Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dấu ấn của một thời oanh liệt

KTS. Nguyễn Mạnh Trí| 31/01/2020 09:33

(HNMCT) - Nói đến di sản kiến trúc Hà Nội, người ta thường nghĩ đến khu phố cổ với những mái nhà lô xô bình dị, những phố nghề đông đúc nhộn nhịp hay khu phố Tây với những biệt thự, công trình công cộng mang lối kiến trúc cầu kỳ, kiểu cách. Song, còn một khối các công trình kiến trúc khác cũng xứng đáng được xếp hạng như những di sản đô thị, đó là các công trình kiến trúc hiện đại được xây dựng từ nửa sau thế kỷ XX.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Những “viên gạch” đầu tiên

Khởi nguồn từ châu Âu cuối thế kỷ XIX, kiến trúc chủ nghĩa hiện đại (modernism) nhanh chóng lan ra toàn thế giới với những ưu thế vượt trội. Bằng việc tận dụng tiến bộ của công nghiệp hóa với những kỹ thuật hiện đại, bỏ lại sau lưng gánh nặng của truyền thống, tất cả được đặt trong lối tư duy gãy gọn và thực dụng, hướng tới sự cải cách xã hội mạnh mẽ, kiến trúc hiện đại được ưa chuộng và trở thành trào lưu của thế kỷ XX.

Với nhiều kiến trúc sư Âu - Mỹ, sự phổ quát của kiến trúc hiện đại như một minh chứng cho sự ưu việt và sức mạnh của nền văn minh phương Tây. Nhưng khi du nhập Việt Nam vào những năm 30 của thế kỷ trước, kiến trúc hiện đại đã có thêm một tầng ngữ nghĩa khác, đó là tinh thần dân tộc. Vào thời điểm ấy, hai phong cách kiến trúc được người Pháp sử dụng phổ biến ở Việt Nam là kiến trúc cổ điển phương Tây và kiến trúc Đông Dương. Kiến trúc cổ điển phương Tây thể hiện sức mạnh và uy quyền của kẻ thực dân, còn kiến trúc Đông Dương là sự lai ghép chiết trung giữa cái vỏ văn hóa phương Đông với nội dung phương Tây như một biểu hiện cho chủ trương cộng tác Pháp - Việt.

Tuy nhiên, kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện, một trong những kiến trúc sư đầu tiên tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã lựa chọn con đường khác. Tốt nghiệp thủ khoa, kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện sang Pháp làm việc cho một người được mệnh danh là bậc thầy kiến trúc hiện đại của thế giới, đó là Le Corbusier. Trở về Việt Nam, Nguyễn Cao Luyện dứt khoát từ bỏ lối kiến trúc Đông Dương và lựa chọn phong cách kiến trúc hiện đại như một công cụ hữu hiệu chắp cánh cho một tương lai, một tinh thần dân tộc quật cường. Những công trình của ông với hình khối gãy gọn, mái bằng phẳng, như biệt thự số 65 Lý Thường Kiệt (nay là Đại sứ quán Cuba) là một tuyên ngôn mạnh mẽ vượt lên trên những ràng buộc hình thức của kiến trúc đương thời.

Bộ ba Nguyễn Cao Luyện - Hoàng Như Tiếp - Nguyễn Gia Đức còn tích cực tham gia vào các phong trào thiết kế nhà ở giá rẻ cho người Việt. Nổi bật nhất trong số đó là phong trào “nhà ánh sáng” - một phong trào vận động cải cách xã hội với mục đích cải thiện chất lượng sống cho người nghèo, xóa bỏ nhà ổ chuột, nâng cao điều kiện vệ sinh môi trường. Khu trại ánh sáng ở bãi Phúc Xá được xây dựng trong giai đoạn 1933 - 1936 là minh chứng cho kết tinh của tinh thần dân tộc mạnh mẽ, đặt trên nền tảng tư tưởng cải cách xã hội hiện đại.

Lấp lánh tinh thần dân tộc hiện đại

Sau năm 1954, những công trình kiến trúc phục vụ đời sống quốc kế dân sinh nhanh chóng được xây dựng ở cả hai miền Nam - Bắc. Trong bối cảnh đó, không chỉ đơn thuần phục vụ những nhu cầu thông thường của xã hội, các công trình kiến trúc có một vai trò quan trọng mang tính biểu tượng; đó là sự khẳng định tầm nhìn hướng đến tương lai, thúc đẩy lòng tự tin, tinh thần và lòng tự hào dân tộc, khát vọng vươn lên hiện đại hóa của một quốc gia độc lập.

Tinh thần dân tộc hiện đại được truyền tải đến từng công trình kiến trúc ở giai đoạn này. Một trong số đó là cơ sở đào tạo giáo dục bậc cao đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Công trình do Liên Xô giúp đỡ khởi công năm 1960, dựa trên một mẫu thiết kế điển hình của Viện Thiết kế Leningrad. Thoạt nhìn, vị trí xây dựng Trường Đại học Bách khoa nằm liền kề trong khu vực Trường Đại học Đông Dương do người Pháp lập quy hoạch và đã tiến hành xây dựng một vài công trình từ năm 1943. Tuy nhiên, nếu đặt trong tổng thể mới hiểu hết được ý nghĩa, tính biểu tượng mạnh mẽ và khát vọng sục sôi cũng như tinh thần dân tộc trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt của đất nước. Thời Pháp thuộc, con đường đất nối từ ô Cầu Dền đến khu Kim Liên vốn không có tên, chỉ được đánh số.

