Theo dõi Báo Hànộimới trên

Loay hoay giải quyết nhà siêu mỏng, siêu méo

Phương Nhi| 06/06/2016 07:04

Thông tin hàng loạt nhà "siêu mỏng, siêu méo" xuất hiện dọc tuyến đường Vành đai 2 chỉ vài tháng sau khi được thông xe khiến dư luận bất bình về sự buông lỏng của chính quyền địa phương.

Thông tin hàng loạt nhà "siêu mỏng, siêu méo" xuất hiện dọc tuyến đường Vành đai 2, đoạn Nhật Tân -Xuân La - Bưởi - Nghĩa Đô chỉ vài tháng sau khi được thông xe khiến dư luận bất bình về sự buông lỏng của chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, thực tế không hoàn toàn như vậy mà chính quyền một số địa phương vẫn còn loay hoay giải quyết những nhà siêu mỏng, siêu méo tồn tại sau giải phóng mặt bằng.

Dự án tuyến đường Vành đai 2 đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy dài hơn 6km, tổng mức đầu tư hơn 300 triệu USD (tương đương hơn 6.300 tỷ đồng), sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng trong nước, được khởi công xây dựng từ tháng 3-2012 và hoàn thành vào tháng 1-2016. Đây là hợp phần quan trọng của dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội, góp phần hoàn chỉnh kết nối trung tâm Thủ đô đến Sân bay Nội Bài nhằm giảm áp lực giao thông trên tuyến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài hiện nay. Hiện tại, trên cung đường này, bộ mặt đô thị đã hình thành, nhiều ngôi nhà hai bên đường đã được chỉnh trang, xây dựng.

Trên đoạn đường của phường Nhật Tân, phía giáp đường dẫn và vòng xoay lên cầu Nhật Tân việc xây dựng của các hộ gia đình dọc tuyến đường đã gần hoàn tất. Theo quan sát của PV, đoạn đường này không tồn tại những ngôi nhà siêu mỏng, méo hay có hình thù kỳ quái. Điều này cũng đã được Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân, phụ trách về xây dựng và trật tự đô thị Đặng Hữu Tiến khẳng định: "Trên địa bàn phường không tồn tại những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo. Điều này đã được lãnh đạo UBND quận Tây Hồ quán triệt và chỉ đạo sát sao. Cán bộ phường cũng thường xuyên thị sát, kịp thời xử lý những phát sinh, không để ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị".

Còn trên tuyến đường Vành đai 2 đi qua địa bàn phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), ông Chử Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường cho biết, qua rà soát có tổng số 26 trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng, trong đó 10 trường hợp đã hợp thửa, hợp khối xong và đã xây dựng; 4 trường hợp đã hợp khối, đang xin cấp giấy phép xây dựng; 4 trường hợp đã hợp thửa xong, đề nghị tồn tại và lập phương án xây dựng chỉnh trang có điều kiện (1 tầng)... Ông Hùng cho biết, tại phường không có công trình nào không đủ điều kiện xây dựng mới sau GPMB. Với những công trình hiện tại chưa đủ điều kiện được thông tin trên công luận trong thời gian qua thì đây là những công trình còn lại sau GPMB. "Các gia đình này cải tạo chỉnh trang lại phần sau phá dỡ chứ không thay đổi hiện trạng công trình. Chúng tôi làm rất kiên quyết vấn đề này" - ông Hùng nhấn mạnh.

Theo ông Lê Tiến, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân La, qua việc rà soát các trường hợp thu hồi đất để xây dựng tuyến đường Vành đai 2, trên địa bàn phường có 18 trường hợp sử dụng đất còn lại sau GPMB không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng. Đến nay, có 8 trường hợp cung cấp tài liệu hợp khối với hộ liền kề. "Trong 10 trường hợp còn lại, chỉ có 2 trường hợp có nhà, còn lại là đất trống. Cán bộ phường luôn giám sát không để phát sinh bất kỳ công trình xây dựng siêu mỏng, méo nào sau GPMB. Bởi vậy, nói "nhà mỏng mới xuất hiện trên đường nghìn tỷ" tại địa bàn phường Xuân La là không có cơ sở" - ông Tiến khẳng định. Tuy nhiên, hiện nay để giải quyết vấn đề này rất khó đối với chính quyền địa phương. Công nghệ xây dựng hiện nay rất phát triển, nên chỉ cần thời gian ngắn là có thể hoàn thành, vì thế cán bộ phụ trách của phường phải gồng mình làm việc, cả trong những ngày nghỉ, có phát sinh phải báo cáo ngay để kịp thời xử lý. Vì nếu để công trình xây dựng hình thành, trước hết trách nhiệm thuộc về chính quyền cơ sở, sau đó thành lập ban, ngành tổ chức cưỡng chế sẽ mất rất nhiều thời gian và chi phí.

Chính quyền các địa phương đang thực hiện Quyết định số 16/2015/QĐ-UBND ngày 17-7-2015 của UBND thành phố về việc sửa đổi bổ sung một số điều, khoản của Quyết định số 15. Kể từ khi Quyết định 15/2011/QĐ-UBND (ngày 6-5-2011), của UBND thành phố quy định về xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng đang tồn tại dọc các tuyến đường giao thông và nguyên tắc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường giao thông mới trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, những diện tích dưới 15m2, nếu có sổ đỏ thì người dân được quyền chuyển nhượng, giao dịch dân sự. Trong trường hợp việc chuyển nhượng bất thành, Nhà nước sẽ thu hồi và đền bù theo chính sách GPMB. Tuy nhiên, theo ông Tiến, cách làm này cũng bộc lộ những khó khăn trong việc thực hiện, bởi việc thu hồi đòi hỏi kinh phí rất lớn để GPMB và bố trí quỹ nhà tái định cư. Thêm vào đó, việc thỏa thuận hợp thửa, hợp khối với công trình liền kề rất phức tạp, bởi giá trị đất mặt phố rất cao, ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của người dân, nên họ sẽ bảo vệ đến cùng...

Thực tế, nhìn ra cách làm của các đô thị lớn trên thế giới trong việc xử lý vấn đề nhà siêu mỏng, siêu méo là ngay từ khi lên kế hoạch giải tỏa dự án, họ đã tính đến chuyện này. Ví dụ, như ở Singapore, khi thu hồi đất để mở đường, họ đã thu rộng hơn dự án sang hai bên 50-100m, rồi tổ chức đấu giá để thu hồi vốn. Điều này giúp thành phố tiết kiệm một khoản chi phí thu hồi đất khá lớn cho tương lai và không tiếp tục xáo trộn trong cuộc sống của người dân. Thiết nghĩ, đây cũng là một ý kiến để các cơ quan nghiên cứu xem xét.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Loay hoay giải quyết nhà siêu mỏng, siêu méo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.