Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh đô thị hóa để làm giàu cho địa phương

Thanh Hải| 08/07/2020 08:35

(NSHN) - Với quyết tâm hoàn thành các tiêu chí lên quận vào năm 2023, huyện Thanh Trì đã và đang tập trung nguồn lực đẩy mạnh đầu tư cho các tiêu chí điện, đường, trường, trạm, đặc biệt là hoàn thiện tiêu chí giao thông, xây dựng hạ tầng khung kết nối những tuyến đường. Tuyến đường Tả Thanh Oai - Đại Áng - Liên Ninh là một ví dụ.

Phấn khởi trước sự đổi thay

Tiếp phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Sinh Viên (76 tuổi, thôn Vĩnh Trung, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì) kể, xã Đại Áng ngày trước nghèo lắm, đường đất khi mưa là lầy lội, đi lại rất hạn chế, khổ nhất vẫn là các cháu học sinh khi tới trường. Bởi vậy, vào tháng 1-2019, khi UBND huyện Thanh Trì phát lệnh khởi công tuyến đường đi qua địa bàn xã, bà con nhân dân rất phấn khởi. Những ngày công nhân tiến hành làm đường, bà con đều mang nước uống, hoa quả ra mời, động viên và quan sát con đường mới đang dần hình thành. Đến tháng 2-2020, khi những mét bê tông asphalt cuối cùng được thảm trên địa bàn xã, niềm vui rộn ràng khắp thôn, xóm.

“Không vui sao được vì dự án này hoàn thành đúng tiến độ đặt ra. Có đường mới, sau này thông thương với các quận, huyện sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Đại Áng. Có đường là có tất cả, sẽ thúc đẩy được giao lưu văn hóa, mở mang trí tuệ cho người dân, các cháu học sinh sẽ bớt khó khăn khi tới trường. Cứ sáng sớm hay chiều chiều, mời nhà báo về đây sẽ thấy phong trào tập thể dục của người dân lên cao thế nào, đường đẹp đã thúc đẩy phong trào đi bộ, chạy bộ phát triển”, ông Viên nói.

Trong câu chuyện, ông Nguyễn Thanh Toàn, Chủ tịch UBND xã Đại Áng cho biết thêm, tuyến đường mới đã trở thành một trong những động lực để xã đẩy nhanh việc khôi phục làng nghề truyền thống. Nghề làm nón lá cổ truyền của xã chính thức được khôi phục với việc thành lập Hợp tác xã nón lá Vĩnh Thịnh vào tháng 5-2020.

Tương tự, ở xã Tả Thanh Oai, ông Nguyễn Tràng Thắng, Chủ tịch UBND xã cho biết, công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thành được 90% khối lượng công việc và việc hoàn thành tuyến đường được bà con trông ngóng.

Tại thôn Siêu Quần, gia đình ông Nguyễn Văn Thủy, nhà ở Đội 12, có hơn 1.000m2 đất thuộc diện phải giải phóng mặt bằng cho biết, dù diện tích đất bị mất nhiều, nhưng vì lợi ích chung của cộng đồng, không chỉ riêng gia đình ông, mà tất cả người dân xã Tả Thanh Oai đều hết lòng ủng hộ, không có một sự phàn nàn nào. Mọi người đều chung suy nghĩ, con đường mới sẽ là động lực cho tăng trưởng kinh tế của xã, của huyện và trước hết là cho chính người dân sinh sống trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Tràng Thắng, công tác giải phóng mặt bằng bị chậm là do sự cẩn trọng trong khâu xác minh nguồn gốc đất, đối chiếu diện tích, bảo đảm chính xác nhất quyền lợi của người dân.

“Đến nay, chỉ còn gần 30 hộ và chúng tôi sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 7-2020”, ông Thắng nhấn mạnh.

"Cam kết hoàn thành đúng tiến độ"

Đó là điều mà ông Trần Việt Trung, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì, đơn vị được UBND huyện Thanh Trì ủy quyền triển khai dự án, nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới.

Ông Trung cho biết, tuyến đường Tả Thanh Oai - Đại Áng - Liên Ninh, có chiều dài toàn tuyến hơn 5,7km, mặt cắt ngang là 30m, được xây dựng hệ thống thoát nước mưa, điện chiếu sáng, vỉa hè, cây xanh… do UBND huyện làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư dự án là 461,4 tỷ đồng, thực hiện trong 3 năm (từ năm 2018-2021).

Tuyến đường hoàn thành sẽ hình thành trục giao thông kết nối huyện Thanh Trì với các quận, huyện lân cận như Thường Tín, Thanh Oai, Hà Đông, qua đó từng bước hoàn chỉnh hệ thống đường giao thông, hệ thống hạ tầng khung theo quy hoạch, từ đó thúc đẩy quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế - xã hội tại các xã Liên Ninh, Đại Áng, Tả Thanh Oai và các khu vực lân cận.

Đây là tuyến đường giao thông quan trọng cấp khu vực kết nối các khu vực phát triển đô thị phía Tây huyện Thanh Trì theo định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch phân khu đô thị S5, GS đã được UBND thành phố phê duyệt.

Chia sẻ thêm về những kết quả đạt được, ông Nguyễn Tiến Cường, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì thông tin, cùng với tuyến đường này, thời gian qua, huyện đã nỗ lực triển khai hàng loạt dự án nâng cấp, cải tạo, xây mới đường giao thông như đường liên xã Yên Mỹ - Duyên Hà - Vạn Phúc, có tổng mức đầu tư hơn 155 tỷ đồng; tuyến đường nối cầu Hòa Bình đến khu đô thị mới Nam Linh Đàm… để khớp nối hạ tầng giao thông giữa các địa phương, giúp đi lại thuận tiện hơn.

Cùng với đó, hàng loạt các trường học cũng được xây mới như: Trường THCS Ngũ Hiệp có tổng mức đầu tư 113 tỷ đồng, Trường THPT Nguyễn Quốc Trinh với 117 tỷ đồng.

Có thể thấy, tổng thể hạ tầng cơ sở trên địa bàn huyện phục vụ cho phát triển đô thị trong thời gian tới đã cơ bản định hình. Thời gian tới, huyện sẽ quyết liệt thực hiện một số dự án trọng điểm được thành phố chấp thuận đưa vào kế hoạch đầu tư xây dựng theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh đô thị hóa để làm giàu cho địa phương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.