Đến năm 1945, đường này được đổi tên thành đường Đại Cồ Việt. Vị trí xây dựng Trường Đại học Bách khoa được chính Bộ trưởng Bộ Giáo dục lúc đó là Nguyễn Văn Huyên lựa chọn. Đây vốn là khu nghĩa trang của lính viễn chinh Bắc Phi. Tòa giảng đường nằm trên đường Đại Cồ Việt, trục chính của tòa nhà trùng khít với trục trung tâm dẫn đến cổng chính của Công viên Thống Nhất. Trục này chạy qua đảo Hòa Bình, nằm giữa Công viên Thống Nhất. Lối vào chính của trường nằm trên con đường mang tên Nam Bộ (nay là đường Giải Phóng). Thế hệ bây giờ có lẽ khó hình dung được tinh thần tự hào dân tộc của người dân Thủ đô giai đoạn đó khi bước chân qua cổng chính Công viên Thống Nhất, phóng tầm mắt qua đảo Hòa Bình thấy giảng đường Trường Đại học Bách khoa - biểu tượng của tương lai rực rỡ tươi sáng của một quốc gia thống nhất và hiện đại, được xây dựng trên tro tàn những kẻ xâm lược ngoại bang.

Một công trình kiến trúc hiện đại khác vô cùng đặc biệt của Thủ đô Hà Nội là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khởi công năm 1973, công trình này là kết quả của một cuộc thi kiến trúc rộng rãi với hàng chục phương án của người Việt Nam ở cả trong và ngoài nước từ cuối năm 1969. Mặc dù tác giả của công trình là kiến trúc sư Liên Xô Garold Isakovich, nhưng thực chất dựa trên nền tảng phương án đoạt giải nhất của kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Chân. Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Chính trị về định hướng dân tộc, hiện đại, trang nghiêm, giản dị cùng với các yêu cầu về vị trí, độ cao đặt thi hài, hình thức đăng đối như kiến trúc truyền thống..., phương án xây dựng được hình thành. Bên cạnh khối kiến trúc hiện đại, phần thân Lăng được cách điệu từ hình ảnh ngôi nhà dân gian truyền thống năm gian với hàng cột hiên và phần mái cách điệu kiểu đặc trưng của đình làng Việt. Mặc dù không ít người cho rằng, công trình chịu ảnh hưởng của Lăng Lênin, nhưng thực chất, đây là một công trình kiến trúc thấm đẫm nét văn hóa Việt Nam.

Có lẽ không nhiều người biết, trong giai đoạn đó từng có đề xuất phương án xây dựng cung đại hội Diên Hồng và điện Văn Lang của Chính phủ nằm hai bên của Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại lộ Lạc Hồng. Những cái tên Diên Hồng, Văn Lang, Lạc Hồng đều là những mốc son hào hùng trong lịch sử dân tộc. Một chi tiết nhỏ mang tính biểu tượng cao là trong quá trình xây dựng phần ngầm của Lăng, hàng trăm khối đất đá được đào lên. Khối đất đá này được chuyển đến một khu đầm lầy, đất trũng khác ở phía tây Hà Nội để tôn nền, và rồi không lâu sau đó, tại địa điểm này mọc lên một công trình chăm sóc sức khỏe hàng đầu cho trẻ em Việt Nam do Thụy Điển viện trợ. Đó chính là Bệnh viện Nhi Thụy Điển.

Trong 12 ngày đêm lịch sử của chiến dịch Điện Biên Phủ trên không tháng 12-1972, bom Mỹ đã đánh sập gian trung tâm của ga Hà Nội. Năm 1973, việc dọn dẹp nhà ga nhanh chóng được tiến hành. Một cuộc thi được tổ chức và phương án của kiến trúc sư Hoàng Nghĩa Sang được lựa chọn. Sau một thời gian tập trung xây dựng, ngày 31-12-1976, chuyến tàu Thống Nhất lịch sử kết nối hai miền Nam - Bắc đã khởi hành tại đây. Không chỉ là một công trình giao thông thuần túy, nhà ga Hà Nội còn mang ý nghĩa biểu tượng mạnh mẽ khi những nét kiến trúc dân tộc được lựa chọn để gắn kết với phần mái vát cách điệu, cùng ô chắn nắng lấy cảm hứng từ hoa văn dân tộc truyền thống trên mặt đứng công trình. Ngôn ngữ kiến trúc hiện đại này là thông điệp khẳng định về một thời đại mới của Hòa bình và Thống nhất.

Thành phố của chúng ta còn rất nhiều công trình kiến trúc như những nhân chứng của một thời hào hùng, gian khổ mà oanh liệt. Những công trình kiến trúc này được ra đời trong bối cảnh đất nước vừa bỏ lại sau lưng những năm tháng chiến tranh khốc liệt và đối mặt với vô vàn khó khăn của một giai đoạn lịch sử mới. Nhưng vượt lên tất cả, những công trình đó là thông điệp về tinh thần dân tộc mãnh liệt, lạc quan, một khát khao cháy bỏng của những thế hệ người Việt Nam vì một tương lai độc lập, tự do và hạnh phúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn của một thời oanh liệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.