “leo” lên vỉa hè để có thể vượt lên, nhanh hơn những người khác! Những hình ảnh phản cảm ấy ít nhiều làm giảm đi nét đẹp thanh lịch, yên bình của Thủ đô, gây cảm giác về một đô thị nhếch nhác với những công dân kém văn minh...

Những vỉa hè đầy chất thơ ở Hà Nội.

Giải quyết tốt mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển

Lâu nay đã có nhiều ý kiến thắc mắc, người Hà Nội cầu kỳ trong ăn uống, kỹ lưỡng về nếp sống, vậy tại sao các “quán cóc” vỉa hè lại được ưa chuộng đến vậy?

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, đó là do hầu hết người Hà Nội bây giờ đều có gốc gác từ các làng quê. Người ở quê vẫn có thói quen thích tụ họp bên chén trà hay túm năm tụm ba bên gốc cây đa đầu làng để trò chuyện. Họ thích sự tiện lợi, đó là lý do dẫn tới sự hình thành quán ăn, cửa hàng ngay trước cửa nhà, nơi họ có thể mua bán, trao đổi bất cứ lúc nào... 

Một nguyên nhân nữa bắt nguồn từ công tác quản lý đô thị. Nhiều năm qua, việc quản lý vỉa hè chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, thiếu kiên quyết, nhất là ở cấp cơ sở (phường, xã, thị trấn), thậm chí nhiều ý kiến dư luận còn cho rằng có tình trạng bảo kê, bao che... “Hoạt cảnh” bê bát phở chạy khi thấy bóng dáng xe tuần tra của cơ quan chức năng nêu trên chính là phản ánh một thực tế rằng công tác quản lý vỉa hè ở nhiều nơi vẫn chủ yếu xử lý phần "ngọn".

Nạn lấn chiếm vỉa hè từng là chủ đề "nóng” vào năm 1995 khi Nghị định số 36/1995/NĐ-CP của Chính phủ về “Bảo đảm an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị” được ban hành, trở thành cơ sở pháp lý quan trọng cho việc “giành lại” vỉa hè. Tại khoản 4, Điều 1 Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 3-9-2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24-2-2010 cũng quy định rõ kích thước của một vỉa hè chuẩn dành cho người đi bộ cùng với những quy định về mức phạt khi các hộ dân cố tình sử dụng trái phép lòng đường, hè phố để họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện...

Tháng 3-2017, Ban Chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội cũng đã ban hành kế hoạch tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng, bao gồm các hành vi vi phạm tại lòng đường, hè phố và các điểm trông giữ phương tiện. Tuy nhiên, những nỗ lực trên vẫn chưa mang lại hiệu quả mong muốn khi tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn diễn ra trên nhiều tuyến phố của Hà Nội.

Không còn vỉa hè, người dân chỉ còn cách đi bộ dưới lòng đường.

Có thể thấy, bên cạnh các quy định nêu trên, cần có một giải pháp kiên quyết nhưng linh hoạt hơn nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và sự nghiệp phát triển chung của Thành phố theo hướng văn minh, hiện đại, trong đó có việc tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức của người dân và đặc biệt là hỗ trợ giải quyết sinh kế cho những người "sống nhờ vỉa hè".

Một vấn đề nữa, đó là không thể "đối xử với vỉa hè" ở mọi khu vực, mọi ngõ phố, mọi con đường theo một cách giống nhau. Chẳng hạn, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, nguyên Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học), với những nơi có vỉa hè rộng có thể kẻ làn dành riêng cho người đi bộ và có thể tạo cơ hội cho người kinh doanh, bán hàng với những yêu cầu, điều kiện ràng buộc nhằm giữ gìn trật tự, văn minh, không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường cũng như mỹ quan đô thị...

Bên cạnh những quy định mang tính linh hoạt, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình cho rằng cần phải thực hiện nghiêm một số điều như: Chỉ cấp đăng ký kinh doanh cho các cửa hàng mặt phố khi các cửa hàng này cam kết không lấn chiếm vỉa hè, không gây cản trở đối với người đi bộ; kiên quyết xử lý những cán bộ trực tiếp hay liên đới tiếp tay, bảo kê... cho việc kinh doanh lấn chiếm vỉa hè; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý đô thị, tuyệt đối không làm theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”, “ra quân" xong rồi “đâu lại vào đó”...

Rõ ràng là xây dựng quy định về quản lý đô thị không phải là việc quá khó, mà cái khó ở đây là làm sao để "thành thị hóa con người", làm sao định hình phẩm chất cần có của người Hà Nội và vận động mọi công dân sinh sống ở Thủ đô noi theo. Bởi chúng ta đang nỗ lực xây dựng một đô thị đẹp đẽ, hiện đại, văn minh, nhưng tất cả sẽ chẳng có nghĩa lý gì khi chủ nhân của đô thị ấy vẫn còn hạn chế cả về nhận thức cũng như hành vi ứng xử với đô thị và với cộng đồng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng không gian văn hóa ở vỉa hè: Hài hòa lợi ích chung - riêng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.